Phim truyền hình Việt ngập tràn cảnh nóng, bạo lực: Sẽ ra sao nếu giới trẻ bắt chước?

VHO- Không thể phủ nhận thời gian qua, phim truyền hình Việt đã thoát khỏi vùng an toàn để khai thác những đề tài gai góc, mới mẻ. Nhưng đi cùng với đó là một “khung giờ vàng” tràn ngập cảnh nóng, bạo lực... Vì một số phim không gắn mác cảnh báo độ tuổi, nên khi đã vào nội dung phim, nhiều gia đình phải “nói khéo” và tìm lý do chuyển kênh để tránh cho con em mình chứng kiến những cảnh nhạy cảm đang phô bày trần trụi trên màn ảnh nhỏ.

Phim truyền hình Việt ngập tràn cảnh nóng, bạo lực: Sẽ ra sao nếu giới trẻ bắt chước? - Anh 1

 Nhiều cảnh nhạy cảm trong “Biệt dược đen” khiến người xem phản ứng Ảnh: VFC

 “Đỏ mặt” vì cảnh nóng, bạo lực

Trường hợp điển hình nhất là Quỳnh búp bê khi VTV từng phải thông tin về việc bộ phim tạm dừng phát sóng. Lý do là vì nhà đài đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, rằng với những phim gắn mác 18+ như Quỳnh búp bê, nói về thế giới ngầm của gái mại dâm, xã hội đen, vi phạm pháp luật... thì chỉ nên phát sóng ở khung giờ muộn hơn bình thường để tránh hiệu ứng xấu do các cảnh nhạy cảm mang lại.

Mới đây, lên sóng từ ngày 4.9 vào khung giờ vàng 21h40 trên kênh VTV3, Biệt dược đen được coi là sự trở lại ấn tượng của series phim truyền hình ăn khách Cảnh sát hình sự. Tuy nhiên, phim đang khiến các bậc phụ huynh lo ngại khi có quá nhiều cảnh nóng, bạo lực nhưng lại chiếu vào giờ mà trẻ em có thể xem được. Ngay cả người lớn cũng ngại ngùng khi xem phải một số phân cảnh của Biệt dược đen. Nội dung chính trong phim là cuộc đấu trí, đấu lực giữa đội cảnh sát hình sự với giới tội phạm gian xảo, tàn độc. Đến nay, sau một số tập phát sóng, những trích đoạn bạo lực, cảnh nóng trong Biệt dược đen mới đang là điều được bàn tán và nhận về nhiều phản ứng gay gắt.

Phim mở đầu với câu chuyện về Cityboy - một nhóm công tử nhà giàu ăn chơi, biến thái. Những cuộc thác loạn tại quán bar được mô tả chân thực, với cảnh các thành viên sử dụng chất kích thích, say sưa “bay lắc” theo điệu nhạc bên những cô gái xinh đẹp, diện trang phục nóng bỏng. Ngoài cảnh ăn chơi, tập đầu của phim cũng khiến khán giả sốc vì phân đoạn bạo lực của Vương (Tuấn Anh) và Tuyết (Quỳnh Châu). Vì bị Tiến (Trương Hoàng) - người yêu Tuyết đánh, Vương trút giận lên cô bằng những cái đạp, tát, xô đẩy, thậm chí xâm hại tình dục. Cùng trailer giới thiệu, loạt cảnh ăn chơi, sử dụng ma túy trong phòng kín… khiến khán giả lắc đầu e ngại về “chủ nghĩa tự nhiên” của phim.

Trên các diễn đàn, nhiều khán giả, nhất là các phụ huynh cho rằng, việc quá lạm dụng những yếu tố nhạy cảm dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. “Một bộ phim của VTV được chiếu vào khung giờ vàng với đối tượng người xem ở mọi lứa tuổi khác nhau thì nội dung có nhiều cảnh nóng, bạo lực như vậy là không phù hợp”, một khán giả nêu.

Trước phản ứng của dư luận, ông Trần Trọng Khôi, một trong hai đạo diễn của Biệt dược đen lên tiếng, xã hội bên ngoài còn khủng khiếp gấp 10 lần so với những “góc khuất” được đưa vào trailer và các thước phim. Anh cũng mong muốn các bậc phụ huynh cùng xem phim với con mỗi tối, bởi dù phim có cảnh quay nhạy cảm nhưng đi cùng với đó là những thông điệp ý nghĩa đối với gia đình và xã hội. “Nhiều loại biệt dược chưa được gọi là ma túy nhưng gây hại cho trẻ em. Nó rất độc hại nhưng giới trẻ chỉ nghĩ nó mang lại khoái cảm. Tôi hy vọng các gia đình hãy xem bộ phim này để thấy được nếu đi sai hướng hậu quả sẽ thế nào”, đạo diễn Trần Trọng Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đạo diễn Phạm Gia Phương cũng bày tỏ: “Vì là sóng truyền hình quốc gia nên chúng tôi hiểu là phải tiết chế cho phù hợp. Nhưng một số phim Cảnh sát hình sự trước đây còn gai góc hơn nhiều và được người xem nhớ mãi”.

Cần tiết chế và thể hiện vấn đề dưới lăng kính nghệ thuật

Trao đổi với Văn Hóa, Ths Vũ Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam nhấn mạnh, phim truyền hình chiếu vào giờ vàng là khung thời gian phục vụ nhiều đối tượng khán giả, trong đó có trẻ em, trẻ vị thành niên. Do đó, mọi hình ảnh khi đưa lên sóng phải được kiểm duyệt kỹ, có sự tiết chế khi nói về vấn đề nhạy cảm. Đi đôi với đó là những bài học về giáo dục nhận thức, tránh xa tệ nạn xã hội chứ không chỉ đơn thuần là những tập phim gây sốc, thu hút người xem.

“Ở độ tuổi này, các em có xu hướng bắt chước bởi chưa nhận thức hết được vấn đề về quản lý hành vi. Các em luôn tò mò về thế giới xung quanh, thậm chí có xu hướng tìm hiểu về những câu chuyện không phù hợp với lứa tuổi. Sẽ rất đáng ngại nếu các em xem được những hình ảnh về chuyện “thầm kín” của người lớn trên sóng truyền hình rồi làm theo. Và khi xảy ra sự cố, các em cho rằng đó là bình thường vì trên sóng truyền hình quốc gia… người ta cũng làm vậy. Những phân cảnh thiếu tiết chế đôi khi sẽ gây ra sự phản cảm, thiếu tính giáo dục”, Ths Vũ Thu Hà nêu.

Cũng theo chuyên gia tâm lý, rất khó để cấm trẻ em xem những bộ phim đó vì càng cấm thì lại càng khơi dậy trí tò mò. Trong bối cảnh các thiết bị thông minh, mạng Internet phát triển như hiện nay, không hề dễ dàng để có thể kiểm soát hết hành vi của trẻ, vì không cho xem trên tivi, các em sẽ lại lên mạng tìm thông tin. Nên thay vì cấm đoán một cách cực đoan, người lớn có thể đồng hành cùng trẻ, giải thích để tạo “sức đề kháng” cho các em.

Đặc biệt, trước nguy cơ trẻ học theo những hành vi bạo lực trong các bộ phim, Ths Vũ Thu Hà cho rằng, người lớn phải cho trẻ thấy được việc xử lý vấn đề bằng “nắm đấm” chính là đang làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần, thể chất của trẻ; là nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường; đồng thời cũng cần dạy cho trẻ kỹ năng kiềm chế hành vi, tuyệt đối không làm theo những hành động bạo lực trong các bộ phim. Việc nêu lên hiện thực gai góc trong phim ở góc độ nào đó là để phục vụ giáo dục nhận thức, chứ không phải cổ súy cho các hành động tiêu cực.

“Tôi không phản đối việc tái hiện những hiện thực xấu xí trong đời sống vào các bộ phim truyền hình, vì đó cũng là cách lên tiếng để bài trừ thói hư, tật xấu. Nhưng việc đưa những cảnh gây sốc, bạo lực vào phim với tần suất dày; miêu tả một cách trần trụi sẽ khiến người xem “chai lì cảm xúc”, dẫn đến sự vô cảm trước các vấn đề nóng của xã hội. Đạo diễn cần có sự tiết chế, thể hiện vấn đề nhạy cảm theo chiều hướng ước lệ, dưới lăng kính nghệ thuật chứ không nên càng trần trụi càng tốt”, ThS Vũ Thu Hà nêu quan điểm. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc