NÂNG TẦM VÀ PHÁT TRIỂN ẨM THỰC CUNG ĐÌNH VÀ DÂN GIAN HUẾ: Kết nối “3 nhà”

VH- Hội thảo khoa học về “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” lần thứ II sẽ là cầu nối để“3 nhà” (nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu) cùng bàn bạc, đưa ra những giải pháp đểnâng tầm và phát triển ẩm thực Huế nói riêng, và ẩm thực Việt Nam hiện nay nói chung. Qua đó, nhằm tạo ra sản phẩm đểquảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch Việt hiện nay.

NÂNG TẦM VÀ PHÁT TRIỂN ẨM THỰC CUNG ĐÌNH VÀ DÂN GIAN HUẾ: Kết nối “3 nhà” - Anh 1

 Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh (TP. Hồ Chí Minh) trong một lần trình diễn và giới thiệu ẩm thực tại Huế

 Hướng đến một Bảo tàng Ẩm thực Việt

Với sự tham gia của khoảng hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu cùng nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực nổi tiếng trong nước và 11 quốc gia trên thế giới, hội thảo kỳ vọng sẽ nâng tầm và phát triển thếmạnh của ẩm thực hiện nay.

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết: Trong 2.700 món ăn của Việt Nam thì kinh đô Huế đã có gần 1.700 món, với sự kế thừa của nhiều món ăn cung đình và dân gian mà bấy lâu nay chưa được chú trọng để khai thác. Hội thảo mong muốn rằng, các chuyên gia sẽ cùng chung tay để đưa ẩm thực Huế nói riêng, và ẩm thực Việt vươn ra thế giới, thúc đẩy phát triển du lịch. “Có ba vấn đề mà chúng tôi kỳ vọng sau hội thảo lần này sẽ được thực hiện, đó là: chọn Đại sứ ẩm thực để quảng bá ẩm thực Huế ra thế giới; thành lập Ban vận động Hội Văn hóa Ẩm thực Huế; và hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam tại Huế”- ông Tân cho biết.

Theo ông Tân, việc xây dựng một Bảo tàng Ẩm thực Việt tại Huế là việc rất cần thiết, bởi hiện nhiều nhà nghiên cứu lưu giữcác tư liệu quý về ẩm thực đều đã lớn tuổi. Nếu không kịp lưu giữ và phát triển nó thì dễ mất đi tài sản vô giá. Tại Huế, ngoài các món ăn cung đình và dân gian của vùng kinh đô, còn hội tụ rất nhiều món ngon của các miền Bắc- Trung- Nam khi đưa về để tiến vua. Nên hướng đến một Bảo tàng Ẩm thực trên mảnh đất này là hợp lý với thực tế.

Hội thảo sẽ có sự tham gia của các học giả, chuyên gia hàng đầu về ẩm thực như: GS. Lưu Duẩn, Viện sĩ Hàn lâm Hội Thực phẩm thế giới; TS Nguyễn Nhã, Trưởng đề án Bếp Việt; Master Chef Tịnh Hải, Giám khảo Vua đầu bếp Việt Nam; nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết (Hà Nội), đạo diễn ẩm thực của Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng; các chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, Hoàng Anh... Ngay sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thực hiện một đêm Gala trải nghiệm ẩm thực tại Cung Trường Sanh (Đại Nội Huế), nhằm giúp các đại biểu có sự đánh giá giữa lý thuyết và kinh nghiệm chế biến món ăn...

Trải nghiệm với 100 món ăn cung đình và dân gian

Ban Tổ chức cho biết, điểm nhấn xuyên suốt bên cạnh Hội thảo khoa học “Ẩm thực cung đình vàdân gian Huế” chính là chuỗi hoạt động quảng diễn và trải nghiệm “100 món ăn cung đình và dân gian Huế mở rộng”.

Hoạt động này được tổ chức kéo dài suốt 4 ngày (từ 29.4 đến ngày 2.5) tại khu vực Phủ Nội Vụ(Hoàng Cung Huế).

Sẽ có 100 món ăn cung đình và dân gian Huế mở rộng được giới thiệu đến công chúng qua trình diễn của gần 30 đầu bếp là các chuyên gia ẩm thực và nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng của Huế và các địa phương trong nước (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định, Quảng Trị...). Mỗi món ăn sẽ được chế biến với bí quyết riêng của mỗi người, nhưng tổng thể của chương trình sẽ là bức tranh sinh động đặc tả sự diệu kỳ, độc đáo của người xưa nhằm giới thiệu một cách chính xác về văn hóa Ẩm thực xứ Huế nói riêng, và Ẩm thực Việt Nam nói chung.

Ông Lê Tân thông tin rằng: Không gian quảng diễn và giới thiệu ẩm thực cung đình vàdân gian sẽ được xây dựng theo phong cách cổxưa, nghiêm kính, tráng lệ; phục dựng tái hiện một “vườn Huế” lung linh xinh đẹp vàthơ mộng bởi nghệ thuật sắp đặt bonsai, cây cảnh, âm thanh vàánh sáng. Dự kiến sẽ phục vụkhoảng 20.000 lượt khách đến với không gian quảng diễn và trải nghiệm này.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, không chỉ ở Huế mà tại nhiều địa phương trong nước, các cơ sở phục vụẩm thực vẫn kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên chưa khai thác được thế mạnh của ẩm thực- trong khi chúng ta đang có nhiều tư liệu quý, nhiều chuyên gia giỏi... Thế nên, cần phải xây dựng bộ quy tắc, cơ chế... để tạo bước cho sựquảng bá, nâng tầm và phát triển của ẩm thực. 

 ​ Hội thảo khoa học “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” lần thứ II và các hoạt động đồng hành do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Công ty TNHH Phú Đạt Gia (Huế), Công ty CP Đầu tư K.I và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 29.4 đến ngày 2.5. Đây là một trong những chương trình của Festival Huế 2018.

 Bài, ảnh: SƠN THUỲ

 

 

Ý kiến bạn đọc