Đến hè xin không nghe... đuối nước

LÂM SƠN

VHO - Còn hơn một tháng nữa là đến hè, vậy nên xin không nghe đến thông tin đuối nước ở trẻ nhỏ. Mong là vậy nhưng cũng không thể biết chắc như thế nào, bởi đuối nước ở trẻ nhỏ của nước ta đang trở thành một vấn nạn.

Theo thống kê, tai nạn đuối nước đã cướp đi mạng sống của gần 2.000 trẻ em mỗi năm và là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới. 

 Đấy là con số gây nên sự nhói đau của những bậc làm cha, làm mẹ; gây sự trăn trở đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Lẽ đó, khoảng chục năm trở lại đây, dường như năm nào chúng ta cũng tổ chức Ngày hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau nhằm tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo đến các bậc phụ huynh, chính quyền cấp phường, xã để nâng cao ý thức, trách nhiệm và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn đuối nước ở trẻ em. Tiếp đến, dư luận báo chí truyền thông liên tục đưa những phản ánh đau lòng về tai nạn đuối ở trẻ em như lời báo động đỏ về vấn đề này. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, con số tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn chưa giảm, nếu không dám nói có dấu hiệu tăng. 

Một trong những biện pháp được chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra là, Việt Nam cần tập trung vào việc dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn. Song, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc dành nguồn lực đáng kể cho trang bị kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước lại chưa được là bao. Cứ đến ngày Phòng, chống đuối nước ở trẻ em thì trống rong cờ mở, diễn văn phát biểu “hoành tráng”, sau vài ngày lại nguội teo. Chính vì thế phong trào... phát động ngày càng theo hướng “đầu voi, đuôi chuột”, ít đi vào thực chất, chưa tạo ra cú hích thực sự nhằm ngăn chặn nạn đuối nước. 

Vì thế, theo nhiều chuyên gia, để duy trì tính bền vững của chương trình phòng, chống đuối nước cần có sự chủ động và tự chủ của địa phương. Các địa phương cần có cam kết cả về nguồn lực tài chính, huy động triển khai đào tạo giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ, xây dựng và duy trì các bể bơi công cộng. Các cấp địa phương hãy nhìn vào con số tai nạn đuối nước ở trẻ em hằng năm để đưa ra chương trình hành động thật cụ thể, quyết liệt và dài hơi.

Ý kiến bạn đọc