Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” (Bài 3): Chiến lược phát triển bền vững kinh tế, du lịch biển, đảo

VHO - Cần có chiến lược, giải pháp liên kết vùng, nâng tầm giá trị kinh tế biển, đảo để đưa kinh tế Bình Định nói riêng và vùng trọng điểm duyên hải Trung Bộ cất cánh trong thời gian tới.

Định vị để đa dạng hóa sản phẩm

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel chia sẻ: Bình Định có lợi thế về thiên nhiên, lịch sử văn hóa và con người thì hiền hóa, mến khách. Cái quan trọng là chúng ta phải biết phát huy các thế mạnh của thiên nhiên và những gì sẵn có để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách. “Con đường Xuân Diệu dọc bờ biển trong nội thành Quy Nhơn, chính là khu vực kinh tế ban đêm. Chúng ta cần chia khu vực Xuân Diệu ra để hình thành nhiều hoạt động văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực, văn hóa truyền thống... Đồng thời, có thể sử dụng hệ thống văn hóa đường phố, văn hóa trẻ...”, ông Kỳ gợi ý.

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” (Bài 3): Chiến lược phát triển bền vững kinh tế, du lịch biển, đảo - Anh 1

Cù Lao Xanh đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch đưa ra ý kiến, hiện nay, du khách thập phương biết đến Bình Định mới chỉ dừng lại ở nhận diện về sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng liên quan đến biển. Một số chương trình tour du lịch truyền thống đã giới thiệu điểm đến di sản tháp Chăm nhưng mới chỉ là điểm tham quan chiêm bái, chưa có những trải nghiệm chuyên sâu về văn hóa Chăm. Cùng đó, các giá trị văn hóa đặc sắc và đậm chất truyền thống của Bình Định chưa được khai thác nhiều, đưa vào các chương trình du lịch cho du khách; hình thức thể hiện còn sơ sài, chưa hấp dẫn và gần gũi với du khách thập phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cấp các cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ cho du lịch văn hóa, đầu tư cho sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn…

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” (Bài 3): Chiến lược phát triển bền vững kinh tế, du lịch biển, đảo - Anh 2

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, du lịch biển, đảo là điểm nhấn của Bình Định

PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nêu ra, các địa phương chưa có thương hiệu du lịch, riêng Quy Nhơn (Bình Định) nên tạo ra thương hiệu du lịch đó chính là “Văn hóa - Giao hòa thiên nhiên”. Tại Bình Định, khi làm du lịch biển, đảo phải kết hợp với nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch công vụ… Để phân đoạn thị trường, đặc biệt hút khách quốc tế thì người làm du lịch phải đặt mình là lữ hành, có như vậy mới góp phần phát triển du lịch và tạo ra nét đặc trưng riêng của “miền đất Võ”.

Ông Phùng Hữu Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội chỉ ra: “Du lịch biển, đảo không chỉ là lợi thế của riêng Bình Định, vì các tỉnh lân cận cũng có lợi thế tương tự. Bởi vậy, để phát triển du lịch Bình Định, cần đưa giá trị lịch sử văn hóa, di sản... để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cần làm sâu sắc, thấm đẫm các giá trị văn hóa lịch sử này để các sản phẩm du lịch có chiều sâu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Bình Định, khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển đảo. Đó là chưa kể, nét đặc thù của du lịch Bình Định phải nhắc đến “Hào Khí Tây Sơn”, tinh thần thượng võ, di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Bài Chòi, nghệ thuật Tuồng nổi tiếng và di sản vật thể là các công trình kiến trúc Chăm… thể hiện giá trị riêng biệt và mang ý nghĩa chiều sâu”.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội, Bình Định cần chú trọng vào công tác xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch kết hợp biển, đảo với văn hóa lịch sử. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ để các di sản văn hóa được đưa vào hoạt động du lịch; đào tạo tập huấn cho nguồn nhân lực du lịch; tổ chức các sự kiện quảng bá quy mô có chiều sâu, vừa làm nổi bật giá trị văn hóa truyền thống, vừa gần gũi và thu hút khách du lịch...

Có chiến lược, tầm nhìn để kinh tế biển, đảo cất cánh

Vùng đất Bình Định có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đảo. Ở đây, có nhiều giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, con người và ẩm thực đã tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế cũng như dần tạo được thương hiệu trong thời gian qua.

Trong Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; đồng thời phát triển TP Quy Nhơn (Bình Định) trở thành văn hóa phía Nam của vùng.

Ở góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận: Trong quá trình tham gia nghiên cứu Nghị quyết 26, có nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Quy Nhơn trở thành văn hóa phía Nam của vùng, thì hiểu theo nghĩa Quy Nhơn tượng trưng cho vùng “đất võ, trời văn”, ở đây có truyền thống lịch sử từ văn hóa Chăm cho đến các dạng văn hóa hội nhập để phát triển. Đây cũng là nơi dừng chân, sinh ra của rất nhiều các nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng, chính vì vậy muốn Quy Nhơn không chỉ phát triển từ kinh tế thì Quy Nhơn phải là điểm đến của văn hóa và ngay cả vấn đề ẩm thực, đặc sản Bình Định cũng là cái văn hóa, cho đến di sản bài chòi. Như vậy, từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể đã hội tụ tại đây. Nói rõ hơn, Nghị quyết 26 đã xác định đây là một đô thị của thành phố văn hóa - TP Quy Nhơn. Bởi vậy, muốn xây dựng thành phố văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hơn là nếp sống đô thị, một xã hội có văn hóa.

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” (Bài 3): Chiến lược phát triển bền vững kinh tế, du lịch biển, đảo - Anh 3

Vẻ đẹp hoang sơ của biển Bãi Xép dọc tuyến du lịch Quy Nhơn – Sông Cầu (Phú Yên)

TS Trần Du Lịch cũng nhắc lại câu ca dao: “Bình Ðịnh có núi Vọng Phu, có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh…”, có nghĩa là nói về Bình Định, ta nói về cái đẹp của núi non, của đầm, của biển, đảo và được thiên nhiên ban tặng nhiều như vậy, nhưng đến nay chưa khai thác được nhiều. Cũng chính vì vậy, TS Trần Du Lịch cho đây là khởi đầu để khai thác. “Để khai thác thế mạnh biển, đảo dựa trên văn hóa thì theo tôi, chúng ta ứng xử với tự nhiên như thế nào và làm sao chúng ta tận dụng được cái tự nhiên ban tặng mà không phá hoại tự nhiên, đó là cái văn hóa lớn nhất”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Để phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, thì tỉnh xác định giải pháp tiếp tục vẫn đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các bãi tắm an toàn, sạch đẹp kết hợp với hình thành các sản phẩm du lịch - thể thao biển. Xây dựng lễ hội du lịch hè thành sự kiện thường niên nhằm tạo thương hiệu điểm đến du lịch biển Quy Nhơn - Bình Định.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết thêm, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, nhất là công tác kiểm tra, hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động du lịch. Quản lý tốt khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc