Lan tỏa sâu rộng Tủ sách Huế đến cộng đồng

VHO - Việc triển khai thực hiện đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế giai đoạn 2022-2025 đang được các Sở, ngành và địa phương tại Thừa Thiên Huế đẩy mạnh. Phong trào văn hóa đọc từ trường học đến các không gian cộng đồng phát triển sâu rộng, đặc biệt nhiều ấn phẩm quý, hay về Huế đã góp phần cung cấp nhiều thông tin thú vị cho độc giả khắp nơi.

Lan tỏa sâu rộng Tủ sách Huế đến cộng đồng - Anh 1

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và các đại biểu tham quan không gian trưng bày Tủ sách Huế tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023

 Đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế được khởi động từ năm 2021, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và tuyên truyền, quảng bá những giá trị tốt đẹp của văn hóa Huế, con người Huế đến với người đọc trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng hệ thống Tủ sách Huế trong các thư viện công cộng, thư viện trường học trên địa bàn toàn tỉnh; tuyển chọn và xuất bản các ấn phẩm có giá trị trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến Thừa Thiên Huế; thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, Tủ sách Huế đã được triển khai ở hơn 70 thư viện cộng đồng, không gian đọc và thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Với nỗ lực tìm kiếm và tuyển chọn, Tủ sách Huế đã xuất bản được 9 ấn phẩm giới thiệu đến công chúng. Đây là các ấn phẩm có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghiên cứu Huế đã được độc giả đón nhận và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút thẩm định xuất bản 2 ấn phẩm Huế kinh đô diệu kỳ rút từ tập B.A.V.H để ra mắt bạn đọc trong năm 2024.

Qua hơn 2 năm hình thành và phát triển, Tủ sách Huế đã được triển khai đến tất cả hệ thống thư viện cộng đồng, thư viện các trường đại học, cao đẳng, trường THPT, phòng đọc cơ sở, thư viện trại giam… với gần 1.000 ấn phẩm. Đầu năm 2024, Sở VHTT Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan tiếp tục bổ sung 2 ấn phẩm tiêu biểu là: Điện Thái hòa - Kiến trúc nghệ thuật: Biểu tượng khát vọng của triều Nguyễn Vua Hàm Nghi - Hồi ức con đường El Biar do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện.

Lan tỏa sâu rộng Tủ sách Huế đến cộng đồng - Anh 2

 Phong trào đọc sách đã lan rộng đến học sinh các cấp trên địa bàn

“Năm nay, chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện phương án tuyển chọn các ấn phẩm tiêu biểu đáp ứng tiêu chí của Đề án để gắn logo Tủ sách Huế đối với ấn phẩm do các cá nhân và tổ chức ngoài công lập đề xuất, nhằm gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng của Tủ sách Huế. Dự kiến đến năm 2025, Tủ sách Huế sẽ hình thành được khoảng 50 ấn phẩm tiêu biểu để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và quảng bá Huế”, ông Phan Thanh Hải thông tin.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các kế hoạch cụ thể để triển khai đề án trong giai đoạn 2022-2025; đặc biêt, năm 2024 này sẽ đẩy mạnh các nội dung để lan tỏa sâu rộng hơn Tủ sách Huế đến với cộng đồng địa phương nói riêng và bạn đọc khắp nơi nói chung. Năm 2024, sẽ xuất bản ít nhất từ từ 14-17 ấn phẩm gắn logo Tủ sách Huế; đồng thời, ban hành danh mục ấn phẩm tuyển chọn xuất bản gắn logo Tủ sách Huế năm 2024-2025. Rà soát, chỉnh lý và bổ sung các sản phẩm của Tủ sách Huế đã được xuất bản; bổ sung các ấn phẩm mới tại các điểm đã triển khai đề án.

UBND tỉnh cũng đã giao UBND TP Huế nhanh chóng chọn địa điểm phù hợp để hình thành một Đường sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng và du khách. Đây là câu chuyện “dài kỳ”, bởi địa phương cũng từng xây dựng Đường sách Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh) nhưng sau đó buộc phải đóng cửa do nhiều nguyên nhân. Một số chuyên gia cho rằng, việc chọn địa điểm cho Đường sách ở Huế phải phù hợp với không gian cảnh quan và trục giao thông lân cận, dễ dàng kết nối với các không gian công cộng, thuận lợi di chuyển… Không ít ý kiến đã đề xuất đường Bà Huyện Thanh Quan, nối từ Trương Định đến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiều, ven bờ Nam sông Hương; bởi lẽ con đường này không có nhà dân, không gian thoáng, dễ kết nối các không gian văn hóa trên trục đường Lê Lợi, gần với các khu dịch vụ…

Hiện nay, trang thông tin điện tử Tủ sách Huế vừa được hình thành, cần thường xuyên cập nhật thông tin và khai thác kịp thời, hiệu quả; đồng thời, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tích hợp Tủ sách Huế vào ứng dụng Hue-S để lan tỏa và quảng bá trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khắp mọi miền đất nước. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến giao lưu hợp tác, quảng bá sản phẩm Tủ sách Huế thông qua hệ thống NXB, hội chợ, triển lãm văn hóa, du lịch để quảng bá đến bạn đọc trong và ngoài nước. Khai thác có hiệu quả, chính xác, đúng quy định nguồn tài liệu cổ, quý hiếm mà Huế đang lưu trữ để đưa vào Tủ sách Huế, tạo nên các sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, nghiên cứu cao của riêng Huế. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc