Về công tác quản lý nhà nước thiết chế VHTT: Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kết quả đạt được của Bộ VHTTDL

VHO - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa có văn bản số 2270/KL-UBVHGD15 kết luận phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” diễn ra ngày 18.1.2024 vừa qua.

Về công tác quản lý nhà nước thiết chế VHTT: Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kết quả đạt được của Bộ VHTTDL - Anh 1

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ngày 18.1.2024). Ảnh: DUY LINH

 "Đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng, lĩnh vực phụ trách…"

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất đánh giá, sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, phiên giải trình đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Công tác chuẩn bị cho phiên giải trình được tổ chức khoa học, kỹ lưỡng, chất lượng. Các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nghiên cứu kỹ tài liệu, đặt các câu hỏi chất vấn và tranh luận có chất lượng, sát với thực tiễn, tập trung vào những vấn đề mà cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm. “Đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng, lĩnh vực phụ trách, giải trình làm rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục, giải quyết các tồn tại, hạn chế”, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các kết quả đạt được của Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong giai đoạn 2013-2023 đã có trên 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp và gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao được tham mưu, ban hành theo thẩm quyền. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020 và một số quy hoạch thiết chế chuyên ngành đã được ban hành. Nhiều quy hoạch có liên quan tiếp tục được rà soát, bổ sung, tích hợp trong hệ thống quy hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, phát triển, hình thành mạng lưới từ Trung ương tới cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương khá đa dạng về loại hình; một số có quy mô lớn, chất lượng cao, hiện đại. Tỷ lệ tỉnh, huyện, xã, thôn (bản) có đầy đủ loại hình thiết chế văn hóa được nâng lên.

Tính đến hết tháng 3.2023, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 97,7% quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa; 77,4% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 76,3% làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa - khu thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập từng bước được đầu tư xây dựng. Hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao được tổ chức đa dạng; bám sát chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân và các nhiệm vụ chính trị. Một số cơ sở, nhất là thiết chế ngoài công lập đã phát huy tính năng động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị quản lý thiết chế văn hóa, thể thao công lập tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu thông qua các Chương trình bổ sung có mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ chế quản lý, huy động tài chính của các thiết chế văn hóa, thể thao được thực hiện theo quy định và đạt được một số kết quả.

Vướng mắc, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo đó, quy hoạch về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và một số quy hoạch thiết chế chuyên ngành về bảo tàng, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… còn hạn chế, chủ yếu dựa trên các công trình hiện có, nhiều nội dung đã không phù hợp với pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn. Việc xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm. Một số chỉ tiêu đề ra trong các chiến lược và quy hoạch về xây dựng các công trình văn hóa quốc gia chưa đạt được; chưa xây dựng được công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch quỹ đất hoặc đã có quy hoạch nhưng vị trí chưa thuận lợi, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là các thiết chế phục vụ thanh thiếu nhi, công nhân.

Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sử dụng; nhiều nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Hoạt động của nhiều bảo tàng, thư viện, nhà hát chậm đổi mới; liên kết mạng lưới cơ sở bảo tàng, thư viện chưa chặt chẽ. Việc quản lý, khai thác, phát huy tiềm năng và huy động các nguồn lực xã hội tại Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn khó khăn, gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Tại địa phương, công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở một số nơi chưa được chú trọng; nội dung, phương thức hoạt động chưa đa dạng, phong phú. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đã được thành lập nhưng không xác định được địa vị pháp lý theo quy định hiện hành, gây vướng mắc trong tổ chức hoạt động, bố trí nhân sự quản lý, vận hành…

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại nhiều thiết chế chưa bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Nhiều đơn vị nghệ thuật thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, người lao động công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chuyên ngành còn thấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thiết chế văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu. Việc liên kết giữa đào tạo và sử dụng nhân lực, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển tài năng, nhất là đối với các môn nghệ thuật truyền thống còn hạn chế.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ rõ, ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng, quản lý thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp, phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu. Ở trung ương, kinh phí cấp cho hoạt động bảo tàng, thư viện, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… còn thấp. Ở địa phương, kinh phí cấp cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở không đủ chi cho các hoạt động thường xuyên; một số thiết chế cấp xã, thôn được đầu tư xây dựng mới nhưng do thiếu kinh phí nên hoạt động cầm chừng, gây lãng phí. Việc thực hiện tự chủ tài chính đối với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập quản lý các thiết chế gặp khó khăn. Chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa phát triển thiết chế văn hóa chưa hấp dẫn, khó thu hút các nhà đầu tư.

Đặc biệt, theo kết luận của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Chưa có cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư nói riêng và cơ chế hợp tác công - tư trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao. Quy định về quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn”.

Giải pháp tháo gỡ

Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế nói trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ về hoàn thiện các văn bản pháp luật; về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi; về quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; về đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có việc ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án… Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.

Về giải pháp tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ, phụ cấp, bồi dưỡng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nhất là nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao…; đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị liên quan tới nhiều Bộ, ngành. 

 "Đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng, lĩnh vực phụ trách, giải trình làm rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục, giải quyết các tồn tại, hạn chế. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các kết quả đạt được của Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao".

(Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc