Hà​​​​​​​ Giang: Xây dựng sản phẩm đặc trưng

VHO - Xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ đó giúp người dân tự nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của văn hóa, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy, đưa văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội là một hướng đi bền vững, nâng cao đời sống người dân ở Hà Giang.

Hà​​​​​​​ Giang: Xây dựng sản phẩm đặc trưng - Anh 1

 Du khách tham quan thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang

Theo Kế hoạch năm 2023 về Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tỉnh đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” được tỉnh Hà Giang chú trọng thực hiện với nhiều nội dung như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (12 điểm); hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (17 đội); hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (1 chương trình)…

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng và là một trong những tỉnh điển hình cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những làng văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hay, cách làm mới và được nhiều địa phương tới tham quan, học tập.

Trong đó, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) là làng đầu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở Quản Bạ từ năm 2012. Những ngôi nhà trình tường được tu sửa, vừa giữ được kiến trúc truyền thống, vừa đáp ứng đủ các dịch vụ để phục vụ du khách. Trong thôn, người dân mặc trang phục truyền thống, thân thiện và cởi mở. Ngày có thể đi làm ruộng nhưng tối về vẫn nấu ăn cho du khách và là hướng dẫn viên giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước về quê hương mình.

Anh Lý Tuấn, chủ một homestay ở Nặm Đăm chia sẻ: “Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm những sinh hoạt thường nhật cùng người dân trong thôn như làm nương, nấu nướng và thưởng thức các món đặc sản của địa phương, các điệu múa truyền thống... Dịch vụ tắm lá thuốc truyền thống, trồng và chế biến các loại thảo dược cũng được các khách du lịch yêu thích, trải nghiệm, nhất là sau một ngày dài tham quan”.

Hà​​​​​​​ Giang: Xây dựng sản phẩm đặc trưng - Anh 2

 Thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên được định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Dao

Ngoài Nặm Đăm (Quản Bạ), các thôn Tiến Thắng, thôn Cao Bành, xã Phương Thiện; thôn Tha, thôn Khuổi My, Lùng Vài, xã Phương Độ (TP Hà Giang) nơi sinh sống của chủ yếu đồng bào dân tộc Tày, Dao cũng là những làng du lịch cộng đồng hút khách của Hà Giang. Các thôn này nằm cách trung tâm TP Hà Giang không xa, thuận tiện đi lại, cảnh quan tươi đẹp, bình yên, thơ mộng với điểm nhấn là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó, vùng này còn lưu giữ nhiều điệu múa dân gian, nét độc đáo về ẩm thực nên được rất nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là vào mùa lúa chín, mùa hoa đào.

Với những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc về thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, thôn Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) được tỉnh Hà Giang định hướng xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến Cấn Văn Hiển cho biết, Phương Tiến thực hiện rất tốt việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc như lễ cấp sắc, lễ cúng ruộng của người Dao, giữ gìn trang phục truyền thống; bảo tồn, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ khách du lịch... “Chúng tôi đang xây dựng một số sản phẩm du lịch có thế mạnh như: Sản phẩm du lịch gắn với tập quán canh tác trên ruộng bậc thang; trồng và chế biến chè; trải nghiệm đi bộ đường dài, khám phá rừng trà cổ thụ, rừng thảo quả và chinh phục đỉnh 2.000m trên dãy Tây Côn Lĩnh. Bên cạnh đó, xã cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa truyền thống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Cấn Văn Hiển thông tin.

Là một trong 4 thôn vùng cao của xã Phương Tiến, Xà Phìn có 53 hộ với khoảng 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Thực hiện Dự án 6 trên địa bàn xã, thôn Xà Phìn có 6 hộ gia đình tham gia phát triển mô hình lưu trú homestay được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện các công trình vệ sinh, bếp ăn, chỉnh trang nhà cửa và mua sắm các trang thiết bị phục vụ khách du lịch. Xã cũng vừa phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở VHTTDL Hà Giang mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho bà con trên địa bàn. 

 ĐINH AN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc