Chuyện về "Mùa xuân đầu tiên"

VHO - Mùa xuân đầu tiên được Văn Cao viết vào mùa xuân 1976 - Mùa xuân đầu tiên đất nước liền một dải Bắc - Nam, mùa xuân thống nhất. Nếu Tiến quân ca là bản hành khúc đưa người lính Việt Nam ra đi, dấn thân vào nơi sa trường để giành chiến thắng trước xâm lăng từ mùa đông 1944, thì Mùa xuân đầu tiên là bản luân vũ đưa người lính trở về sau ngày chiến thắng của dân tộc. Một cuộc trường chinh cho khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do của muôn con tim trải dài hơn 30 năm.

Chuyện về 

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ngay sau khi hoàn thành, Mùa xuân đầu tiên được in trên báo Sài Gòn giải phóng số Tết 1976, nhưng phải chờ đến sau khi Văn Cao tạ thế 10.7.1995, mùa xuân 1996 - tức là sau 20 năm nhạc phẩm ra đời, Mùa xuân đầu tiên mới được loang sâu vào đời sống và trở thành bản “xuân ca” của mọi thế hệ từ đó đến nay. Có lẽ trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc của Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên là một nhạc phẩm có số phận đặc biệt nhất. 

Nhìn lại gia tài âm nhạc của Văn Cao từ nhạc phẩm đầu tiên Buồn tàn thu viết vào cuối thu 1939, ông có ba nhạc phẩm viết về mùa xuân. Đấy là Bến xuân viết vào mùa xuân 1942, là Serénade viết vào mùa xuân 1948 và Mùa xuân đầu tiên viết vào mùa xuân 1976. Mỗi bài có một số phận riêng. 

Bến xuân được Văn Cao viết từ một thoáng rung động với một thiếu nữ đất Cảng tên Oanh, bởi thế nên ca từ mở đầu nhạc phẩm vốn là: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Oanh đến tôi một lần”. Sau để có thể phổ biến rộng rãi, Văn Cao đã đổi thành “Em đến tôi một lần”. Bến xuân được hát khắp nơi trên đất nước. Người có công reo rắc nhạc phẩm này cùng nhiều nhạc phẩm khác của Văn Cao chính là Phạm Duy, khi ấy đang đi xuyên Việt cùng gánh hát Đức Huy. Nhưng do biến chuyển của cách mạng, nhất là sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2.9.1945 rồi ngay sau đó chưa đầy một tháng là sự kiện “Nam Bộ  kháng chiến” ngày 23.9.1945 với dồn dập những đoàn quân Nam tiến, trước hiện trạng này Văn Cao đã khoác cho Bến xuân một trang phục mới mang tên Đàn chim Việt. Nói đúng hơn là thay cho bộ cánh lãng mạn của giai điệu này bộ quân phục của người lính vệ quốc quân. Có lẽ, chỉ có Văn Cao mới đủ tài năng và bản lĩnh để tạo nên cuộc chuyển đổi vô tiền khoáng hậu này. Một cuộc chuyển đổi không dấu vết. Nếu ai chưa từng biết Bến xuân, chắc chắn sẽ đinh ninh Đàn chim Việt là nhạc phẩm được Văn Cao viết cho cuộc Nam tiến của những người lính. Còn người đã biết Bến xuân thì sẽ thấy ngạc nhiên khi tác giả chuyển đổi ca từ ngọt đến thế. Cứ như không hề có cuộc chuyển đổi từ “Nhà  tôi bên chiếc cầu soi nước - em đến tôi một lần” đến “Về đây khi gió mùa thơm ngát - ôi lũ chim giang hồ”. Và từ đấy, giai điệu có một cuộc sống lưỡng sinh giống như con cá thòi lòi ở đất mũi Cà Mau. Ngay năm 2023  vừa qua, dịp kỷ niệm 100 năm ngày  sinh Văn Cao (1923-2023), ngay tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào tháng 8 thì diễn ra chương trình ca nhạc mang tên  “Đàn chim Việt”. Còn vào đúng sinh nhật ông thì diễn ra chương trình ca nhạc “Bến xuân”. 

Chuyện về 

Serénade là khúc “xuân ca” được  Văn Cao viết ở Hạ Hòa, Phú Thọ mùa  xuân 1948. Đấy là một khúc nhạc chiều chứa đựng khát khao trở về Hà Nội của  những người ra đi kháng chiến: 

Lòng mùa xuân như nước dâng pha  hòa với máu về 

Dòng sông xanh nước mát trôi trên  triền sông Hồng 

Lắng nghe mùa xuân 

Tiếng chim nào hót vui (ơ) 

Bao mùa xuân đã qua 

Nay mùa xuân tới đây 

Khúc “xuân ca” được Văn Cao viết  nhân dịp cậu con trai đầu lòng Văn Thao (tên dòng sông Thao) ra đời mà  trước đấy, Văn Cao đã gửi gắm trong câu kết ở Trường ca sông Lô: “Mùa xuân tới - nước băng qua ngàn nước  in ven bờ xanh ôm bóng tre…”. Đến  Serénade, thì ông rưng rưng với những mất mát, những hy sinh dâng hiến mà bao người để có ngày về: 

Từ con sông Hồng như sông máu

Bao máu người dân đang đổ dồn về  quê cũ 

Nước theo đoàn quân về mênh  mang khắp đầu ô 

Nhạc phẩm viết ở thể ba đoạn đơn  A-B-Á, đoạn kết là khát vọng được gửi  gắm vào giai điệu: 

Giờ dòng sông như nước pha hòa với máu về 

Chờ mùa tới chiến thắng là ta bên đoàn quân về 

Đàn vướng hương lòng 

Đàn vướng hương rừng 

Trăng vừa lên sương 

Hưm… hưm… hưm 

Serénade đã kịp loang ra ở đất Tổ Hùng Vương, song có lẽ do quan niệm tuyên truyền thời ấy, nên nó đã nhanh chóng được “khoanh lại” một phần nữa vì giai điệu của nó đậm chất hàn lâm. Nhưng khi đã loang ra thì sẽ có người nhớ. Có khi càng hàn lâm lại càng được nhớ. Quả nhiên người đã thuộc lòng nó chính là nhà văn Châu Diên (nhà giáo Phạm Toàn), khi ấy đang là học sinh phổ thông trường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ. Khi sinh thời, trò chuyện hằng ngày cùng tôi, Văn Cao cũng không hề nhắc tới khúc “xuân ca” này, nhưng  vào một mùa xuân đầu thế kỷ mới, anh Châu Diên đã ký âm lại Serénade tặng  cho tôi trước sự ngạc nhiên của tôi. Serénade không chết yểu. Nó vẫn sống  trong lòng những người từng hát nó. Và họ đã truyền lại thế hệ sau để nó mãi trường tồn. 

Mùa xuân đầu tiên khi được viết ra vào mùa xuân1976 còn không được may mắn phổ biến như bản Serénade. Sau khi in trên báo Sài Gòn giải phóng nó lập tức được cất vào tủ, mặc dù Văn Cao đã đưa đến Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn được thu thanh. Nhưng nhạc phẩm không được thu thanh không phải nó không đáng được thu thanh mà vì người viết ra nó lúc ấy vẫn đang còn bị đặt “vòng kim cô” trên các phương tiện thông tin ở Hà Nội. May sao, nó đã được in trên báo. Có lẽ do báo ở Sài Gòn mới giải phóng. May nữa là chỉ một năm sau, khi cô con gái  Hương Hương sang học âm nhạc ở Liên Xô, Văn Cao đã nhờ con gái đưa  Mùa xuân đầu tiên cho Nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô để ấn hành trong một tập toàn nhạc phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Liên Xô đã từng in Làng tôi của ông với bản dịch tiếng Nga từ khi ông sang thăm đất nước Xô viết trong phái đoàn ta năm 1953. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - bạn của Hương Hương và cũng du học cùng - kể lại rằng: Khi Mùa xuân đầu tiên được in ra và có nhuận bút, Hương Hương và Minh Châu đã cùng đi mua màu để gửi về cho Văn Cao vẽ. Nhưng cũng chỉ  đến thế. Tập nhạc phẩm được gửi về, Văn Cao cũng đem cất vào tủ như một kỷ niệm. Mọi chuyện tưởng đã an bài.  

Mùa xuân đầu tiên sẽ mãi mãi ngủ yên trong chiếc tủ cũ kỹ của Văn Cao. Song sự sống của một nhạc phẩm đâu dễ chết yểu như vậy. Nó vẫn có số phận đặc biệt của nó. Sau mùa xuân 1985, Nghĩa Bình (giờ đã tách thành Quảng Ngãi và Bình Định) là tỉnh phía Nam đầu tiên mời Văn Cao cùng tôi và Nguyễn Trọng Tạo vào thâm nhập thực tế và sáng tác những tác  phẩm về tỉnh nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất (1975-1985). Văn Cao rất cảm động. Để đáp lại thịnh tình của tỉnh, ông bàn với chúng tôi nên làm một card-pastal tự giới thiệu mình để tặng cho những người gặp gỡ. Trong 4 trang card-pastal thì trang đầu là chân dung nghệ sĩ ký họa, hai trang giữa là một nhạc phẩm, còn trang cuối là một bài thơ. Card sẽ được in selen, lúc ấy đang thịnh hành ở Hà Nội. Một ông bạn tôi làm chủ xưởng in sẽ in miễn phí cho ba thày trò. Với nội dung của  4 trang, tôi với Tạo thì dễ vì chúng tôi đã đi lại với Nghĩa Bình nhiều. Còn  Văn Cao, chân dung tự họa ở trang đầu thì quá đẹp rồi. Trang cuối, Văn Cao tự làm một bài thơ về Quy Nhơn: “Một nửa mình con trai - ngày - lấp  lánh sắc cầu vồng…”. Rất độc đáo. Còn hai trang giữa thì chọn nhạc phẩm gì? Tôi đề xuất in ngay Quốc ca Việt  Nam. Văn Cao xua tay nói rằng, tôi đã  thúc giục người lính ra đi bằng Tiến quân ca. Nay tôi muốn in một nhạc phẩm đưa người lính trở về. Vừa nói,  ông vừa lôi ở trong tủ ra tập nhạc Việt  Nam do Nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô in, trong đó có bài Mùa xuân đầu tiên bằng tiếng Việt và tiếng Nga. Tôi cầm lên nhẩm giai điệu thì tự nhiên  ứa nước mắt. Giai điệu hay và cảm  động như một khúc khải huyền cho  mùa đoàn tụ mà Văn Cao gọi là “mùa  bình thường”. Một giai điệu tầm vóc  như thế mà mãi đến bây giờ tôi mới  biết. Thật chậm trễ, vậy là Mùa xuân đầu tiên được nằm ở hai trang giữa.  Có lẽ, đấy là lần đầu tiên nó được hiện  diện với số ít người là cán bộ lãnh đạo  tỉnh Nghĩa Bình. Chuyến đi này, Văn Cao làm được chùm thơ về Quy Nhơn  - chùm thơ đã được giới thiệu trên báo  Văn nghệ sau rất nhiều năm im lặng của Văn Cao. 

Nhưng Mùa xuân đầu tiên thì vẫn chưa được vang lên. Ngay cả năm 1988,  năm diễn ra mấy chục “Đêm nhạc Văn  Cao”, nó vẫn chưa được giới thiệu.  Năm ấy, nó chỉ được in trong tập thơ - nhạc - họa Thiên Thai của Văn Cao do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Năm  1991, Hội Việt kiều yêu nước Pháp  đặt tôi làm phim về Văn Cao, tôi đã mời ca sĩ Quốc Đông thu thanh Mùa xuân đầu tiên để lồng vào phim. Năm  1993, trong chương trình ca nhạc kỷ  niệm 70 năm ngày sinh Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên được nữ ca sĩ Minh Hoa trình bày. Song nó vẫn chưa được biết  đến, chỉ đến mùa xuân 1996, sau khi Văn Cao tạ thế, Mùa xuân đầu tiên mới bắt đầu loang sâu vào đời sống cho đến bây giờ. Một nhạc phẩm được viết ra phải mất 20 năm mới thấm vào công chúng, có lẽ đó chính là số phận  đặc biệt của Mùa xuân đầu tiên. Nó xuất hiện muộn trong đời sống nhưng sẽ ở lại bền bỉ cùng dân tộc bằng tầm vóc nhân loại của chính nhạc phẩm. Tầm vóc ấy dựng lên sừng sững trong  chuyển điệu ở chuyển đoạn: “Ôi ngày ấy yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi ngày ấy yêu quê hương làm sao một cuộc đời yên ấm/ Từ đây người biết quê người/Từ  đây người biết thương người/ Từ đây  người biết yêu người…”. Một giai điệu đã thấm vào cơ thể từng con người, để rồi biết đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu.

NGUYỄN THỤY KHA

Ý kiến bạn đọc