Lâm Đồng đẩy mạnh các giải pháp kích cầu du lịch

VHO - Ngày 23.4, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Chương trình Kết nối - kích cầu phát triển du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước.

Liên kết để phát triển du lịch

Tham dự chương trình có sự tham gia của đại diện các Sở VHTTDL; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Du lịch; Hiệp hội Du lịch các địa phương: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An…

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến lượng khách nội địa và quốc tế đến với Lâm Đồng giảm sút đáng kể. Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Chính phủ, Bộ VHTTDL phát động với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn, Chương trình Kết nối - kích cầu phát triển du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước được tổ chức với mục tiêu tiếp tục duy trì, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương trong cả nước”.

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Đồng Nai, trong các năm qua Lâm Đồng và Đồng Nai đã có những chương trình kết nối  - kích cầu với nhau và tạo hiệu quả cao, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của mỗi địa phương. Qua các hoạt động du lịch, mỗi địa phương còn bảo tồn và phát huy được các nét văn hóa rất riêng biệt của mình mà minh chứng rõ nét nhất chính là lễ cưới của người K’Ho đã được tái hiện trong chương trình.

Trong khi đó, đại diện Sở Du lịch tỉnh Nghệ An chia sẻ, hết sức ấn tượng khi thấy được các sản phẩm du lịch của Lâm Đồng ngày một đa dạng và phong phú hơn. Thương hiệu du lịch canh nông của tỉnh hiện nay đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác trên cả nước.

Lâm Đồng đẩy mạnh các giải pháp kích cầu du lịch - ảnh 1

Du lịch canh nông đang thu hút du khách đến với Lâm Đồng

Ông Nguyễn Hữu Ân, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch TP.HCM cho biết, “Nằm trong sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và Lâm Đồng, trong thời gian qua, TP. HCM đã đưa một lượng lớn du khách đến với Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Đặc biệt, trong dịp 30.4,1.5 tới sẽ có rất nhiều du khách đến với Đà Lạt thông qua các đơn vị lữ hành của TP.HCM. Chính vì thế, để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, địa phương cần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, đặc việt là dịch vụ lưu trú”.

Được biết, đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi các chương trình văn hóa, nghệ thuật hưởng ứng Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 - 2021 sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh vào cuối năm.

Tái hiện Lễ cưới hỏi của người K’Ho

Cũng tại chương trình, Ban tổ chức đã cho phục dựng và tái hiện lại Lễ cưới của người K’Ho - một dân tộc theo chế độ mẫu hệ có truyền thống định cư lâu đời tại Lâm Đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo ra sản phẩm mới góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Với người K’Ho, đám cưới là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người, do đó, việc xem xét, lựa chọn ý trung nhân rất kỹ càng. Tự do hôn nhân, nên một khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu cầu cha mẹ đến dạm hỏi.

Lâm Đồng đẩy mạnh các giải pháp kích cầu du lịch - ảnh 2

Phục dựng lễ cưới hỏi của cười đồng bào K’Ho

Khi đôi trai gái đã đồng ý thì việc dạm hỏi và thách cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu. Những lễ vật thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc. Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định. Lễ dạm hỏi và lễ cưới, thường họ không phải xem ngày lành tháng tốt mà cứ ấn định vào một khoảng thời gian nhất định để không ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất. Tất cả những nghi thức đó đều được tiến hành vào ban đêm.

Khi tiến hành lễ cưới thì nhà trai sẽ tổ chức trước. Nhà trai sẽ đón cô dâu và cho cô dâu ngồi ở một vị trí trang trọng giữa gian nhà chính. Nhưng trước khi vào nhà, cô dâu sẽ phải tiến hành nghi thức rửa chân. Nghi lễ này mang ý nghĩa cô dâu phải giữ gìn sự trong sạch, là người phụ nữ đoan chính.

Không thể thiếu trong lễ cưới của người K’Ho là nghi lễ ném ruột gà. Đây có thể coi là việc quan trọng nhất trong đám cứơi để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình.

Nếu như trong lễ cưới, bên nhà trai ăn uống linh đình, thì về bên nhà gái, mọi thủ tục được tối giản, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, vì những gì giá trị nhất đã đem sang nhà trai trả lễ “thách cưới” rồi. Do vậy, nhà gái chỉ tổ chức mời khách khứa khi nào kinh tế ổn định. Có khi vài năm sau họ mới tổ chức đám cưới.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc