Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ

VHO - Như một lời căn dặn, tại buổi Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phát biểu nhấn mạnh, đội ngũ nghệ sĩ phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm để có nhiều tác phẩm hay, truyền tải được những giá trị nhân văn, tốt đẹp…

 Bởi vậy, chia sẻ với Văn Hóa, nhiều nghệ sĩ cho biết sẽ không bao giờ dừng lại ở sự tôn vinh lần này, mà sau danh hiệu được trao là một hành trình mới với trách nhiệm ngày càng lớn hơn...

NSƯT Nguyễn Quý Hải: Vẫn còn hơi thở vẫn còn cống hiến

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 1

Đại tá Nguyễn Quý Hải là nghệ sĩ lớn tuổi nhất được trao tặng danh hiệu NSƯT khi ông bước vào tuổi 93. Ông nguyên là Đoàn trưởng Kịch nói Quân đội, người sáng tạo ra bộ môn Cờ Tư lệnh. Đây không chỉ là một bộ môn thể thao giải trí mà còn thể hiện lịch sử hào hùng, khí phách trí tuệ của một dân tộc trên chính từng quân cờ và từng nước đi. Là người quân nhân cách mạng, đại tá Nguyễn Quý Hải rất say sưa nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Việt Nam, ông muốn đưa sự tinh túy ấy vào môn Cờ Tư lệnh để tuyên truyền nghệ thuật giữ nước của cha ông ta đến thế hệ trẻ hiện nay.

“Tôi không bao giờ nghĩ rằng tới ngày hôm nay mình lại được đón nhận danh hiệu cao quý NSƯT. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã không quên những người đã có sự cống hiến như tôi. Cuộc đời của một người làm nghệ thuật đó là được ghi nhận bằng danh hiệu nghệ thuật. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn nhiều, nhưng vẫn còn hơi thở tôi vẫn tiếp tục tìm tòi, thể nghiệm để có những tác phẩm mới cống hiến cho công chúng và cho Quân đội”, NSƯT Nguyễn Quý Hải chia sẻ.

NSƯT Nguyễn Thị Phức: Danh hiệu hôm nay là liều thuốc…

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 2

Những ai có mặt tại Lễ trao tặng đều cảm động trước hình ảnh NSND Tự Long cười rạng rỡ bên thân mẫu là NSƯT Nguyễn Thị Phức khi bà được phong tặng NSƯT đợt này. Hiện cả bố và mẹ của Tự Long đều là NSƯT. Bố ruột là NSƯT Tự Lẫm, nghệ danh Hai Lẫm, là một nghệ sĩ hát Quan họ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) và từng giữ chức Trưởng đoàn trong những ngày đầu thành lập.

NSƯT Nguyễn Thị Phức cũng là lớp nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tại Lễ trao tặng, NSƯT Nguyễn Thị Phúc xúc động: “Thật hạnh phúc khi gia đình có tới ba người được phong tặng danh hiệu. Tôi hiện mang trên người nhiều căn bệnh hiểm nghèo, và hôm nay được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, tôi cảm thấy đó như một phương thuốc hối thúc mình cần cố gắng nhiều hơn để chống chọi lại với bệnh tật của mình”.

NSND Ma Thị Bích Việt: Phải có sự nhiệt huyết mới

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 3

Nhắc tới NSND Ma Thị Bích Việt, người yêu nhạc lại nhớ tới một giọng nữ cao vang trên nhiều chiến trường khốc liệt với các ca khúc như: Hoa sim biên giới; Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện; Cô gái vót chông; Nổi lửa lên em… Nhập ngũ tháng 5.1972, nghệ sĩ Bích Việt trở thành chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp khi mới 18 tuổi. Ở môi trường quân ngũ, Bích Việt tiếp tục ấp ủ, nuôi dưỡng giọng hát cũng như bồi đắp tình yêu với người chiến sĩ, với quê hương đất nước, để rồi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, rồi là giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. “Với tôi luôn đầy ắp sự nhiệt tình trong biểu diễn và sáng tác. Đến tuổi này, mặc dù mang nhiều bệnh trọng nhưng tôi vẫn tha thiết với nghệ thuật, mong muốn phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội; mong rằng sẽ có những quan tâm, sẻ chia hơn nữa tới các nghệ sĩ lớn tuổi”, NSND Bích Việt chia sẻ.

NSND Hương Dung: Danh hiệu cao quý đáng tự hào đối với mỗi nghệ sĩ

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 4

Diễn viên Hương Dung vô cùng xúc động khi được nhận danh hiệu NSND ở tuổi 68 và muốn dành niềm vui này cho người mẹ vừa mất. Nghệ sĩ Hương Dung rất vui và xúc động khi được đứng ở sân khấu Nhà hát Lớn nhận danh hiệu cao quý NSND. “Ngoài việc phục vụ công chúng nói chung, chúng tôi còn phục vụ riêng cho ngành công an, từ các trại giam đến rừng núi, hải đảo, những nơi cần sự thử thách và lòng nhiệt huyết của những người làm nghệ thuật. Vì

 vậy danh hiệu này dành cho những người làm nghệ thuật và đặc biệt trong ngành nghệ thuật công an là vô cùng cao quý và ý nghĩa. Hương Dung xin bày tỏ cảm ơn lãnh đạo Nhà hát Công an Nhân dân, lãnh đạo Bộ Công an, cảm ơn khán giả là người đã nâng cánh cho tôi có được ngày hôm nay. Niềm vui này Hương Dung cũng muốn dành cho người mẹ kính yêu vừa mới qua đời vì bà luôn mong con mình thành đạt ở nhiều dạng vai khác nhau và tôi cũng đã làm được điều đó”, nữ nghệ sĩ ở tuổi 68 chia sẻ.

TS.NSND Cồ Huy Hùng: Hãy cứ yêu, cứ đam mê và say sưa

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 5

Tôi cảm thấy mình là người rất may mắn và hạnh phúc khi cả gia đình đều theo âm nhạc. Vợ tôi là đồng nghiệp giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - NSƯT đàn bầu Bùi Lệ Chi. Chúng tôi cùng chung ước mơ cống hiến cho cây đàn, muốn biểu diễn và quảng bá âm nhạc dân tộc, đào tạo được nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc để sau này trở thành những nghệ sĩ giỏi cho đất nước.

Hai con của tôi cũng đều đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Con trai lớn của tôi năm nay tốt nghiệp đại học chuyên ngành Piano, con gái thứ hai năm nay cũng vừa nhận được tin trúng tuyển đi du học tại Nga chuyên ngành Violin theo học bổng của Bộ VHTTDL.

Niềm vui của gia đình tôi được nhân lên rất nhiều khi những cống hiến của tôi cho nghệ thuật nước nhà đã được Nhà nước ghi nhận. Tôi thật sự rất xúc động và vinh dự khi được trao tặng danh hiệu NSND lần này. Xin được tri ân tới gia đình, thầy cô, bạn bè đồng nghiệp đã đồng hành hỗ trợ, cổ vũ để tôi luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao và có được “quả ngọt” như ngày hôm nay. Hãy cứ yêu, cứ đam mê, say sưa với nghề thì sẽ có ngày “đơm hoa kết trái”

Với vai trò là người thầy, nghệ sĩ và nhà quản lý, bản thân tôi vẫn luôn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức,lan tỏa âm nhạc truyền thống nói chung và tiếng đàn nguyệt nói riêng đến với học sinh, sinh viên của mình và đến với công chúng trong và ngoài nước. “Trong thời kỳ hội nhập những trào lưu âm nhạc mới chắc chắn là sẽ hấp dẫn với người nghe, nhất là giới trẻ. Vì thế, ngoài việc chú trọng dạy các bài, bản nhạc cổ, chúng tôi cũng đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới. Đồng thời cập nhật các sáng tác âm nhạc truyền thống mới mang hơi thở thời đại, thành lập các ban nhạc, nhóm nhạc biểu diễn, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức của khán giả”, Tiến sĩ. NSND Cồ Huy Hùng cho biết.

NSND Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai: Quyết tâm giữ nghệ thuật cải lương

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 6

Đồng Thị Quế Anh là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất của Đồng Nai vinh dự được phong tặng danh hiệu NSND sau hơn 30 năm lao động miệt mài trên sân khấu cải lương Nam Bộ. Hội đủ các yếu tố thanh, sắc, tài và đức, nhiều năm qua nghệ sĩ Quế Anh đã ghi dấu vào lòng công chúng những ấn tượng đẹp qua những vai diễn. Không chỉ đẹp ở nhân cách mà trong nghệ thuật chị còn tích cực sáng tạo, đổi mới qua các vai diễn, vở diễn, kịch bản và chương trình sân khấu, nghệ thuật.

“Để đưa sân khấu cải lương truyền thống vươn xa hơn, được công chúng trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, hơn bao giờ hết bản thân tôi và các nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, khẳng định mình, tiếp tục có nhiều vở diễn mới, chương trình hay phục vụđa dạng nhu cầu của nhân dân. Qua đó, đưa sân khấu của Đồng Nai hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật của cảnước, vươn mình ra biển lớn, đặc biệt là quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Để có được danh hiệu cao quý lần này, tôi cho rằng sự thành công phụ thuộc rất lớn vào sự cố gắng hết sức mình, phát huy tất cả mọi điều để làm sao phát triển được nghệ thuật dân tộc”, NSND Quế Anh cho biết.

NSND Xuân Bắc: Bắt đầu một hành trình mới…

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 7

Với tôi, điều quan trọng nhất đối với các nghệ sĩ là những tác phẩm nghệ thuật, chất lượng nghệ thuật và thái độ sống. Khi đạt được danh hiệu, rõ ràng cá nhân cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tự hào song hành với đó là trách nhiệm. Dư luận cũng đã từng phản ánh, có nghệ sĩ nhận danh hiệu xong là đủ và không còn để tâm đến tiếp tục cống hiến, nhưng với cá nhân tôi thì đây cũng là sự bắt đầu cho một hành trình mới, phải phấn đấu sao cho xứng đáng hơn nữa những gì mình được Đảng, Nhà nước trao tặng. Đồng thời phải luôn ghi nhớ và cố gắng phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó, không riêng gì của hôm nay mà ngày mai và sau này nữa...

Trách nhiệm của người nghệ sĩ là sáng tạo những hình tượng nghệ thuật, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hướng tới chân, thiện, mỹ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

NSƯT Ngô Lê Thắng: Danh hiệu là sự động viên quan trọng đối với nghệ sĩ xiếc

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 8

So với các loại hình nghệ thuật sân khấu, danh hiệu đối với người nghệ sĩ xiếc thường khó khăn hơn rất nhiều bởi đặc trưng tuổi nghề rất ngắn. Với nữ nghệ sĩ xiếc thì chỉtầm 24 đến 25 tuổi đã ngưng hoạt động, thâm niên công tác thậm chí còn chưa đủ. Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã quan tâm tổ chức nhiều cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp riêng cho xiếc đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho nghệ sĩ xiếc. NSƯT Ngô Lê Thắng tâm sự: “Hiện nay, vịthế của nghệ thuật xiếc đã khác, nhiều tiết mục ngày càng chất lượng hơn, nhất là các tiết mục đều thể hiện rõ bản sắc văn hóa của Việt Nam. Những thành quả này là động lực cũng là trách nhiệm để tôi tiếp tục tìm tòi sáng tạo sao cho xiếc Việt Nam có được vịtrí xứng đáng hơn”.

NSƯT Phạm Khánh Ngọc: Nỗ lực quảng bá âm nhạc cổ điển

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 9

Được phong tặng danh hiệu NSƯT ở độ tuổi 36, NSƯT Phạm Khánh Ngọc hiện là một trong những nghệ sĩ opera xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay. Theo nữ nghệ sĩ, “dòng nhạc opera vẫn chưa thực sự quen thuộc đối với khán giả tại Việt Nam, nhưng tôi và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo để mang loại hình âm nhạc này đến gần hơn với công chúng”. Trong năm 2024, Phạm Khánh Ngọc dự định tổ chức một concert đánh dấu chặng đường làm nghề. Ngoài ý nghĩa tri ân, đây còn là dịp để cô nhìn lại và tiếp tục với những hoài bão, ước mơ trong hành trình mới.

NSƯT Sầm Thị Ngọc Ánh: Phổ cập âm nhạc truyền thống cho học sinh chính là cách để bảo tồn văn hóa dân tộc

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 10

NSƯT Sầm Thị Ngọc Ánh (dân tộc Tày), hiện là giảng viên Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc. Cô có một tình yêu đặc biệt gắn bó với nhạc cụ sáo trúc truyền thống và đã đoạt nhiều giải thưởng khi còn là nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 1. Mọi hoạt động và công việc của Ngọc Ánh đều hướng tới quảng bá và lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc truyền thống cho học sinh của mình cũng như lớp trẻ hôm nay. “Muốn giới trẻ yêu nghệ thuật truyền thống thì phải có nhiều dự án nghệ thuật đưa âm nhạc đến với học đường. Việc phổ cập âm nhạc truyền thống dân tộc cho học sinh chính là cách để bảo tồn văn hóa dân tộc, cũng là phương thức để xây dựng hệ thẩm mỹ thưởng thức bài bản, chuẩn xác cho khán giả tương lai”, Sầm Thị Ngọc Ánh cho biết.

 

NSƯT Thạch Thị Văn Na (Vong Văn Na): Miệt mài truyền dạy nghệ thuật múa truyền thống Khmer cho lớp trẻ

Sau danh hiệu là một hành trình mới của nghệ sĩ - Anh 11

NSƯT Thạch Thị Vân Na được biết đến là một biên đạo, dạy múa Khmer truyền thống. Gia đình bà có đến 6 thế hệ theo nghề múa Khmer. Ông bà nội và cha mẹ của bà đều là những người mê múa Khmer nên từ nhỏ tình yêu với những điệu múa Khmer luôn tuôn trải trong con người của bà. Hiện nay, bà Na đã trở thành bậc thầy trong biên đạo, dạy múa Khmer truyền thống. Đặc biệt, 3 người con gái và cháu trai của bà cũng theo nghiệp ca, múa Khmer theo truyền thống gia đình.

“Tôi rất tự hào khi gia đình tôi đã được trao tặng danh hiệu gia đình đa thế hệ theo nghề múa Khmer. Và còn tự hào hơn nữa khi ngày hôm nay, tôi được đứng trên sân khấu trang trọng để đón nhận một danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng – đó là danh hiệu NSƯT. Cảm ơn Nhà nước, Bộ VHTTDL đã tặng tôi món quà rất ý nghĩa này. Tôi hứa sẽ tiếp tục cố gắng tận tâm trong việc phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật múa truyền thống của đồng bào Khmer” , NSƯT Thạch Thị Vân Na chia sẻ.

Trong những năm gần đây, do sự lấn át của các loại hình múa hiện đại nên múa truyền thống đang dần bị mai một. Vậy nên, NSƯT Thạch Thị Văn Na vẫn luôn tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu các bài múa của người kinh để làm sao dung hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đem lại sự mới mẻ, thu hút người xem.

Hiện tại, NSƯT Thạch Thị Vân Na đang tham gia giảng dạy môn Nghệ thuật múa truyền thống Khmer tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ nhằm góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa truyền thống Khmer, truyền đạt tình yêu và niềm đam mê đến các thế hệ học sinh và sinh viên; mang đến cho học viên những trải nghiệm ý nghĩa và giúp lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Khmer thông qua nghệ thuật múa. Đồng thời, hàng tuần NSƯT Thạch Thị Văn Na vẫn miệt mài với lớp dạy múa truyền thống Khmer cho các bạn trẻ từ 9 – 10 tuổi và những người đã 50 – 60 tuổi tại nơi bà đang sống. “Múa Khmer cần có kỹ thuật và sự sáng tạo, người múa phải cái tâm và cái hồn trong đó. Vì vậy, để múa đẹp cần có kỹ thuật và sự sáng tạo nên khi truyền dạy cho những người mới tham gia học, tôi sẽ dạy những tổ hợp cơ bản ở tay, chân, mắt. Khi người học làm đẹp động tác tay, chân, cặp mắt lia theo động tác thì mới dạy tiếp. Ngoài ra, tôi còn dạy biên đạo để khi các em ra nghề có thu nhập tốt hơn”, NSƯT Thạch Thị Văn Na cho biết.

 THÚY HIỀN - NGỌC NHIÊN (thực hiện); ảnh: HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc