Trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt"

BẢO NGÂN, ảnh: BTLSQG

VHO - Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 -7.5.2024) và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21.7.1954 -21.7.2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”, giới thiệu gần 150 tài liệu, hiện vật về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trưng bày chuyên đề

Địa bàn được ông Hoàng Văn Trà (Tín) nhặt được của giặc tại hầm pháo Mường Phăng, mặt trận 10.5.1954, cách trung tâm Mường Thanh 10km

Các tài liệu, hiện vật được giới thiệu nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ mà yếu tố tiên quyết làm nên chiến thắng vĩ đại đó là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trưng bày chuyên đề

Sổ tay của một dân công ở Thị xã Phú Thọ ghi chép về những hoạt động của một số đội dân công trong đó có đoàn xe đạp thồ gạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1953-1954

Tinh thần bất diệt đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. 

Trưng bày gồm 2 phần. Phần 1: Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử, với các tài liệu, hiện vật về âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; vị trí địa lý của Điện Biên Phủ.

Trưng bày chuyên đề

Sọt của cụ Liểng ở Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã rẽ của nhiều tuyến đường lớn, nhỏ quan trọng. Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc. Nơi đây có thể trở thành một căn cứ lục quân, không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.

Trưng bày chuyên đề
Bộ Tổng Tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954

Ngày 20.11.1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 6.12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

Phần 2: Quyết chiến, quyết thắng. Giới thiệu sưu tập tài liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trưng bày chuyên đề
Bộ đội ta nổ súng đánh đồn Him Lam, mở đầu cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hồi 17h30 ngày 13.3.1954

Trong phần nội dung này cũng giới thiệu những tấm gương về những đóng góp, hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của các anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội về giải phóng Thủ đô. Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam.

Trưng bày chuyên đề
Đoàn ngựa thồ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc tải lương thực ra tiền tuyến năm 1954

Phần kết trưng bày nhấn mạnh tinh thần Điện Biên Phủ qua một số tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và những hình ảnh về sự tri ân của đồng bào cả nước, sự đổi thay của Điện Biên hôm nay.

Trưng bày góp phần giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về sức mạnh tinh thần, sự đóng góp của đồng bào, chiến sĩ vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trưng bày chuyên đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu cho các chiến sĩ đã chiến đấu và chiến thắng ở Điện Biên Phủ, tháng 5.1954

Trưng bày mở cửa từ ngày 25.4.2024 đến tháng 6.2024.

Trong dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức lễ ra mắt Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”. Đây là giải pháp mới, khác biệt và vượt trội với các hệ thống vé điện tử đang được giới thiệu trên thị trường, đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát vé, báo cáo thống kê vé một cách khoa học, thuận tiện giúp công chúng có thể tiếp cận bảo tàng thuận lợi và dễ dàng hơn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách tham quan đồng thời tích cực góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Bảo tàng.