Đặc sắc điệu múa Bát người Tày

Q.HOA

VHO - Năm 2022, điệu múa Bát của người Tày Bắc Kạn được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân người Tày Bắc Kạn đã có công giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Đặc sắc điệu múa Bát người Tày - ảnh 1

 Người Tày ở Bắc Kạn sử dụng bát, đũa gõ vào nhau tạo ra âm thanh khi biểu diễn múa Bát

Nói về nét đặc sắc của điệu múa này, ông Hoàng Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Di sản, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn cho biết, múa Bát người Tày thường diễn ra trong không gian như: Múa trên nhà sàn, sân trước nhà thờ, sân trường…

Điểm đặc biệt của múa Bát người Tày chính là việc sử dụng bát, đũa gõ vào nhau tạo ra âm thanh để biểu diễn. Các nghệ nhân Tày thường cầm các bát sứ, thường là bát đất nung, với đôi đũa để gõ nhịp trong khi di chuyển và biểu diễn các động tác múa. Những động tác múa trong múa bát Tày thường mang tính linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và sự đồng bộ giữa những người bạn diễn.

Trang phục biểu diễn múa Bát gồm áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng, khăn vuông quấn đầu được làm bằng vải dệt từ sợi bông, nhuộm màu chàm. Đi kèm với nó là bộ xà tích gắn trên thắt lưng, vòng đeo cổ được làm bằng bạc trắng, chân đi giầy nhung.

“Một số mô tuýp chủ đạo thường xuất hiện trong múa Bát người Tày bao gồm các động tác mô phỏng cảnh sinh hoạt lao động đời thường, tái tạo cảnh vật thiên nhiên, hình ảnh muông thú hoặc các sự tích hay truyền thuyết dân gian. Mỗi động tác, mỗi bước nhảy đều mang theo một thông điệp, một câu chuyện hoặc một cảm xúc sâu sắc. Ngoài việc biểu diễn trên sân khấu phục vụ du khách, múa Bát cũng thường được biểu diễn trong các hoạt động văn hóa cộng đồng, các dịp lễ hội truyền thống và các sự kiện quan trọng khác của người Tày”, ông Hoàng Minh Thư chia sẻ.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, múa Bát của người Tày Bắc Kạn đã được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ, các đội văn nghệ dân gian được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa Bát với nhau để sinh hoạt, giao lưu, tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội và phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục được duy trì và có cơ hội bảo tồn và phát triển trong đời sống hiện nay.

Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với nhiều hoạt động cụ thể. Mục tiêu là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho đồng bào dân tộc và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc gắn

 với phát triển du lịch cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2025, trên 88% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa; trên 30% thôn có đội văn nghệ(câu lạc bộ) hoạt động thường xuyên, có chất lượng, gắn với bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Ý kiến bạn đọc