Đừng xúc phạm người làm nhân tượng

VHO- Vài năm trở lại đây, nhân tượng (người giả làm tượng) xuất hiện vào ban đêm tại các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP Huế, góp phần tạo điểm nhấn và thu hút du khách check-in kỷ niệm. Tuy nhiên, những nhân tượng ấy cũng đối mặt với những hành động khiếm nhã, trêu đùa thái quá của du khách.

Đừng xúc phạm người làm nhân tượng - Anh 1

 

Chị Hồ Thị Boong làm nhân tượng ở khu vực cầu đi bộ gỗ lim ven sông Hương bị người đàn ông quấy rối hồi đầu tháng 7 vừa qua

Dù sự việc xảy ra đã gần 2 tuần nhưng chị Hồ Thị Boong (30 tuổi, trú tại huyện Đakrông, Quảng Trị) vẫn còn ám ảnh với hành động “kỳ quặc” của một vị khách. Khi kể lại với chúng tôi, chị vẫn còn run sợ, đôi mắt ngấn nước.

Đó là vào một buổi tối đầu tháng 7 vừa qua, chị Hồ Thị Boong làm nhân tượng ở khu vực cầu đi bộ gỗ lim, bờ Nam sông Hương, TP Huế. Đây là địa điểm thường có nhiều du khách và người dân đi dạo, ngắm cảnh, chụp ảnh. Lúc đó, khoảng 20h, có một nhóm người đến gần chỗ chị đứng, bất ngờ có một người đàn ông véo mạnh vào cánh tay chị. Dù rất đau nhưng chị Boong vẫn cố gắng kiềm chế để giữ “thần thái” của tượng, đồng thời nghĩ rằng vị khách này đã say xỉn nên cho qua. Một lúc sau, người này tiếp tục quay lại rồi véo mạnh thêm lần nữa, không dừng lại ở đó, vị khách đó giả vờ xin bắt tay nhân tượng rồi có hành động khiếm nhã, đụng chạm cơ thể chị Boong.

“Lúc đó, em rất đau, mắt em đã ngấn nước, em muốn khóc to nhưng vì công việc nên kìm nén lại, gạt đi nước mắt để mọi người không thấy em đang khóc. Có vài người gần đó đã nhìn thấy và một trong số họ đã lên tiếng thì vị khách kia nhanh chóng rời đi mà không một lời xin lỗi”, chị Hồ Thị Boong kể. Câu chuyện của chị Boong cũng chính là nỗi lòng của nhiều người khác đang làm nhân tượng ở các tuyến phố đêm, phố đi bộ khu vực trung tâm TP Huế như đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu đi bộ gỗ lim, phố đi bộ Hai Bà Trưng, khu phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu… Có người thì tò mò nên có hành động sờ thử xem nhân tượng có cử động không, nhưng có người thì cố tình đụng chạm, có hành động khiếm nhã gây tổn thương đối với những người đang hóa trang thành tượng.

Đừng xúc phạm người làm nhân tượng - Anh 2

Nhân tượng ở công viên ven bờ nam sông Hương

Anh Hà Hoàng Nhật cũng làm nhân tượng ở khu vực cầu đi bộ gỗ lim ven sông Hương, chia sẻ rằng anh cũng từng bị nhiều người lạ sờ vào người, trong đó có người đã cố ý chạm vào để phá, quấy rối. Dù là đàn ông nhưng những lúc đó, anh cũng lo lắng và bản thân cố gắng bình tĩnh, kìm nén cảm xúc để tiếp tục công việc. Qua sự việc mới đây của chị Hồ Thị Boong, dư luận cần lên án hành động xấu xí của người đàn ông kia, cũng như mong muốn mọi người có lối ứng xử văn hóa nơi công cộng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người làm nhân tượng ở các công viên, phố đi bộ tại Huế chủ yếu là các bạn có tuổi đời còn khá trẻ. Để hóa trang thành một bức tượng như thật, đòi hỏi người thực hiện phải có sức khỏe và sự kiên trì vì phải đứng trong tư thế bất động suốt thời gian dài. Toàn bộ cơ thể, quần áo của họ đều được phủ một lớp bột nhũ màu vàng đồng hoặc màu xám bạc để trông giống tượng thật. Những nhân tượng ở các không gian công cộng, các điểm du lịch góp phần tạo điểm nhấn và phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, cùng chụp ảnh. Những vị khách có thể tự nguyện ủng hộ tùy tâm cho các nhân tượng ở một thùng nhỏ được đặt cạnh đó. Nguồn thu nhập này không nhiều, nhân tượng đứng từ khoảng 19h đến 23h chỉ nhận được ủng hộ khoảng 100.000 - 150.000 đồng.

Giữa những không gian công cộng, những người làm nhân tượng đã bỏ mồ hôi, sức lực, thời gian để biểu diễn tạo dấu ấn, điểm khác lạ nhằm hấp dẫn du khách và cộng đồng. Nếu đã không hỗ trợ, động viên họ bằng vật chất hay tinh thần, thì xin đừng diễu cợt, khiếm nhã với nhân tượng. Đằng sau bức tượng ấy là con người, họ cũng có cảm xúc, cũng biết đau, biết giận, biết khóc… Vì thế, ngoài sự lên tiếng của dư luận, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc tìm biện pháp bảo vệ họ. 

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc