Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Quản lý thông tin văn hóa trên môi trường số - thách thức và giải pháp

Thứ Tư 28/08/2019 | 11:01 GMT+7

VHO-Hiện nay ở Việt Nam, việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới về công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ cao đã làm thay đổi cơ bản phương thức truyền thông cũng như hình thức tiếp nhận thông tin của nhân dân.

Thông tin trên không gian mạng ngày càng phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Internet

Trên môi trường internet, các sản phẩm công nghệ số ngày càng phong phú, đa dạng, phương thức truyền thông nở rộ và đa chiều về tư tưởng, quy mô lan tỏa cực nhanh thậm chí với thời gian thực. Việc tiếp cận thông tin văn hóa của nhân dân đã có những thay đổi căn bản, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Bài viết này tập trung trao đổi về một số khó khăn, thách thức chính trong quản lý thông tin văn hóa trên môi trường số; một số chính sách và giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận thông tin văn hóa của nhân dân trên môi trường số.

1. Khó khăn, thách thức trong quản lý thông tin văn hóa trên môi trường số

Chưa có chuẩn mực chung về nhận thức khi tiếp nhận sản phẩm số

Công tác phổ biến, tuyên truyền của cơ quan quản lý đến nhận thức của người dân trong việc tiếp nhận các sản phẩm công nghệ số trên môi trường mạng chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc nhận thức này hầu như chỉ dựa vào quan điểm chủ quan của mỗi người mà chưa có chuẩn mực chung.

Mức độ phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong thụ hưởng các sản phẩm số phục vụ đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Việc tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người dân chủ yếu vẫn dựa trên cảm tính cá nhân, tâm lý đám đông đôi khi chưa phản ánh đúng bản chất, sự việc, gây ảnh hướng xấu đến cá nhân, gia đình, xã hội.

Về quản lý thông tin văn hóa

Hiện nay, lượng thông tin dữ liệu về văn hóa, các thông tin dữ liệu khác có yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con người ngày càng nở rộ trên môi trường internet. Công tác quản lý các thông tin dữ liệu này là rất khó khăn vì tính chất “xuyên biên giới” của mạng internet, các máy chủ dữ liệu có thể được đặt ở nước ngoài, các thành phần phản động ở ngoài nước có thể là những kênh thông tin xấu khó lường.

Ngoài ra, việc bảo mật thông tin dữ liệu văn hóa của các hệ thống thông tin lưu trữ trên các máy chủ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng ra đời nhưng để vào được đời sống, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế thì cần phải có thêm các chính sách cụ thể hóa để thực hiện tốt trong thực tiễn đời sống nhân dân.

Nguồn lực ứng phó với tác động xấu của thông tin số

Cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, phương thức truyền tài thông tin cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên chưa bao quát được phạm vi dữ liệu số cần tương tác, đặc biệt với thông tin thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, ít có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thậm chí có hại.

Xuất phát từ đặc điểm ngành nghề, hầu hết nhân lực làm công tác văn hóa, chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, năng lực công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển tải thông tin số với nhiều hình thức, kịp thời các hiện tượng văn hóa lành mạnh, thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam.

2. Một số giải pháp về chính sách nâng cao năng lực tiếp cận thông tin văn hóa của nhân dân trên môi trường số

Đảng và Nhà nước chỉ đạo thống nhất trong vấn đề ứng dụng, phát triển công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ 4 để phát triển văn hóa, hình thành môi trường (hệ sinh thái) văn hóa chuẩn mực, cụ thể một số chính sách:

Chính sách tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo cá nhân không chỉ với đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa mà với toàn thể nhân dân. Hiện nay, việc tự thiết lập một thông điệp điện tử (gồm phát ngôn, tranh ảnh, video...) và phát tán nhanh chóng trên internet là rất khó có biện pháp kiểm duyệt tức thì và phải mất thời gian quá độ để có quyết định kiểm soát cuối cùng. Trong lúc đó, thông điệp này có thể đã phát tán một cách chủ động trên internet đến hàng ngàn, hàng triệu đích đến. Đây cũng là xu hướng chung trong việc ứng dụng công nghệ của nhân loại, là mặt trái của internet. Do vậy, cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm dựa trên quan điểm khuyến khích tối đa sự sáng tạo của cá nhân theo quy định của pháp luật.

Xây dựng chính sách về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến tác quyền và tài sản số hóa. Trong CMCN lần thứ 4, các sáng tạo trên không gian số sẽ ngày càng nhiều và đa dạng. Việc xuất hiện khái niệm “đám mây nguồn nhân lực”, hàm ý chỉ lực lượng lao động trên không gian số không phân biệt biên giới quốc gia hay vùng miền, điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý tác quyền bởi vì nó đã khác rất nhiều so với kinh nghiệm trước đây.

Chính sách đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, nguồn dữ liệu chung lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường khuyến khích phát triển nền kinh tế số dựa trên dữ liệu chính thống được cung cấp bởi cơ quan quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thông tin văn hóa khi lan truyền trên không gian mạng.

Chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân nhằm phòng ngừa việc tiết lộ và bị lợi dụng cho các mục đích tiêu cực. Không gian mạng và thông tin số đôi khi trở thành công cụ rất mạnh mẽ để có thể phát huy thế mạnh của một cá nhân và cũng có thể là vũ khí sắc bén để kẻ xấu lợi dụng. Quyền riêng tư đã được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, việc đảm bảo quyền này trong một xã hội ảo trên không gian mạng cần được xem như việc bảo vệ họ trong một xã hội thật sự, một xã hội lành mạnh về văn hóa.

3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông thông tin văn hóa

Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tổ chức khoa học, công nghệ cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, khoa học với số liệu thống kê cụ thể nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách về phát triển văn hóa bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời đại CMCN lần thứ 4.

Cơ quan truyền thông của Nhà nước kịp thời tuyên truyền đồng bộ, tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến trên nhiều kênh các điển hình, hành xử văn hóa chuẩn mực. Tăng cường công tác tuyên truyền ở nhiều cấp, nhiều ngành, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương về quy tắc ứng xử có văn hóa trước các thông tin số khi xuất hiện trên môi trường mạng. 

Các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với cơ sở đào tạo trong hệ thống đào tạo quốc dân xây dựng nội dung chương trình để năng cao năng lực tiếp cận thông tin số về văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; lồng ghép vào môn học, các buổi nói chuyện chuyên đề, dã ngoại... nhằm từng bước giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.   

Đầu tư cập nhật tri thức về giá trị văn hóa trên không gian mạng, ưu tiên, quan tâm áp dụng thành tựu của những lĩnh vực công nghệ nền tảng, thiết thực, có ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực văn hóa như: công nghệ in 3D, công nghệ thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn về văn hóa. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từ việc cập nhật, áp dụng công nghệ tạo dựng thị trường trực tuyến, nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển thị trường, sản phẩm văn hóa của Việt Nam.

TS DƯƠNG VIẾT HUY

 

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top