Lạng Sơn: Công nghệ số là “đòn bẩy” cho ngành Du lịch

VHO- Là tỉnh được đánh giá nhanh, mạnh, quyết liệt trong vấn đề áp dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, việc số hóa ngành Du lịch đã tạo “thêm cánh” cho ngành Du lịch Lạng Sơn ngày một phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới.

Lạng Sơn: Công nghệ số là “đòn bẩy” cho ngành Du lịch - Anh 1

Là địa phương có tiềm năng về du lịch như: Vị trí địa lý, cảnh sắc núi non hùng vĩ, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa. Đặc biệt, Lạng Sơn là nơi có nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng. Có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với nhiều sản vật phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam,…

Tuy nhiên, đây cũng là những trăn trở của các cấp lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là làm sao để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của du lịch, xứng tầm là điểm du lịch nổi bật phía Bắc cũng như cả nước, là điểm đến của du khách quốc tế.

Đất nước vừa trải qua trận đại dịch Covid-19, hiện đang dần phục hồi về mọi mặt. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã lan rộng đến mọi “mặt trận” của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội,…

Trên tinh thần đó, ngày 23/5/2023, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/BCĐ về triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện năm 2023.

Kế hoạch đề ra nhiều mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Đối với mục tiêu phát triển chính quyền số, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ dịch vụ cổng thông tin phát sinh hồ sơ đạt 85%; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 70%; duy trì 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất…

Đối với mục tiêu phát triển kinh tế số, Kế hoạch đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm từ 10% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu trên 02%. Phấn đấu năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 07%; tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 70%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 07%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 85%,…

Trước “bài toán” số hóa ngành Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã từng bước đưa công nghệ vào phát triển du lịch với điểm nhấn là số hóa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu của các dân tộc; số hóa hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, hiện vật quý của các bảo tàng và di tích, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê di sản,…

Lạng Sơn: Công nghệ số là “đòn bẩy” cho ngành Du lịch - Anh 2

Triển khai Kế hoạch Xây dựng và phát triển Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này đã vận hành hệ thống Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di dộng. Mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã vận hành ứng dụng số hóa điểm du lịch Nhị Thanh – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc tại TP. Lạng Sơn. Nhờ khoa học - công nghệ, thông qua hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code,… 

Trước đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với đơn vị chức năng triển khai xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Hệ thống du lịch thông minh hướng đến 3 đối tượng: Hỗ trợ du khách trải nghiệm du lịch tốt nhất, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ du lịch, thanh toán tiện lợi,...; hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá, quản lý hoạt động du lịch.

Ứng dụng công nghệ đã đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới, hỗ trợ du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hiệu quả và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý hoạt động du lịch; tạo môi trường quảng bá trực tuyến hình ảnh du lịch của Lạng Sơn. Từ đó, tạo lập môi trường quảng bá trực tuyến hình ảnh du lịch Lạng Sơn rõ ràng, minh bạch và chất lượng về dịch vụ du lịch; đưa du lịch tỉnh đến gần hơn với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Chia sẻ với Văn Hóa, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc áp dụng công nghệ đã mang lại nhiều lợi thế cho ngành. Đơn cử, việc tuyên truyền, quảng bá du lịch, nếu trước đây chúng tôi phải làm trực tiếp, tổ chức các sự kiện, hội chợ, băng rôn, khẩu hiệu,… thì nay, công nghệ đã được thay thế hoàn toàn. Hiệu quả cao hơn, phạm vi rộng hơn và tiết kiệm hơn,…

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, ngành Du lịch Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo các hình thức tuyên truyền quảng bá mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tuyên truyền quảng bá, khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc duy trì thông tin trên Cổng du lịch thông minh (langsontourism.com.vn), Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn còn thiết lập các kênh quảng bá mới trên nền tảng mạng xã hội và thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh và video clip quảng bá du lịch Lạng Sơn trên Zalo, Facebook, Youtube,… thu hút được hàng nghìn lượt quan tâm và theo dõi, góp phần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về du lịch Lạng Sơn.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, địa phương xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, làm nền tảng để tập trung thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các ngành, lĩnh vực của tỉnh, trọng tâm là các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực du lịch, chuyển đổi số không chỉ là tác động về công nghệ mà còn có sự chuyển đổi về cách thức quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá,... giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.

THÙY LINH

Ý kiến bạn đọc