Xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam

VH- Ngày 25.1.2018, tại Hà Nội, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) chuyên ngành Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam".

Xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam - Anh 1

Hội thảo lần 1 này được tổ chức để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về xây dựng BKTT chuyên ngành Du lịch. Hội thảo đã nhận được sự đóng góp đáng kể của các chuyên gia về du lịch tại các viện Nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn trong việc xây dựng cấu trúc vĩ mô và để lựa chọn các mục từ phù hợp để biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam.

Trước đó, đáp ứng sự cấp thiết phải xây dựng hệ thống BKTT Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 28.7.2014 với mục tiêu “Biên soạn BKTT Việt Nam góp phần nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước” và yêu cầu: Đề án phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam.

Ngày 15.2.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng đã ra quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm đề án và bổ nhiệm 37 Trưởng ban soạn thảo chuyên ngành.

Theo đề án, Chương trình biên soạn BKTT Việt Nam sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017- 2021). Công trình khoa học này có gồm 37 quyển với sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học. Ban biên soạn chuyên ngành Du lịch, Thể dục, Thể thao, Ẩm thực và Trang phục (quyển 35) do GSTS Nguyễn Văn Đính là Trưởng ban.

BKTT Du lịch Việt Nam do ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam làm trưởng Ban soạn thảo là bộ tài liệu chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, BKTT Du lịch Việt Nam còn phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.

Tại Hội thảo lần này, Ban Biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam đã chia sẻ các tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế về biên soạn BKTT, về nội dung cơ bản trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, sản phẩm du lịch, về chính sách phát triển du lịch, các loại hình kinh doanh du lịch, công tác quản lý, xúc tiến và các hoạt động khác của ngành.

Khi xây dựng Luật Du lịch 2005 và Luật Du lịch sửa đổi 2017 các khái niệm về du lịch và các dạng hoạt động du lịch, mối quan hệ trong hoạt động du lịch được sắp xếp theo trình tự tương đối khoa học. Do đó, cấu trúc vĩ mô của BKTT chuyên ngành Du lịch được Ban soạn thảo thiết kế dựa theo cấu trúc của Luật Du lịch để đảm bảo không bỏ sót hoạt động nào.

Cho tới nay, Ban Biên soạn đã xây dựng 1.395 mục từ trên cơ sở 52 chuyên mục trong cấu trúc vĩ mô của BKTT Du lịch Việt Nam kèm theo 5 Phụ lục với 2.007 mục từ tham khảo. Theo dự kiến, trong BKTT Du lịch Việt Nam có 500- 600 mục từ. Đây là số lượng rất ít đối với ngành Du lịch vì chỉ riêng việc giới thiệu các điểm đến của ngành Du lịch đã có hàng nghìn. Do đó, trong quá trình biên soạn nội dung của mục từ có thể có mục từ ngắn (dưới 350 chữ), mục từ trung bình (350- 2.000 chữ), mục từ dài và mục từ cực dài (2.000- 10.000 chữ). Bảng mục từ xây dựng theo cấu trúc hoạt động của ngành Du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng nên xác định rõ cách tiếp cận, tiêu chí khi xây dựng chuyên mục và mục từ. Đồng thời, phân biệt Bách khoa toàn thư và Từ điển bách khoa. Trong đó, BKTT có chức năng chọn lựa, sắp xếp hệ thống hóa toàn bộ tri thức cơ bản về một hay nhiều ngành khoa học hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau; phục vụ việc tự học, tự nghiên cứu; có cấu trúc vĩ mô và vi mô khác hẳn về qui mô, dung lượng biên soạn. Từ điển bách khoa cung cấp những thông tin vắn tắt, phổ cập hơn về các khái niệm của một hay nhiều ngành khoa học hoặc các lĩnh vực khác nhau; dùng chủ yếu cho việc tra cứu, tìm hiểu thông tin; cấu trúc vĩ mô và vi mô hẹp hơn, ngắn gọn hơn.

Sau Hội thảo, ban Biên soạn sẽ phối hợp với các chuyên gia để từng bước xây dựng nội dung các mục từ của BKTT Du lịch Việt Nam theo kế hoạch.

Thúy Hà

Ý kiến bạn đọc