Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành văn bản số 4584/BVHTTDL-DLQGVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý điểm đến.

Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến - Anh 1

Khách sạn nghỉ dưỡng Mia Resort & Spa thuộc Công ty CP Phát triển du lịch Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên phục vụ theo quy định

Theo đó, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch năm 2023, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với một số địa phương tổ chức chương trình kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh du lịch.

Qua công tác kiểm tra tại một số địa phương nhận thấy, còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục tăng cường giám sát, chấn chỉnh nhằm hoàn thiện dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến như: việc tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hạng sao đã được công nhận; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch…

Bên cạnh đó, để tích cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thực hiện hiệu quả một số nội dung quan trọng.

Trong đó, đề nghị các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan. Chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch; có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết.

Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến - Anh 2

Khách sạn nghỉ dưỡng Diamond Bay Resort & Spa thuộc Công ty CP Hoàn Cầu Resort Vịnh Kim Cương chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo Điều 49, Luật Du lịch 2017. Thanh tra Bộ VHTTDL thông báo với Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch của khách sạn

Đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan.

Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở vui chơi giải trí.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch. Tổ chức rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch.

Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa... Rà soát, cảnh báo, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.

Thực hiện công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến. Đảm bảo các trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hoạt động hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; xây dựng, vận hành các hệ thống du lịch thông minh nhằm quản lý điểm đến du lịch hiệu quả, an toàn, văn minh, thân thiện.

Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến - Anh 3

Đoàn kiểm tra của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm việc với Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hoàng An

Trước đó, trong 6 ngày kể từ ngày 25.9, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức thanh tra trực tiếp 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và 2 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch tại tỉnh Khánh Hòa. Sau khi thanh tra, Chánh thanh tra Bộ VHTTDL đã kiến nghị Sở Du lịch Khánh Hòa tăng cường phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch. 

Mới đây, tiếp tục thực hiện Kế hoạch công tác năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch tại Thanh Hóa và Nghệ An từ ngày 24-27.10.

Đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Sở VHTTDL Thanh Hóa, Sở Du lịch Nghệ An, Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an).

Qua kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về sử dụng, quản lý hướng dẫn viên du lịch, đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; công tác quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch tại các khu, điểm du lịch; công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch tại tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên, đưa công tác kinh doanh dịch vụ lữ hành đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc