Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam

VHO- Lễ khai mạc Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 vừa diễn ra tối nay 22.9. Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 diễn ra từ ngày 20- 27.9 với nhiều hoạt động đặc sắc.

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 1

Khai mạc Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023

Dự chương trình có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 6 tỉnh Việt Bắc: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Cao Bằng; lãnh đạo các Sở, ngành cùng đông đảo nhân dân.

Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc đã tạo ra liên kết phát triển vùng trong 6 tỉnh Việt Bắc, hình thành các tour tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng. Lượng khách du lịch đến các tỉnh đều tăng. Trong giai đoạn 2009- 2022, 6 tỉnh đã thu hút trên 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt trên 50 nghìn tỉ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Chiến khu Việt Bắc xưa là an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù"; là nơi cả nước trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng, Việt Bắc còn là kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ, sông nước hữu tình, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm.

Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" năm nay được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, là sản phẩm du lịch độc đáo do chính nhân dân khởi xướng, lưu giữ và phát huy. Điểm mới là lễ hội năm nay có nhiều tỉnh trong khu vực và một số địa phương, tổ chức quốc tế tham gia.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, vùng Chiến khu Việt Bắc nằm ở trung tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú cả về tự nhiên và văn hóa. Cùng đó, miền di sản Việt Bắc còn có nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ với những đỉnh núi cao, vực sâu và các thắng cảnh đẹp...

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Lễ khai mạc

Nơi đây cũng là vùng đất tập trung nhiều di tích văn hóa lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, có giá trị cao đối với phát triển du lịch, như Pắc Bó (Cao Bằng); Tân Trào, Khu di tích Kim Bình (Tuyên Quang); ATK Định Hóa (Thái Nguyên)... Việt Bắc cũng là nơi giao thoa, hội tụ, kết tinh những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc anh em, đặc biệt là Thực hành Then của người Tày, Nùng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với lợi thế trên, miền di sản Việt Bắc phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Việt Bắc cũng phát triển nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, khám phá những cung đường và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc…

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 4

Đông đảo người dân tham dự Lễ khai mạc

Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch là động lực cho phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng Việt Bắc với tiềm năng lợi thế của mình ở các cấp độ khác nhau, đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch.

“Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bước đầu các tỉnh thực hiện việc liên kết trong xây dựng các sản phẩm du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá, nhằm định vị hình ảnh du lịch vùng “Chiến khu Việt Bắc” hấp dẫn du khách”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết.

Nhiều sản phẩm du lịch khai thác trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử và trở thành thương hiệu của các tỉnh, như Lễ hội thành Tuyên; Chợ tình Khau Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang, Lễ hội văn hóa chè Thái Nguyên…

Để hoạt động liên kết phát triển Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc có hiệu quả, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch cho các tỉnh kết nối miền di sản Việt Bắc; đường vào các khu, điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cụm di tích văn hóa lịch sử cách mạng... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 5

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của miền di sản Việt Bắc. Xác định các chương trình du lịch điển hình cho toàn vùng. Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, hội nghị... Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của các địa phương trong vùng.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng đến khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng những chương trình du lịch về miền di sản Việt Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch. Quan tâm bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, bảo đảm khai thác bền vững tiềm năng du lịch của toàn vùng.

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 6

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời ban hành nhiều chính sách mới của Đảng, Nhà nước cũng như của các Bộ, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của đất nước”.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã phục vụ 86 triệu lượt khách du lịch nội địa (đạt 78% kế hoạch năm), đón trên 7,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế (đạt 97,5% kế hoạch năm), tổng thu từ du lịch đạt gần 426 nghìn tỉ đồng. Lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam nằm trong top đầu của thế giới. Đó là minh chứng cụ thể về khả năng phục hồi nhanh chóng, cũng như khẳng định sự hấp dẫn, an toàn của du lịch Việt Nam.

Cùng với sự tăng trưởng, ngành Du lịch Việt Nam cũng liên tục được các tổ chức quốc tế uy tín và danh tiếng bình chọn là điểm đến tiêu biểu của khu vực và thế giới. Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) đã trao 54 giải thưởng hàng đầu Châu Á năm 2023 ở nhiều hạng mục cho các điểm đến, tổ chức và doanh nghiệp du lịch của Việt Nam.

Qua những miền di sản Việt Bắc: Mở kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Anh 7

Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" năm nay được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên 2023

Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong phục hồi, phát triển du lịch, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó Nghị quyết đã xác định liên kết là một trong những hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch.

Chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV tại tỉnh Tuyên Quang được tổ chức với quy mô cấp khu vực gồm 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang.

Các hoạt động chính trong khuôn khổ Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 được tổ chức tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang và các huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hấp dẫn phục vụ du khách như: Liên hoan các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình Điện ảnh - kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang; Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt và Lễ hội Bia Hà Nội; i đấu các môn thể thao...

Lễ hội Thành Tuyên được định hướng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh và mang thương hiệu quốc tế.

NGUYỄN PHƯƠNG; ảnh T.HƯNG, KIM OANH

Ý kiến bạn đọc