Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sớm giải quyết những vướng mắc tại Học viện Múa Việt Nam

Thứ Hai 03/08/2020 | 09:20 GMT+7

VHO- Vừa qua, phụ huynh của học sinh khoá 4 ngành Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa thuộc Học viện Múa VN có đơn gửi đến cấp có thẩm quyền phản ánh về việc nhận được thông báo sẽ thi tốt nghiệp “trung cấp” mà không tiếp tục được đào tạo liên thông lên bậc “cao đẳng” như đăng ký đầu vào tuyển sinh.

 Diễn viên múa phải khổ luyện trong nhiều năm liền mới có thể ra nghề Ảnh: TL

 Trước những thông tin này, cuối tuần qua Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với Vụ Đào tạo và lãnh đạo Học viện Múa VN để đưa ra những giải pháp kịp thời.

Tiếp tục được đào tạo liên thông lên cao đẳng

Trao đổi với phóng viên Văn Hoá, Quyền Giám đốc Học viện Múa VN Trần Văn Hải cho biết, “ngày 29.7 vừa qua, chúng tôi đã có buổi làm việc với Cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Tại buổi làm việc, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng múa VN ở giai đoạn 2011- 2016 thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT. Cụ thể là Cục Quản lý chất lượng (trước là Cục khảo thí quản lý chất lượng) phụ trách công tác tuyển sinh, Vụ Kế hoạch - Tài chính phê duyệt chỉ tiêu. Vì vậy, việc học sinh của Trường Cao đẳng Múa VN nay là Học viện Múa Việt Nam ở giai đoạn đó đương nhiên vẫn được đào tạo theo mô hình của các khoá đã tốt nghiệp liên thông cao đẳng và các em sẽ được nhận bằng cao đẳng”.

Ông Hải đã cung cấp cho Văn Hoá những văn bản liên quan tới việc tuyển sinh, trong đó có Thông báo phê duyệt của Bộ GD&ĐT về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 số 116/ TB-BGDĐT, do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) ký ngày 9.3.2015. Như vậy, việc số học sinh được tuyển sinh năm 2015, khoá 4 của trường (có phụ huynh làm đơn kiến nghị) đương nhiên sẽ được tiếp tục đào tạo liên thông lên hệ cao đẳng, chứ không có chuyện dừng lại như dư luận phản ánh.

Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm chính là số học sinh được tuyển sinh năm 2017 khi Trường Cao đẳng Múa Việt Nam được chuyển về Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) quản lý, thay vì Bộ GD&ĐT như trước đây. Tuy nhiên, đối chiếu với những văn bản hiện có thì thấy rằng, vào thời điểm đầu năm 2017, Trường Cao đẳng Múa VN đã lên kế hoạch tuyển sinh hệ đào tạo liên thông cao đẳng như những năm trước, và nhận hồ sơ của học sinh, tuyển sinh từ tháng 6.2017. Nhưng mãi tới cuối năm 2017, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp mới cấp Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Học viện Múa VN, trong đó mã ngành đào tạo Nghệ thuật biểu diễn kịch múa và Nghệ thuật biểu diễn múa dân tộc chỉ được cấp ở trình độ trung cấp. Giấy chứng nhận và thông báo đến khi nhà trường đã thực hiện xong công tác tuyển sinh và số học sinh được tuyển đã học xong 1 học kỳ. Văn bản chậm hơn việc tuyển sinh, vậy không có lý do gì mà lứa học sinh khoá 6 (tuyển sinh 6.2017) còn sót lại giữa thời điểm phân cấp hai Bộ quản lý lại “tắc” không thể được tiếp tục đào tạo liên thông cao đẳng.

Tại buổi làm việc với Vụ Đào tạo và Học viện Múa VN, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng: “Đào tạo nghệ thuật mang tính đặc thù, đòi hỏi người diễn viên phải khổ luyện trong nhiều năm liền. Đối với quy định đào tạo hệ trung cấp của các ngành thông thường là 3 năm, nhưng với đào tạo diễn viên ở một số ngành như xiếc, múa, âm nhạc thì lại quá ngắn. Vì vậy phải có những đặc cách để đào tạo diễn viên theo hướng được nâng cấp lên cao đẳng, đại học mới giúp các em an tâm theo đuổi nghệ thuật. Với các khoá học sinh của Trường múa, lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ trao đổi kỹ với các Bộ, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết những bất cập, nảy sinh trong công tác đào tạo”.

Cần có quy định riêng cho cơ sở đào tạo năng khiếu

Câu chuyện xảy ra tại Học viện Múa VN đúng vào thời điểm các trường nghệ thuật, trong đó có cả Học viện Âm nhạc VN đều đang đứng trước nguy cơ không được đào tạo hệ trung cấp bởi cơ quan quản lý “cứ theo luật mà làm”, dẫn đến việc mùa tuyển sinh kề cận mà các cơ sở đào tạo năng khiếu rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ VHTTDL về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đã nói: “Nếu thực hiện theo quy định cứng là không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác nào “giết chết” nghệ thuật. Những bất cập đối với các cơ sở đào tạo năng khiếu là lỗi từ văn bản. Những kiến nghị của các cơ sở đào tạo năng khiếu cho thấy cần phải có sự thống nhất trong điều hành quản lý. Cái khổ nhất hiện nay đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật đó là việc áp dụng rạch ròi giống như các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác. Việc quy định chi tiết đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể thao... phải do Bộ VHTTDL đề ra”.

Tại nhiều cuộc làm việc giữa lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đều thấy rất rõ vấn đề mấu chốt là cần thay đổi cách nhận thức và cần có những quy định riêng cho các cơ sở đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật. Câu chuyện của Học viện Múa VN cũng như nỗi lo bị dừng không được đào tạo hệ Trung cấp với đặc thù phải được học từ nhỏ cũng xuất phát từ những lỗi kỹ thuật mà những cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc xử lý để các trường có được những căn cứ pháp lý đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật. Từ trước tới nay, mô hình đào tạo từ nhỏ đã đạt hiệu quả cao và đào tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia có nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới như Đức, Hungari, các nước Liên Xô cũ, Trung Quốc…

Chiều 2.8, trao đổi với Văn Hóa xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, lãnh đạo Bộ đã nghe báo cáo về những bất cập trong quy định hiện nay đối với đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Năm 2017, với đề xuất của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan và thống nhất tiếp tục cho phép các cơ sở đào tạo VHNT được tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo truyền thống. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (khi đó là Tổng cục Dạy nghề) thuộc Bộ LĐ,TB&XH cũng đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về vấn đề này. TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng đã khẳng định sẽ hỗ trợ tốt nhất các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL và duy trì cách thức đào tạo truyền thống mang tính đặc thù như trước…

Vừa qua, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực, Bộ VHTTDL đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi bằng văn bản với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH), Bộ GD&ĐT để cùng bàn bạc, tháo gỡ những bất cập trong công tác đào tạo năng khiếu nghệ thuật cũng như những vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực này. Nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì khó có thể vực dậy được lĩnh vực này. Trong thời gian sớm nhất, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép các trường đào tạo VHNT được tiếp tục tuyển sinh hệ Trung cấp, Cao đẳng và duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến Đại học, sau đại học như đã và đang thực hiện. Ngay trong đầu tháng 8 này, các cơ quan của những Bộ, ngành có liên quan sẽ có buổi làm việc để lắng nghe ý kiến của cơ sở đào tạo và đề ra hướng giải quyết.

Trong khi chờ các Bộ, ngành có liên quan tiến hành họp bàn, đưa ra những giải pháp sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành chưa hợp lý đối với công tác đào tạo năng khiếu nghệ thuật thì quyền lợi của hàng trăm học sinh của Học viện Múa VN rất cần được Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH chung tay cùng với Bộ VHTTDL giúp cho học sinh và các bậc phụ huynh yên tâm gắn bó với con đường làm nghệ thuật. 

 Ngày 23.3.2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL về công tác đào tạo văn hoá nghệ thuật. Thông báo nêu rõ: Đồng ý về thời gian đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng văn hoá nghệ thuật đặc thù như hiện nay; Đồng ý các cơ sở đào tạo đại học văn hoá nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hoá trong lĩnh vực VHNT.

THUÝ HIỀN

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top