Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái

VHO - Ngày 19.12.2023, 320 Tăng, Ni, Sư từ Ban Hoằng Pháp Trung Ương cùng chư tôn đức tăng ni ban Hoằng pháp 15 tỉnh thành miền trung và Tây Nguyên đã cùng hành hương lên đỉnh núi Bà Nà, chiêm bái hệ thống tâm linh nổi tiếng linh thiêng nhân dịp khóa tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp năm 2023 tổ chức tại Đà Nẵng.

Ngay từ sáng sớm ngày 19.12.2023, khu du lịch Sun World Ba Na Hills đã hoan hỉ chào đón sự quang lâm của Hoà thượng Thích Huệ Thường- Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hoà thượng Thích Trí Viên - thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hoà thượng Thích Huệ Phước - Uỷ viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng Pháp TW; Hoà thượng Thích Từ Nghiêm, Uỷ viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Đà Nẵng; Hoà thượng Thích Minh Thiện, Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TW; Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó trưởng Ban trị sự Phật giáo Đà Nẵng cùng các chư tôn đức tăng ni Ban Hoằng pháp 15 tỉnh thành miền Trung và Tây nguyên.

Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái - Anh 1

Nghi lễ cầu an tại chùa Linh Ứng Bà Nà

Đến với núi Chúa – ngọn núi được xem là nơi linh thiêng nhất và được người dân tôn sùng nhất tại khu vực Trung bộ, đoàn GHPGVN đã nhất tâm cầu nguyện quốc thái dân an trước Tượng Phật Thích Ca trong khuôn viên chùa Linh Ứng – một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất tại Đà Nẵng. 

Hoà thượng Thích Từ Nghiêm, Uỷ viên HĐTS TW, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Đà Nẵng chia sẻ: “Chùa Linh Ứng Bà Nà là một nơi rất linh thiêng bởi nơi đây hội tụ nghìn năm sông núi, khí thiêng đất nước. Khi đến đây, tôi cảm nhận rất rõ sự linh ứng, vi diệu. Đến nơi đây cũng giống như đang đến với thế giới thoát tục trên mây vậy".

Tại đây, đoàn GHPGVN cũng thực hành tụng niệm, dâng hương và tham quan hệ thống các công trình tâm linh trên đỉnh núi Chúa như Linh Phong Thiền Tự, Linh Phong Bảo Tháp, Phật Thích Ca Đài, và thưởng thức các món chay do nghệ nhân ẩm thực truyền thống Việt – nghệ nhân Ánh Tuyết chuẩn bị.

Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái - Anh 2

Các Tăng, Ni, Sư thăm quan Cầu Vàng

Cũng trong dịp này, Hoà thượng Thích Huệ Phước, Hoà thượng Thích Từ Nghiêm và Hoà thượng Thích Minh Thiện đã chủ trì lễ trồng cây lưu niệm và nghi lễ quy y cho cây “Muôn thuở tùng” tại quần thể tâm linh đỉnh Bà Nà, với mong muốn tăng thêm nguồn năng lượng an lành cho ngọn núi thiêng.

Không chỉ được biết đến là miền tiên cảnh với một hệ thống các công trình vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp mang đậm sắc màu châu  u cổ kính, Bà Nà từ xa xưa còn được biết đến với tên gọi núi Chúa – là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – vị mẫu cai quản cả vùng núi thiêng.  

Toạ lạc trên đỉnh núi Chúa là một quần thể các công trình tâm linh linh thiêng. Nằm trên đỉnh cao nhất của Bà Nà, đền Lĩnh Chúa Linh Từ (còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn hoặc Lâm Cung Thánh Mẫu) là nơi tôn thờ Bà Chúa linh thiêng của cả vùng núi. Trong tâm thức của người dân Đà Nẵng, Mẫu Thượng Ngàn là một biểu tượng linh thiêng luôn sẵn sàng che chở, phù hộ và ban phước lành cho người dân bao đời nay. 

Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái - Anh 3

Tượng Phật Thích Ca với độ cao 27m nổi bật giữa cảnh núi rừng hùng vĩ

Bên cạnh Lĩnh Chúa Linh Từ, điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất phải kể đến trên đỉnh núi Chúa là chùa Linh Ứng. Cùng với chùa Linh Ứng Sơn Trà và chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Bà Nà tạo thành “tam giác” tâm linh nổi tiếng linh thiêng tại Đà Nẵng và thu hút đông đảo du khách thập phương ghé đến chiêm bái, vãn cảnh. 

Tọa lạc trên địa thế đắc địa bên sườn núi, chùa Linh Ứng Bà Nà được trùng tu, tôn tạo sau nửa thế kỷ bị lãng quên với kiến trúc chùa chữ Tam thanh tịnh. Với không khí linh thiêng của núi rừng và không gian thơ mộng, từ chùa du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh thành phố và đường biển cách đó 30km vào những ngày quang mây.

Nằm trong khuôn viên của Chùa Linh Ứng Bà Nà là tượng Phật Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni với độ cao 27m, tọa trên đài sen cao 6m. Bên dưới tượng Phật là 8 bức phù điêu tái hiện cuộc đời của Phật Thích Ca. Vào những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy bức tượng Phật nằm sừng sững trên đỉnh Bà Nà, bao quanh là những quầng mây trắng và phong cảnh núi rừng hùng vĩ.

Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái - Anh 4

Linh Phong Bảo Tháp được thiết kế với chín tầng

Trên đỉnh núi Chúa còn có rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như Miếu Bà được xây dựng từ thời Pháp; Linh Phong Thiền Tự hay còn gọi là Chùa Bắc, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim theo kiến trúc điển hình của các ngôi chùa ở phía Bắc; Lầu Chuông được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Phật, nơi đặt chiếc chuông đồng nặng 1 tấn được đúc ngay tại đỉnh Bà Nà; Linh Phong Bảo Tháp được thiết kế với chín tầng, mỗi tầng với bốn mặt có gắn tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá trắng quay mặt ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc…

Hơn 300 Tăng Ni Sư Giáo hội Phật giáo đến quần thể tâm linh trên đỉnh Bà Nà hành hương, chiêm bái - Anh 5

Quần thể tâm linh trên đỉnh núi Chúa

Toạ lạc ở độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển, hệ thống tâm linh trên đỉnh núi Bà Nà nằm ẩn hiện giữa rừng cây và quanh năm mây phủ được xem là nơi trời đất giao hoà, âm dương hội tụ. Bởi lẽ đó, Bà Nà được biết đến là điểm đến hành hương nổi tiếng linh thiêng và đón hàng  ngàn du khách thập phương đến chiêm bái, gửi gắm ước nguyện bình an, may mắn, đặc biệt vào các dịp đầu năm, cuối năm và các ngày lễ truyền thống theo đạo Phật trong năm.

Ý kiến bạn đọc