Còn đó những “điểm nghẽn” ở liên kết

VHO- Hôm qua tại TP Bạc Liêu diễn ra hội nghị đánh giá điểm đến, đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long. Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu cho biết cách đây bốn năm, lãnh đạo UBND TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết thỏa thuận về liên kết hợp tác phát triển du lịch, từ đó tạo tiền đề để khai thác có hiệu quả nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch mang tính liên kết vùng và liên vùng...

 Sau gần 4 năm triển khai thực hiện liên kết, bước đầu đã phát huy tính hiệu quả, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch, tạo “xung lực” mới cho sự phát triển của du lịch liên vùng. Tuy nhiên, cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng Chương trình liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long dù được triển khai thực hiện hiệu quả, nhưng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đề ra, cũng như chưa khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của đồng bằng sông Cửu Long, với sự nhận diện khá cụ thể: Việc phát triển sản phẩm chủ yếu theo không gian nên trùng lắp, chưa đặc thù, thiếu chiều sâu; chất lượng dịch vụ các điểm đến còn yếu, chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; chưa định hình chuỗi giá trị du lịch để liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng sản phẩm du lịch; chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương trong liên kết; một số địa phương trong liên kết chưa chủ động trong công tác phối hợp quy hoạch các chuỗi giá trị nhằm liên kết…
Nhiều ý kiến cũng thống nhất đánh giá, mặc dù có tiềm năng rất phong phú, nhưng du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát triển tương xứng, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng và thường được đánh giá gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chỉ ra “điểm nghẽn” lớn nhất trong mối liên kết du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng giao thông. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp làm du lịch, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Nội địa, Công ty cổ phần Du lịch Bến Thành đánh giá, cho rằng để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của du lịch đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm hơn nữa nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù trên nền sản phẩm sẵn có. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách. Cùng với việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch cần chú trọng truyền thông quảng bá, để du khách biết và tìm đến.
Câu hỏi được đặt ra là, vậy cần làm gì để khắc phục cho được những điểm như “chưa đặc thù”, “chưa đồng bộ”, “chưa định hình chuỗi giá trị”, “chưa xây dựng được chính sách cộng hưởng”... Những điểm này cách đây mấy năm cũng đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chỉ ra đi cùng với đó đề xuất các giải pháp mang tính đột phá cho sự liên kết đạt được hiệu quả. Thế nhưng, bên cạnh thu được một số kết quả thì vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cũ chưa được xử lý một cách rốt ráo. Vai trò “đầu tàu” tạo nên cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể hiện được nhiều, nói cách khác các địa phương nơi đây với TP.HCM chưa thật sự tạo ra sự liên kết chặt chẽ, “tiền hô hậu ủng” để mang lại sự đột phá, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. 

LÂM SƠN 

Ý kiến bạn đọc