Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Những chuyển biến tích cực

VH- Là tỉnh vùng cao biên giới thuộc khu vực Tây Bắc, địa bàn tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, thường xuyên mùa mưa lũ phải chống chọi với vô vàn thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm qua đã mang lại những chuyển biến tích cực.

Nhiều hộ nghèo được Chương trình hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực, từng bước thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống. 

Chính sách hỗ trợ người nghèo

Đối với rất nhiều hộ dân được thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo thì Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững chính là một yếu tố có tính quyết định công tác giảm nghèo. Với dân số 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 82%) như Thái, Mông, Mường, Khơ mú, Sinh mun, Dao, Khánh, La ha…, Sơn La có 118 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới hưởng chính sách Chương trình 135; 05 huyện thuộc diện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và 1.708 bản đặc biệt khó khăn.

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là quãng thời gian khởi đầu của giai đoạn 2 thực hiện Quyết định số 1722/QĐ- TTg ngày 02.09.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020. Trong bối cảnh tình hình thiên tai liên tiếp xảy ra, phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề, những tác động tích cực từ việc thực hiện Chương trình MTQG càng khẳng định ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống còn nhiều khó khăn của một bộ phận dân cư trên địa bàn.

Để ban hành cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã, bản. Riêng cấp bản, Ban rà soát, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo hằng năm hoạt động thường xuyên.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Những chuyển biến tích cực - Anh 1

UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều chỉ đạo đối với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Công văn số 2962/UBND -TH ngày 13.9.2016 của UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1722/ QĐ-TTg ngày 02.09.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở bám sát các nội dung, mục tiêu, dự án của Chương trình và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, kế hoạch phát triển KT- XH tỉnh giai đoạn 2016-2020. Công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình, chính sách giảm nghèo tới các cấp, ngành và người dân cũng được đẩy mạnh; từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, khắc phục tâm lý trông chờ, ỉ lại của người dân, chủ động và phát huy nội lực, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhiều chính sách hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống dân nghèo đã được triển khai. Thực hiện Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; chính sách cán bộ; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện đã được triển khai tích cực. Riêng chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập có nội hàm gồm nhiều nội dung như hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo ở bản vùng giáp biên giới chưa tự túc được lương thực; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương; chính sách xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, phải kể đến kết quả hỗ trợ thiết thực của các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với các huyện nghèo; Chính sách hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Thực hiện Chương trình 135, tổng vốn đầu tư phát triển 126.000 triệu đồng trong năm 2016 đã được Sơn La hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; đầu tư hỗ trợ cho các bản đặc biệt khó khăn xã khu vực I và khu vực II. Nguồn vốn này đã được các huyện, thành phố sử dụng thanh toán cho 16 công trình hoàn thành và chuyển tiếp kinh phí; đầu tư 142 công trình mới. Đến nay đã giải ngân 81% kế hoạch vốn giao.

Nguồn vốn sự nghiệp 30.512 triệu đồng đã được hỗ trợ sản xuất, thực hiện trên địa bàn 164 xã, 1187 bản. Trong đó, các huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cho 10.441 hộ với kinh phí 21.283,71 triệu đồng. 1384 hộ được hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất với kinh phí 6051 triệu đồng.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Những chuyển biến tích cực - Anh 2

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Những chuyển biến tích cực - Anh 3

Hoạt động hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng đặc biệt được chú trọng với 930 hộ được hỗ trợ, với kinh phí 3.764 triệu đồng; qua đó góp phần phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu của người dân. Bên canh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tổ chức 56 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, 2.700 người đã được tập huấn.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là nội dung quan trọng của Chương trình. Năm 2016, UBND tỉnh đã giao kinh phí 1000 triệu đồng thực hiện mô hình giảm nghèo tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Với nguồn kinh phí này, huyện Vân Hồ đã thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản giống địa phương với sự tham gia của 55 hộ nghèo tại hai xã Suối Bàng, Liên Hòa. Với những chỉ đạo sát sao từ UBND huyện hỗ trợ người dân, đến nay, đây là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao, giúp nhiều hộ nghèo ở hai xã Suối Bàng, Liên Hòa có cơ hội và phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện Mộc Châu, nguồn kinh phí được sử dụng để xây dựng mô hình giảm nghèo cho người dân trong năm 2017.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La: Những chuyển biến tích cực - Anh 4

Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Đài Truyền thanh- Truyền hình thành phố Sơn La và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện Quỳnh Nhai, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 15 chương trình phát thanh, 15 chương trình truyền hình, tập trung thực hiện xây dựng các phóng sự, chuyên mục nhằm phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; phổ biến các kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình giảm nghèo; gương điển hình về công tác giảm nghèo…

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, Sơn La đã triển khai Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội cho trên 200 cộng tác viên công tác xã hội cấp xã. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tham vấn cộng đồng về các chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội cho 450 lượt người nghèo, cận nghèo, cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các tổ, bản của 09 xã trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai.

Công tác giám sát, đánh giá hiệu quả thực chất của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình tại 06 huyện và 12 xã. 12/12 huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo tại các xã, phường, thị trấn.

Qua giám sát , Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị UBND các huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót; đảm bảo công khai, minh bạch…

 

 Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn có tỉ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra…
(Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020).

P.V

Ý kiến bạn đọc