Tái hiện "chợ ma" Định Yên

VHO - "Chợ ma" là tên gọi dân gian mà người địa phương dùng để gọi chợ chiếu Định Yên, ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. "Chợ ma" Định Yên nằm ngã ba sông Ngã Bát, Ngã Cậy, một nhánh của sông Hậu, ra đời cách đây 200 năm.

Tái hiện

Thực cảnh tái hiện "chợ ma" Định tại đình Định Yên

Tuy mới ra đời  thử nghiệm, chương trình thực cảnh tái hiện "chợ ma" Định Yên- Lấp Vò- Đồng Tháp tại đình Định Yên đã nhận được nhiều sự khen ngợi của du khách, người dân và sự quan tâm của các hãng lữ hành kỳ vọng sẽ là sản phẩm du lịch mới, độc đáo của tỉnh Đồng Tháp.

Chợ nằm bên khuôn viên Di tích quốc gia đình Định Yên ở làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên. Làng nghề trăm năm tuổi xưa nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, "chợ ma" Định Yên thường nhóm họp đêm khuya với những chiếc đèn dầu (đèn gió) chập choạng, người mua kẻ bán chiếu như những người thân gặp nhau trao đổi hàng hóa và khi rạng sáng lại hối hả chào nhau, những chuyến ghe chiếu từ con rạch Ngã Bát, Ngã Cậy xuôi về khắp ngã miền Tây. Chiếu Định Yên nổi tiếng vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Thời hưng thịnh vào những năm 80 thế kỷ trước, chiếu Định Yên xuất bán qua tận Thái Lan, Campuchia… Nhờ vậy người buôn bán đông nên chợ ma luôn tấp nập. 

Tái hiện

Cảnh trên bến dưới thuyền tái hiện phiên "chợ ma" Định Yên

Bà Nguyễn Thị Tư, một người làm nghề đan chiếu ở Định Yên nói, nét độc đáo của "chợ ma" là chỉ bán duy nhất mặt hàng chiếu. Bà Tư làm nghề đan chiếu từ nhỏ, ban ngày ở nhà đan chiếu, đêm khuya lại mang chiếu ra chợ bán. Ngày nào đan giỏi được 3 chiếc, còn ít thì cũng được đôi (hai) chiếu. 
Chợ bắt đầu nhóm họp đông vào thời khắc tầm 0 giờ 35 phút mỗi đêm, còn về khuya đến gần sáng là lượng người đến chợ đông đúc hơn. Đàn ông đến chợ phụ vợ bốc vác chiếu lên thuyền. Dưới ánh đèn nhập nhòa, người mua và người bán thậm chí không rõ mặt nhau. Gần tảng sáng, chợ tan, mọi thứ lại yên bình lạ kỳ như chưa hề có phiên chợ vừa diễn ra đêm qua. Đó cũng là lý do mà người địa phương hay gọi là "chợ ma".

Tái hiện

Theo chân bà đi "chợ ma" Định Yên

Những năm 2000 trở về trước, nghề dệt chiếu ở Định Yên vẫn thực hiện tất cả công đoạn thủ công, đan bằng tay. Người làng nghề hầu như ai cũng biết dệt chiếu, chuẩn bị vật liệu trước khi dệt chiếu như  chẻ lác, phơi lác, trồng bố, cạo bố, xé bố chấp chăn, mắc chăn vào khung để dệt, nhuộm màu lát… Dường như thời gian suốt một ngày mọi người dành để chuẩn bị các khâu vật liệu, dệt chiếu nên chỉ có thể đi chợ để bán chiếu vào ban đêm. 

Tái hiện

Những người phụ nữ làng chiếu Định Yên tham gia thực cảnh 

Những ngày đầu tháng 9, tỉnh Đồng Tháp tổ chức thí điểm chương trình thực cảnh tái hiện lại "chợ ma" trên sông với sự tham gia của những người dân chân chất, mến khách của làng Định Yên. Trong những đêm tổ chức vừa qua, chương trình khiến nhiều người xúc động khi chứng kiến lại làng nghề nổi danh hàng trăm năm tuổi vẫn đang còn nguyên vẹn ở phiên "chợ ma" Định Yên. “Như dzậy là con cháu mình may ra còn biết và thấy xưa kia cha ông họ tần tảo lập nên làng nghề nổi tiếng, lập nên chợ ma kì dị”, vợ chồng ông Sáu Vòm, một chủ thuyền chiếu trên sông hào hứng kể. 

Thực cảnh diễn ra trong khung cảnh màn đêm, hơn 150 diễn viên quần chúng là người dân địa phương đã tái hiện lên khung cảnh "chợ ma" mua bán nhộn nhịp trên bờ, dưới bến, âm thanh mặc cả vui vẻ của người mua, người bán.  Cùng với hoạt động tái hiện "chợ ma", người dân có cơ hội tham gia các hoạt động dân gian như thưởng thức Đờn ca tài tử, xem tuồng cổ, dạy hát tài tử dành cho thiếu nhi, trải nghiệm dệt chiếu truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực chợ quê,...

Tái hiện

Trải nghiệm nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên

Trước ngày ra mắt chương trình thực cảnh phiên "chợ ma", ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành phố Hội An, ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An bận bịu đi về giữa Đồng Tháp - Hội An để tìm hiểu về văn hóa, đời sống xưa của làng chiếu Định Yên với mong muốn cùng góp ý, tư vấn hỗ trợ địa phương phục dựng lại chợ xưa đúng sắc màu văn hóa như đã từng diễn ra ở không gian sống của cộng đồng nơi đây. Như kinh nghiệm mà Hội An đã từng làm khi tái hiện Đêm phố cổ Hội An trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch nổi danh như hiện nay. 
"Chỉ có văn hóa mới phát triển bền vững cho tương lai. Phát triển đánh đổi rất nhiều thứ, đương nhiên là mục tiêu để phát triển kinh tế. Cái nguy hại nhất là đánh mất cái gốc văn hóa, vì tất cả sự phát triển để bền vững đều dựa theo cái gốc của văn hóa bản địa", kinh nghiệm ấy, tâm huyết ấy là điều mà ông Nguyễn Sự đã từng nói, từng thực hiện để Hội An phát triển theo định hướng sinh thái - văn hóa - du lịch với nhiều giá trị bền chặt theo thời gian.

Câu chuyện ấy, những con người ấy, mãi đến khi ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp gửi thư cảm ơn đến ông Sự, ông Phùng đã “thổi hồn” cho "chợ ma" được sống lại và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự và được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử của tỉnh thì mới được nhiều người biết và không khỏi ngạc nhiên. 
“Anh Nguyễn Sự thân mến!
Đêm qua, khi từ Định Yên về, tôi đã không ngủ được. Quá nhiều cảm xúc khi được sống lại ký ức tuổi thơ, với không khí tấp nập của chợ chiếu đêm bên mái đình linh thiêng, cổ kính.
Dù chỉ mới là đêm diễn thử nghiệm nhưng chương trình đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự và tạo được hiệu ứng rất tốt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Bản thân tôi và nhiều bà con nơi đây dù đã quá quen thuộc với chợ chiếu quê mình nhưng vẫn không khỏi bất ngờ, thích thú khi được xem thực cảnh tái hiện “chợ ma” xưa.
Từ chợ chiếu đêm truyền thống đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng, độc đáo bởi sự phục dựng tinh tế và mang tính nghệ thuật cao. Tất cả là nhờ vào tấm lòng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của anh dành cho quê hương Đồng Tháp.
Từ những kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong hàng chục năm chỉ đạo phát triển du lịch ở Hội An - đưa nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước - anh đã dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu, tư vấn, thổi hồn cho thực cảnh tái hiện "chợ ma" Định Yên - Lấp Vò nói riêng và du lịch Đồng Tháp nói chung” (Trích thư ông Phạm Thiện Nghĩa gửi ông Nguyễn Sự).

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc