Xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình: Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận

VHO - Chiều qua 29.2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhóm Chuyên gia xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan để trao đổi, xây dựng các nội dung cho Dự thảo.

Xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình: Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận - Anh 1
 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, ngày 14.11.2022, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua với nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 mà còn thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn mới, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Ngày 12.12.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1529/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Quyết định giao Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Nghị định quy định một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với Nghị định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 43 của Luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL xây dựng và trình Chính phủ vào tháng 10.2024.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình vừa qua cho thấy, cơ sở dữ liệu là thông tin cung cấp bằng chứng thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước. Xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác các số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp cho việc xử lý thông tin hiệu quả, vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công việc. Ngược lại, nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu đến việc đánh giá kết quả, dẫn đến việc xử lý công việc thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên hiện nay, việc thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ xuất phát từ nhiệm vụ được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác này.

Dự thảo Nghị định đã nêu rõ mục đích xây dựng nhằm bám sát và quy định chi tiết Khoản 3 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ quy định và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc ban hành Nghị định này để quy định việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; đáp ứng được các yêu cầu về chuyển đổi số và cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được bố cục với 4 chương, 26 điều, bao gồm: Chương I - Những quy định chung; Chương II - Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu; Chương III - Trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu; Chương IV- Điều khoản thi hành.

Tại buổi làm việc, đại diện của nhiều Bộ, ngành, chuyên gia đã đóng góp khá chi tiết để làm rõ hơn các nội dung được xây dựng trong Dự thảo, nhằm hướng tới hiệu quả thực tiễn và tính khả thi của Nghị định khi ban hành. Trong đó nổi bật là các quy định về thẩm quyền, phạm vi khai thác cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm xây dựng thu thập, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình của từng Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhóm Chuyên gia lấy ý kiến xây dựng Dự thảo. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Dự thảo theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt việc tổ chức lấy ý kiến góp ý trực tiếp để thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo đối với các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp tới việc ban hành, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Dự thảo Nghị định.

Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc và đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia tiếp tục đồng hành phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu kỹ, sâu các nội dung, chi tiết quy định cụ thể để có một Nghị định thực sự sát với thực tế. Quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định của Bộ VHTTDL nhằm quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bảo đảm quyền con người trong quá trình thực thi Luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

 Quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định của Bộ VHTTDL là nhằm quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bảo đảm quyền con người trong quá trình thực thi Luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc