Chương trình truyền hình thực tế: “Bội thực” quảng cáo

VHO- Thời gian gần đây, nhiều chương trình truyền hình thực tế không chỉ đưa hình ảnh, logo quảng bá sản phẩm mà còn lồng ghép nội dung quảng cáo vào các trò chơi, cuộc trò chuyện của người tham gia một cách lộ liễu, vô tội vạ. Việc chèn quảng cáo vào chương trình giải trí dù không còn là câu chuyện mới, thế nhưng việc các nhà sản xuất lạm dụng đã khiến mọi việc đi quá xa.

Chương trình truyền hình thực tế: “Bội thực” quảng cáo - Anh 1

 Thương hiệu sản phẩm xuất hiện “hiên ngang” trong “Siêu tài năng nhí mùa 3”

Chèn quảng cáo vô tội vạ

Một số nhà sản xuất bày tỏ, ê kíp sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức chương trình nếu không có các nhà tài trợ. Do đó, họ buộc phải chấp nhận việc nhãn hàng đưa ra nhiều yêu cầu để đổi quyền lợi. Hiện không ít gameshow truyền hình đã và đang tích cực trong việc chèn logo thương hiệu sản phẩm rất to, ở vị trí dễ nhìn thấy để quảng cáo, thậm chí là đưa sản phẩm vào nội dung gây phản cảm cho người xem. Những người nổi tiếng tham gia sẽ được lồng ghép trong nhiều tình huống để nói về sản phẩm với lời khen rập khuôn “có cánh”. Như trong chương trình 2 ngày 1 đêm đang “làm mưa làm gió” thời gian qua, nhiều sản phẩm quảng cáo đã được thiết kế để trở thành thử thách cho người chơi vượt qua, hoặc sẽ là phần thưởng cho người chơi sau mỗi chặng thử thách…

Chuyện chưa dừng lại ở đó, khi chính những lời ca tụng quảng cáo quá đà đã khiến nghệ sĩ phải làm lố, “tung hứng” gượng gạo trên sóng truyền hình. Cũng trong chương trình gây “bão” gần đây là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, sản phẩm tài trợ luôn xuất hiện “khơi khơi” trong phần trò chuyện giữa những người nổi tiếng. Thậm chí, chương trình còn cố ý thiết kế nhằm tạo tình huống để người chơi nhắn nhủ nhau sử dụng sản phẩm của nhà tài trợ. Các đoạn quảng cáo còn chiếm rất nhiều thời lượng mỗi tập chiếu, trong khi các “chị đẹp” biểu diễn chỉ 3 phút chính thức, thì khoảng thời gian còn lại trong 2 tiếng đồng hồ, quảng cáo cứ thế xuất hiện nhan nhản.

Chuyện đi xa hơn khi việc quảng cáo quá nhiều đã làm nội dung chương trình trở nên mờ nhạt, chất lượng giảm sút. Cụ thể, với 2 ngày 1 đêm, các tập gần đây đã không còn nhiều yếu tố về văn hóa, cảnh đẹp vùng miền Việt Nam, mà chủ yếu là chơi các trò chơi trong những resort, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, nghệ sĩ liên tục tung hứng với những hành động, lời thoại khen nức nở sản phẩm quảng cáo như là nước mắm, tương ớt, dầu gội… Đây không phải lần đầu 2 ngày 1 đêm bị khán giả lên tiếng về việc đưa quảng cáo nhãn hàng quá lộ liễu lên sóng, trước đó, trong tập 30, chương trình đã bị phản ứng dữ dội vì quảng cáo bia. Hình ảnh những lon bia cùng logo thương hiệu xuất hiện xuyên suốt tập chiếu. Đáng nói, với nồng độ cồn thương hiệu bia này sở hữu, cơ quan chức năng đã đưa ra quy định “sản phẩm không được quảng bá ở thời điểm trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trong khung giờ từ 18-21h (trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài)”. Tuy nhiên, với khung giờ phát sóng là 20h40 phút, nhiều khán giả đã đặt dấu hỏi về sự “lách luật” của chương trình này.

Cùng “kịch bản” ấy, nếu như những mùa đầu tiên Sao nhập ngũ “ghi điểm” nhờ kịch bản chất lượng, dàn nghệ sĩ khách mời hài hước, với nhiều thử thách có độ khó cao nhưng vẫn thể hiện được sự vui nhộn song song với tác phong chỉnh tề trong môi trường quân đội, thì sang đến mùa thứ 13, những yếu tố “làm nên chuyện” dần giảm sút bởi bị lồng ghép quảng cáo quá lộ liễu. Ở những mùa trước, trong phần kiểm tra tư trang của chiến sĩ mới khi nhập ngũ, nếu vật dụng mang theo có xuất hiện nhãn hiệu không thuộc đơn vị tài trợ, chương trình đều làm mờ khi lên sóng, hay dù có quảng cáo thì cũng rất cẩn thận, không quá lộ liễu. Tới mùa này, trong ba lô của một chiến sĩ mới có mang theo mì gói là nhãn hàng tài trợ chương trình, và thế là câu chuyện quảng cáo cứ thế được kéo dài, nào là câu hỏi vì sao mang mì gói theo, nào là đọc slogan của sản phẩm… Thậm chí, ở khu vực căng tin, NSX còn dựng lên bốt quảng cáo dành riêng cho nhãn hàng, một hình ảnh khác xa thực tế tại môi trường quân đội, và kết quả, lượng khán giả theo dõi chương trình đã giảm sút đáng kể.

Chương trình truyền hình thực tế: “Bội thực” quảng cáo - Anh 2

 Trong những tập mới phát sóng, “2 ngày 1 đêm” chỉ tập trung quảng cáo sản phẩm thay vì quảng bá văn hóa như mùa trước

Khán giả lắc đầu ngao ngán

Theo các nhà sản xuất, một chương trình giải trí hiện nay có hai cách làm: Tự bỏ kinh phí thực hiện các tập và thu lại từ nguồn quảng cáo khi chương trình phát sóng hoặc tìm kiếm các nhãn hàng tài trợ để được đầu tư kinh phí sản xuất, đồng nghĩa sẽ có nhiều hình thức trả lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Và một trong những quyền lợi ấy là đưa nội dung quảng cáo sản phẩm lồng ghép vào chương trình. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế quy mô đều cần sự đầu tư lớn, vì vậy, không có nhà tài trợ thì đồng nghĩa chương trình không thể lên sóng. Câu chuyện ấy ai cũng hiểu và phần lớn đều thông cảm, nhưng xem các chương giải trí hiện nay, dường như quảng cáo mới là nội dung chính, khiến gameshow trở nên nhạt nhòa, không còn sức hấp dẫn.

Nếu đưa hình ảnh, lời giới thiệu của nhà sản xuất chừng mực và tinh tế hơn, cũng như không quá xoáy sâu vào sản phẩm, không tạo cảm giác rằng nghệ sĩ đang cố tương tác để lấy lòng nhãn hàng, thì đã không khiến người xem bị “bội thực”. Bởi, với các chương trình truyền hình thực tế mang tính trải nghiệm như 2 ngày 1 đêm, việc quảng cáo không cẩn thận đã và đang tạo tác dụng ngược và thậm chí là bị “tẩy chay”. Nếu sự lồng ghép ở mức khéo léo với tần suất vừa phải, thì các nhãn hàng cũng đã đủ gây chú ý cho người xem, chứ đâu cần phải “hiên ngang” xuất hiện dày đặc đến mức phản cảm như vậy.

Rõ ràng, với những gameshow vốn đã có kịch bản hay, thương hiệu được yêu thích sẵn thì bài toán cần giải quyết của các nhà đài hiện nay là lồng ghép quảng cáo phù hợp, sáng tạo, thông minh, khi ấy khán giả sẽ có cảm tình hơn với sản phẩm, dịch vụ. Tiết chế quảng cáo hiện vẫn là điều khó đối với nhà sản xuất, thế nhưng, nếu không tìm cách giải quyết sớm thì chắc chắn chương trình sẽ phải trả giá đắt cho sự “ngoan cố” này. 

BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc