Trên đồng lúa vàng có tiếng hát mãi xanh

VHO - Cây lúa hiện diện trong cuộc sống người Việt như một báu vật truyền đời. Hành trình của cây lúa được phản ánh sâu sắc và bền bỉ trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, từ ca dao tục ngữ đến dân ca hò vè. Tân nhạc Việt Nam dù định hình chưa tròn một thế kỷ, nhưng cũng đã có hàng loạt ca khúc viết về cây lúa Việt Nam. Hình ảnh đồng ruộng, hình ảnh cấy cày, hình ảnh gặt hái được đi vào ca khúc như một biểu tượng sinh động của văn hóa Việt Nam.

Trên đồng lúa vàng có tiếng hát mãi xanh - Anh 1

Tranh minh hoạ của Vũ Tuấn 

Ca khúc đầu tiên viết về cây lúa Việt Nam có lẽ là tác phẩm Ngày mùa của nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995). Ngày mùa ra đời năm 1948 thể hiện  không khí rạo rực “Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng” với hạnh phúc thu hoạch “Lúa lúa vàng, đồng  lúa bát ngát trời/ Bao tay liềm từng nhánh lúa thơm rơi/  Gánh thóc vàng từng lớp lớp gánh về/ Gánh thóc vàng từng sớm nắng trên đê”

Sáng tác muộn hơn Ngày mùa một chút, ca khúc Gánh  lúa của nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu âm nhạc truyền thống để tạo nên một bức tranh quê tưng bừng: “Mênh mông mênh mông sóng  lúa mênh mông/ Lúc trời mà  rạng đông rạng đông/ Bóng người thấp thoáng cuối đường  thanh vắng/ Bước đều mà quang gánh nặng vai/ Chơi vơi, chơi vơi gánh lúa chơi vơi/ Dân làng mà làng ơi, làng ơi/ Tiếng người ơi ới qua làn nắng  mới/ Vui chân đi tới phiên chợ mai/ Gánh gánh gánh, gánh thóc về/ Gánh gánh gánh, gánh thóc về/ Gánh thóc về, gánh thóc về/ Gánh về! Gánh  về! Gánh về! Gánh về!”. 

Thuộc thế hệ nhạc sĩ đầu tiên ở miền Nam tham gia cách mạng, nhạc sĩ Hoàng Việt (1928-1967) trước khi “ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa”, đã có ca khúc Mùa lúa chín vào đầu thập niên 90 của thế kỷ  trước: “Hò ơ, lúa chín vàng/ Hò ơ, lúa chín vàng/ Họp  từng đoàn, họp từng đoàn, tay liềm tay hái/ Lúa trên đồng trên rẫy, gặt lấy cho kịp ngày mùa/ Lúa trên đồng trên rẫy, ta thi đua gặt đừng cho thua”. 

Ở miền Trung, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) ngay từ ca khúc đầu tay viết trên quê hương An Nhơn, Bình Định đã khắc họa một khung cảnh Nắng lên xóm nghèo gắn bó với vẻ đẹp đồng lúa: “Đây xóm  nghèo quê tôi khi nắng lên/  Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến/ Đôi bướm vàng  nhởn nhơ khi quyến luyến/ Và cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên/ Bên luống cày đời vui đang nở hoa/ Ôi áo màu nâu tươi sao đẹp quá/ Chân bước về niềm vui dâng mái lá/ Vẳng nghe tiếng hò hát đưa duyên mặn mà”. 

Trong khát khao ca ngợi quê hương, hầu hết các nhạc sĩ đều không bỏ qua nét quyến rũ của cây lúa Việt Nam. Tiêu biểu phải kể đến hai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Hoài An. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1928- 2001) sau giai đoạn trầm tư Đường xưa lối cũ, đã chuyển sang dòng âm thanh rộn ràng về nhịp điệu nông thôn, với hai bài Tình ca trên lúa và Gạo  trắng trăng thanh. Cả hai ca khúc tôn vinh cây lúa của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đặt trên khung cảnh hẹn hò lứa đôi. 

Ca khúc Tình ca trên lúa miêu tả mối duyên nảy nở khi từ ngày vun xới đến ngày đơm bông: “Trên đồng lúa vàng, một bầy sơn ca/ Trên đồng  lúa vàng, chỉ mình đồi ta/ Chỉ mình đồi ta, nhìn mây, mây ngập ngừng, nhìn chim, chim ngại ngùng/ Nình nhìn nhau, nhìn được lòng thẹn thùng trên đôi má em hồng hồng/  Trên đồng lúa vàng, một  chiều yêu em/ Trên đồng lúa vàng, ngàn đời không quên/  Ngàn đời không quên, vừng trăng trên trời, ngàn sao cao vời vợi/ Nình nhìn nhau, nhìn được tình phơi phới trong mắt em tuyệt vời/ Ta yêu nhau trên đồng lúa vàng/ Ta quen nhau ngày lúa còn xanh/ Ta quen nhau khi bày én lượn, đôi cò nào hạ cánh vu vơ/ Ta yêu  nhau khi ngọn lúa vàng/ Ngọn gió chiều thoạt mát đưa ru”. 

Ca khúc Gạo trắng trăng  thanh tiếp tục miêu tả mối  duyên khi lúa vàng thành gạo  trắng: “Trong đêm thanh trăng  tàn canh/ Bao tiếng ca theo  tiếng chày nhanh nhanh/ Dư  âm xa còn vang mãi/ Trong ánh đêm trăng tà/ Muôn câu  hò hò hò khoan/ Đang mãi vang trong đêm dài/ Gái trai làng chiều hôm nay/ Đang mãi say theo tiếng chày/ Đêm chơi vơi gạo cười tươi/ Như truyền hơi ấm, ấm lòng người”. 

Cũng theo đuổi dòng nhạc quê hương, nhạc sĩ Hoài An (tên thật Nguyễn Đắc Tịnh, 1929-2012) kết hợp với hai người bạn để viết ba ca khúc về đồng xanh. Ca khúc Trăng lúa  miền Nam được nhạc sĩ Hoài An viết chung với Hồ Đình Phương: “Ruộng miền Nam trập trùng dâng sóng lúa biếc  xanh như nước đại dương/ Rồi mùa lên thêm duyên bông  lúa chín thắm tươi hơn màu trăng hiền/ Là nơi đây trai  gái yêu quê hương cho ấm tình thương/ Chung góp tay cầy bừa trưa nắng chiều sương/ Câu hát ban mai như còn lắng  đêm trường”. 

Ca khúc Tình lúa duyên trăng cũng được nhạc sĩ Hoài  An viết chung với Hồ Đình Phương: “Mây bay qua ánh trăng chiếu dần vào ruộng  đồng bao la/ Nghe xa xa mấy câu hát vè vọng từ đầu thôn đưa về/ Quê hương ta đất xưa  vốn nghèo nhưng giàu tình  thương nhau/ Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu/ Gái  trai biết làm trọn lời thề ghi ban đầu/ Ðêm hôm qua gió  lay lá cành chờ cảnh đẹp trăng  thanh/ Theo dư âm tiếng ru quyện tròn chừng buộc vào  mối duyên lành/ Thương cho nhau nắng mưa cấy cày ngoài ruộng đồng nông sâu/ Sớm hôm tưới trồng nào quản đời dãi dầu/ Vững tin có ngày mình được nhìn lúa xanh màu”. 

Còn ca khúc Trăng về thôn dã được nhạc sĩ Hoài An viết chung với Huyền Linh: “Mây trắng bay qua khi trăng dần lan/ Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang/ Đoàn người  say sưa vui tiếng hát vang/ Lúa dâng sữa ngọt đậm tình  ta với nàng/ Anh có nghe chăng dư âm đồng quê/ Khi  trăng ngàn mờ tỏa chiếu trên  đê/ Đoàn người nông phu vui  gánh lúa về/ Bóng trai gái  làng hẹn hò nhau ước thề”. 

Một nhạc sĩ vốn rất nổi tiếng với những bản tình ca đô thị là Lam Phương (1937-2020) cũng có sáng tác viết về cây lúa mang tên Khúc ca ngày mùa. Sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá, Kiên Giang nên ký ức miệt  đồng vẫn ngân nga trong lòng nhạc sĩ Lam Phương: “Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát/ Ước mong sao lúa  hai mùa thơm ngát/ Lúa về  mang bao khúc ca tuyệt vời/  Này anh em ơi/ Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh/ Giã  cho khéo kẻo trăng phai rồi/  Khoan hò khoan, tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài/ Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế/ Hát lên đi để nung lòng nhân thế/ Để đồng xanh  vui khúc ca ngày mùa”. 

Con đường âm nhạc có sự đồng hành của con đường lúa gạo gần một thế kỷ qua, đã góp vào đời sống tinh thần người Việt nhiều ca khúc nổi  tiếng. Thế hệ nhạc sĩ kế cận, vẫn tiếp tục mạch cảm hứng lành mạnh và xao xuyến này. Ví dụ, ca khúc Lúa mùa duyên  thắm của nhạc sĩ Trịnh Hưng: “Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi/ Nhịp chày  rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời/ Làng thôn tôi mừng  hát vui mùa lúa lên màu tươi/ Hạt lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cày  xới/ Kìa trăng soi bông lúa  vàng gió reo vui miền Nam/ Đồng mênh mang cô gái  ngoan hát vang lên dịu dàng/  Này ai ơi miền nước tôi ruộng  lúa ôm bờ đê/ Người sống vui  tình thắm vương hồn quê/ Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn  thề”. Hoặc ca khúc Hương lúa miền Nam của nhạc sĩ Minh Vy: “Sương trắng bay bay trên  đồng lúa vàng/ Cánh cò chao lượn nắng mới khắp miền quê/ Trâu vươn vai nhịp nhàng cùng chim sáo/ Ruộng lúa reo  vang sương mai bừng sáng”. 

Nhìn lại những ca khúc viết về cây lúa, có lẽ không thể  không nhắc đến Hát về cây lúa hôm nay của nhạc sĩ Hoàng  Vân (1930-2018). Ca khúc Hát  về cây lúa hôm nay ra đời năm 1975, nằm trong loạt sáng tác  của nhạc sĩ Hoàng Vân hòa  điệu cùng non sông thống nhất. Được xem như “nghề lúa ca”, sau gần nửa thế kỷ, ca khúc Hát về cây lúa hôm nay vẫn nồng nàn: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/ Và người trồng lúa cho quê hương/ Quê hương ơi có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/ Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ Ngày mai bắt đầu từ hôm nay/ Được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai/ Ăn quảngọt ngon nhớ  người vun trồng/ Bàn tay quê  hương vỗ về yêu thương”...

TUY HÒA

Ý kiến bạn đọc