Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du ịch Việt Nam (Bài 2): Làm gì để tận dụng cơ hội?

VHO- Chính sách thị thực mới được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15.8 tới đây được xem là cơ hội để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và tăng chi tiêu của khách.

Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du ịch Việt Nam (Bài 2): Làm gì để tận dụng cơ hội? - Anh 1

 Chính sách visa mới tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, phát huy được lợi thế cạnh tranh, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách visa mới.

Về lâu dài, nên mở rộng diện miễn thị thực đơn phương

EuroCham Việt Nam - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính để đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết: “EuroCham ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam nhằm đơn giản hóa hệ thống thị thực bao gồm: Gia hạn hiệu lực của thị thực điện tử lên tới 90 ngày, cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần kể từ ngày 15.8 và kéo dài thời hạn tạm trú lên tới 45 ngày cho công dân các nước được Việt Nam miễn thị thực”.

EuroCham Việt Nam cũng khẳng định rằng, cần có thêm các biện pháp để tận dụng hết tiềm năng to lớn của mối quan hệ kinh tế EU-Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hiện nay, danh sách miễn thị thực đơn phương chỉ bao gồm 7 nước thành viên của Liên minh châu Âu là: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Với mục tiêu thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư, EuroCham Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng danh sách miễn thị thực bao gồm tất cả 27 quốc gia là thành viên của Liên minh châu Âu.

Với thị trường 500 triệu dân, việc miễn thị thực mở rộng sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường này. “Bằng việc gỡ bỏ rào cản cho khách quốc tế - những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành Du lịch cũng như nền kinh tế đất nước những năm khó khăn vừa qua”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Theo đại diện của một số doanh nghiệp Việt Nam chuyên đón khách quốc tế, về lâu dài chúng ta phải tính đến việc miễn thị thực đơn phương cho các nước châu Âu, như đề xuất của EuroCham tại Việt Nam mới đây. Đó là vì châu Âu là thị trường bền vững nhất. Nhu cầu của du khách châu Âu là nhu cầu du lịch thuần túy, thích khám phá điểm đến, tính cá nhân hóa cao, mức chi tiêu lớn hơn so với các thị trường khác. Hiện nay, chúng ta vẫn chỉ miễn cho một vài nước Tây Âu nên sức hút so với các điểm đến khác trong khu vực là chưa cao. Thậm chí, khách sẵn sàng vì chính sách visa ở nước khác thuận tiện mà đến đó. Vì thế, chúng ta cần hết sức chú ý, cân nhắc việc tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực đơn phương để hút khách châu Âu nói riêng, khách quốc tế nói chung đến Việt Nam.

Sản phẩm phải thích ứng với chính sách mới

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua chính sách thị thực (visa) mới đã thể hiện chủ trương, quan điểm đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đây là những chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi đã lâu, có thể nâng được sức cạnh tranh về độ mở visa với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cũng theo ông Dũng, những chính sách visa mới như: Kéo dài thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật... rất linh hoạt, độ mở rất cao, áp dụng thị thực điện tử với hầu hết các thị trường quan trọng của nước ta. Chính sách này cũng đã bắt kịp xu hướng khách thay đổi một cách cơ bản sau dịch và cấu trúc khách cũng thay đổi. Nhóm khách đi lẻ phát triển nhanh, thời gian lưu trú của khách dài hơn, chi tiêu của khách cao hơn, khách kết hợp thăm thân, làm việc ngắn ngày, đem lại nguồn thu cao cho nền kinh tế...

Trao đổi với Văn Hóa, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết, đã chuẩn bị từ rất sớm để phát triển trong bối cảnh mới. Ngay từ khi có chủ trương thay đổi chính sách visa, doanh nghiệp du lịch đã trao đổi với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt là tăng cường tiếp cận thị trường tiềm năng, thị trường mới. Tuy nhiên, cũng cần có quãng thời gian để chúng ta chuẩn bị và chờ hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách mới sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Từ đó, doanh nghiệp mới triển khai cụ thể được. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, thời gian đầu, các thị trường gần sẽ có phản ứng với chính sách mới nhanh hơn. Các thị trường xa, có ngày lưu trú dài sẽ có độ trễ trong phản ứng chính sách, thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để họ chuẩn bị kế hoạch. Có nghĩa là, không phải ta mở thì khách vào ngay. Thế nhưng, đây là tín hiệu rất vui với ngành Du lịch và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Phân tích tình hình phát triển sắp tới, ông Cao Trí Dũng cho rằng, với chính sách visa cởi mở hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, thị trường quốc tế đang phục hồi, 6 tháng đầu năm 2023 đón 5,6 triệu lượt khách đến Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có điều kiện, có cơ sở để điều chỉnh, mục tiêu đón khách quốc tế. Năm 2023 chúng ta đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, nên chăng, điều chỉnh lên 11-12 triệu để phấn đấu. Tất nhiên, khi đưa ra mục tiêu nào cũng cần tính toán kỹ. Hiện nay, sức mua trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu, chủ yếu do ảnh hưởng từ suy yếu kinh tế toàn cầu, vừa ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, dư âm dịch bệnh. Tình hình hiện nay, nền kinh tế cũng như ngành Du lịch khó phục hồi trong ngắn hạn. Có thể cân nhắc đặt mục tiêu tăng 20-30% trong năm 2024 và nên cố gắng năm 2025 phải đạt được 18- 19 triệu lượt khách quốc tế (bằng với năm 2019, khi chưa xuất hiện dịch Covid-19). Tất cả những việc này, phải làm ngay từ bây giờ.

Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để áp dụng chính sách này, tuy nhiên cần có những chính sách thực tiễn để phát triển du lịch bền vững. “Sự bền vững đó phải xuất phát từ cộng đồng dân cư, điểm đến. Sức sống từ địa phương rất quan trọng. Thực tế cho thấy, địa phương nào quản lý điểm đến tốt thì mới có thể phát triển du lịch tốt. Sau đó, mở rộng ra cộng đồng doanh nghiệp, liên kết tạo thành tuyến, xây dựng sản phẩm quốc gia. Việc định vị thị trường khách cần chính xác, ngắn hạn thị trường nào, dài hạn thị trường nào và xây dựng chiến dịch xúc tiến đi theo. Hoạt động xúc tiến tầm quốc gia cần phải ra tấm ra món, không bần cùng hóa các sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước, không lãng phí nguồn lực. Hoạt động xúc tiến ở địa phương cũng đi theo hướng này. Mỗi chiến dịch xúc tiến phải có trọng tâm, trọng điểm và làm xuyên suốt nhiều năm chứ không phải lúng túng như hiện nay”, ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh. 

NGUYỄN ANH

 (Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc