Du lịch Thanh Hóa thu 588 tỷ trong 7 ngày Tết Nguyên đán

VHO - Theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8.2 đến hết ngày 14.2, tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Thanh Hóa đón 635 nghìn lượt khách, tăng 48,7% so với với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng năm 2023.

Du lịch Thanh Hóa thu 588 tỷ trong 7 ngày Tết Nguyên đán - Anh 1

Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón khoảng 40 nghìn lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán

Trong dịp Tết Nguyên đán, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trong đó, nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn một số khu nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng để đón giao thừa và trải nghiệm văn hóa tết cổ truyền. Các địa phương có trọng điểm du lịch văn hóa ghi nhận lượng khách tăng cao, doanh thu du lịch tăng trưởng khả quan.

Điển hình, một số địa phương thu hút lượng khách lớn như: TP Thanh Hóa đón khoảng 100 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) khoảng 40 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) khoảng 90 nghìn lượt khách; Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) khoảng 91 nghìn lượt khách; TP Sầm Sơn khoảng 65 nghìn lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) khoảng 40 nghìn lượt khách; Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) khoảng 4 nghìn lượt khách; Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) khoảng 4,5 nghìn lượt khách...

Du lịch Thanh Hóa thu 588 tỷ trong 7 ngày Tết Nguyên đán - Anh 2

Du khách hòa mình cùng các hoạt động văn hóa của xứ Thanh

Đặc biệt, với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động sôi động, hấp dẫn, thu hút du khách đến Thủ đô tham quan, trải nghiệm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới 2024"; Khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên - Thanh Hoá tại tỉnh Thanh Hoá, năm 2024; Chương trình giao lưu văn nghệ, trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh Điện Biên - Thanh Hóa; Không gian văn hóa vùng cao; Triển lãm ảnh chủ đề: “Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên Phủ; Chương trình biểu diễn đường phố; Trưng bày, giới thiệu văn hóa, du lịch, thương mại, nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa; Khai mạc Chương trình nghệ thuật tối thứ 7 hàng tuần với chủ đề “Điểm hẹn cuối tuần” phục vụ phát triển du lịch tại thành phố Thanh Hóa.

Du lịch Thanh Hóa thu 588 tỷ trong 7 ngày Tết Nguyên đán - Anh 3

Chương trình giao lưu văn nghệ, trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh Điện Biên - Thanh Hóa thu hút đông đảo du khách

Cùng với việc tổ chức phong phú, sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ Nhân dân vui chơi đón Tết, Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội, các cơ sở lưu trú du lịch nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra 13 di tích, tại 9 địa phương (Đền Cầm Bá Thước và Chúa Thượng Ngàn, huyện Thường Xuân; Phủ Na, huyện Như Thanh; Đền Nưa, Am Tiên, huyện Triệu Sơn; Chùa Thông (Du Anh), Chùa Tường Vân, huyện Vĩnh Lộc; Đền Hàn Sơn, Cô Bơ, huyện Hà Trung; Đền Sòng Sơn, Chín Giếng, thị xã Bỉm Sơn; Đền Phố Cát, huyện Thạch Thành; Đền Quang Trung, thị xã Nghi Sơn; Đền Cô Tiên, Độc Cước, thành phố Sầm Sơn).

Qua công tác kiểm tra, các địa phương, đơn vị được giao quản lý di tích đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại các điểm di tích; bố trí đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã đề ra như: Bao sái các ban thờ, chỉnh trang di tích, sắp xếp thùng công đức, bố trí sắp xếp nơi để phương tiện và trông giữ phương tiện giao thông, bố trí sắp xếp hàng quán kinh doanh hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, làm vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, hướng dẫn du khách thực hành tín ngưỡng dâng hương tại các ban thờ và thu gom tiền dầu đèn, tổ chức tuyên truyền nội dung giá trị của lễ hội, của di tích, quản lý các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, văn hóa phẩm, thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc