Bảo tồn văn hóa, khai thác du lịch hiệu quả

SƠN THÙY

VHO - Gần 3 năm triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao đời sống, chất lượng sống cho đồng bào ở miền núi tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại các huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông.

 Bảo tồn văn hóa, khai thác du lịch hiệu quả - ảnh 1

 Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô tại huyện A Lưới góp phần khai thác du lịch hiệu quả

Mở ra nhiều cơ hội

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cơ sở.

Dự án 6 đã bố trí nguồn lực khá lớn và mở ra nhiều cơ hội, điều kiện để chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đặc biệt, đồng bào đã tích cực hưởng ứng và khao khát được phục dựng, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều người trẻ có xu hướng bắt đầu tìm hiểu, học hỏi và yêu thích văn hóa truyền thống hơn.

Sau gần 3 năm triển khai, thực hiện Dự án 6 tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số hạng mục công trình đã được xây dựng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Dự án đầu tư Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được triển khai trên diện tích 5 ha với kinh phí hơn 20,7 tỉ đồng đã và đang được xây dựng, hiện đang thi công đường vành đai, nhà sinh hoạt cộng đồng Pa Cô, nhà sinh hoạt cộng đồng Tà Ôi, nhà sinh hoạt chung...

Làng văn hóa dân tộc Cơ tu tại huyện Nam Đông cũng cơ bản hoàn thành và bắt đầu đưa vào hoạt động. Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Biểu tượng đường Hồ Chí Minh thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại ngã ba xã Lâm Đớt, huyện A Lưới... Nhiều bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục, bảo tồn và phát triển.

Theo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa đã phối hợp với các đơn vị xây dựng và phát triển 4 mô hình, câu lạc bộ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” gồm: Lễ hội cồng chiêng của người Bru Vân Kiều ở bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc; Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống dân tộc Pa Hy tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà; Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Cơ tu tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông; Câu lạc bộ mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi ở thôn Pa Ris - Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới.

Góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tạo cơ hội kết nối

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào cũng

 đã có nhiều kết quả, góp phần phát huy giá trị, nâng cao đời sống tinh thần và tạo cơ hội kết nối phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện vùng cao. Huyện A Lưới với hơn 77% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua nhằm thực hiện Dự án 6, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã không ngừng khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Các điệu hát, điệu múa truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi được khôi phục; tổ chức các lớp truyền dạy dân ca dân vũ, các lớp dạy nghề điêu khắc thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; các nghệ nhân, già làng truyền dạy chế tác cây nêu trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi...

Phòng VHTT huyện A Lưới cũng hỗ trợ hoạt động cho 4 đội văn nghệ truyền thống tại các làng: Làng Đút 1, xã Hồng Kim; làng Ta Ay Ta, xã Trung Sơn; làng Cân Tôm, xã Hồng Hạ; làng A Roàng 2, xã A Roàng. Tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới như: Tái hiện tục Đi sim (Pộc Xu) tại điểm du lịch xã Hồng Hạ và phiên chợ vùng cao A Lưới; nghệ thuật tắm tiên tại làng du lịch cộng đồng sinh thái A Nôr, xã Hồng Kim; tái hiện Lễ hội Mừng nhà mới - A Riêu Ngọi Đung; tái hiện nghi thức cúng dâng Dèng dân tộc Tà Ôi; nghi thức đặt họ Hồ; lễ cưới truyền thống của người Pa Cô…

Huyện Nam Đông có khoảng 43% dân cư là đồng bào Cơ tu sinh sống, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cũng được triển khai tích cực như: Mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho người dân ở các xã Thượng Long, Thượng Nhật; tổ chức lớp truyền dạy đan lát tại xã Thượng Long, xã Hương Sơn cho gần 40 học viên; mở lớp truyền dạy làm các sản phẩm lưu niệm từ mây tre đan tại xã Thượng Lộ cho 30 học viên...

Cùng với công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, nhiều tour du lịch cộng đồng đã được khai thác hiệu quả, thu hút du khách đến với các điểm du lịch ở huyện A Lưới, Nam Đông. Ngoài trải nghiệm không gian núi rừng, thác suối thì du khách còn rất thú vị với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm các hoạt động làm nghề thủ công và sinh hoạt thường ngày của đồng bào vùng cao...

Điển hình với điểm đến du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào Cơ tu; Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr của xã Hồng Kim (huyện A Lưới) trải nghiệm văn hóa của người Pa Cô; điểm du lịch sinh thái A Roàng tại xã A Roàng (huyện A Lưới) của đồng bào Tà Ôi...

Theo ông Hồ Xuân Trăng, để Dự án 6 tiếp tục triển khai hiệu quả, Ban Dân tộc đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã có đồng bào các dân tộc sinh sống tích cực vận động, tuyên truyền tầm quan trọng của công tác “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” cho các nghệ nhân dân gian, thế hệ trẻ cũng như các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ý kiến bạn đọc