Về công tác tổ chức, quản lý lễ hội: Nếu không quyết liệt, lễ hội sẽ ngập tràn tiêu cực, biến tướng

VH- Chưa bao giờ các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội lại được ban hành liên tiếp như thời gian gần đây. Bám sát thực tiễn, kịp thời chấn chỉnh những phản cảm, biến tướng, bạo lực…, sự quyết liệt trong công tác quản lý trên thực tế đã mang đến chuyển biến tích cực trong bức tranh có nhiều gam màu sáng - tối là lễ hội.

Nhiều như… văn bản quản lễ hội (!)
Vệt văn bản thể hiện dấu ấn quản lý và quan điểm xuyên suốt của Bộ VHTTDL, không cho phép tổ chức những hội thi chọi trâu trái phép, trục lợi tại các địa phương đã liên tiếp được ban hành trong suốt hai mùa lễ hội 2016, 2017. Khi dậy lên làn sóng dư luận trước sự lan tràn của những hội thi nhuốm sắc màu bạo lực, Bộ VHTTDL đã liên tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương không tổchức những hoạt động lợi dụng lễ hội để trục lợi. “Trong mùa lễ hội 2016, Bộ đã gửi công văn chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở VH & TT Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bình Phước, Sơn La, yêu cầu chấn chỉnh, xử lý sai phạm tại các hội thi chọi trâu trái phép; đồng thời kiên quyết không cho tái diễn những lễ hội kích động bạo lực này”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết.
Mùa lễ hội 2017, Bộ tiếp tục gửi văn bản yêu cầu hai tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái chấn chỉnh, xử lý sai phạm khi để diễn ra các hội thi chọi trâu trái phép trên địa bàn.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt này được thể hiện tại Thông tư 15/2015 quy định về tổ chức lễ hội do Bộ VHTTDL ban hành vào cuối năm 2015, ngay trước thềm mùa lễ hội 2016, nêu rõ: Không tổ chức các lễ hội có nội dung: kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác và mô tả những hành động tội ác khác…
Trước đó, khi lễ hội làng Ném Thượng gây xôn xao dư luận với hủ tục chém lợn giữa sân đình; lễ hội Cầu Trâu tại các xã Hương Nha, Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ) gây phản cảm với hình ảnh đập đầu trâu đến chết, cùng với các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã trực tiếp đối thoại với cộng đồng ở Hương Nha, Xuân Quang để đi đến thống nhất loại bỏ hủ tục đập đầu trâu trong lễ hội. Lễ hội làng Ném Thượng sau các hội thảo, tọa đàm khoa học do Bộ VHTTDL và địa phương tổ chức, cuối cùng, hủ tục chém lợn công khai đã được cộng đồng nhất trí loại bỏ và thực hiện trong hai mùa lễ hội 2016, 2017.
Tại hai lễ hội cướp phết đã trở thành điểm nóng dư luận trong mùa 2016: Bàn Giản (Vĩnh Phúc) và Hiền Quan (Phú Thọ), ngay từ sớm, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với cộng đồng địa phương tại Bàn Giản, Hiền Quan tìm giải pháp chấn chỉnh. Một mùa lễ hội “sạch” đã diễn ra trong năm 2017 khi người dân Bàn Giản quyết định thay thế việc cướp phết bằng nghi thức mang tính trình diễn. “Kịch bản” tổ chức cướp phết tại Hiền Quan dù đã “vỡ” khi hoạt động tranh cướp phết tiếp tục tạo nên sự hỗn loạn nhưng cũng đã đặt ra những vấn đề cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong mùa lễ hội năm sau.
“Bộ VHTTDL luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng, chủ động khi mỗi mùa lễ hội bắt đầu. Đơn cử, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2017, Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 đã được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp chủ trì, chỉ đạo những giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý khi mùa lễ hội mới đang đến gần.
Tháng 10.2016, Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Ngày 28.12.2016, Bộ gửi văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL, Sở VH & TT, Sở Du lịch các tỉnh, thành trực thuộc TƯ yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội đầu xuân 2017…”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết.

Về công tác tổ chức, quản lý lễ hội: Nếu không quyết liệt, lễ hội sẽ ngập tràn tiêu cực, biến tướng - Anh 1

Về công tác tổ chức, quản lý lễ hội: Nếu không quyết liệt, lễ hội sẽ ngập tràn tiêu cực, biến tướng - Anh 2

Về công tác tổ chức, quản lý lễ hội: Nếu không quyết liệt, lễ hội sẽ ngập tràn tiêu cực, biến tướng - Anh 3

Cùng với việc kịp thời ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, lãnh đạo Bộ VHTTDL và các đơn vị chức năng của Bộ trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam), Lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), đền Đông Cuông (Yên Bái), đền Bảo Hà (Lào Cai), chùa Hương (Hà Nội). Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ VHTTDL kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam)


Ngồi ghế “nóng”, phản ứng nhanh
Cùng với những diễn biến thời sự trong mùa lễ hội đang diễn ra, Bộ VHTTDL đã soạn và có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm (Tờ trình số 17/TTr- BVHTTDL ngày 24.1.2017). Gần đây nhất, ngày 15.2, Bộ VHTTDL tiếp tục gửi Công văn số 515/ BVHTTDL- VHCS tới các Bộ, ngành TƯ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ yêu cầu tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. 
Trước và trong mùa lễ hội, hàng chục đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị chức năng là Thanh tra, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức thị sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số di tích, lễ hội trọng điểm như lễ hội Đền Trần ở Nam Định, Thái Bình; lễ hội Đền Trần Thương (Hà Nam)…
“Song song với hoạt động thanh kiểm tra, Bộ trưởng, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị chức năng cũng đã thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin, thể hiện quan điểm, định hướng chỉ đạo về quản lý lễ hội trên Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các phương tiện truyền thông. Thông qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh các địa phương để xảy ra những biến tướng, tiêu cực trong lễ hội. Mặt khác, hầu như không có một điểm nóng lễ hội nào lại thiếu vắng các cán bộ giám sát do Bộ phân công…”, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định.
Bà Trịnh Thị Thủy cũng chia sẻ: “Ngồi ghế nóng, phản ứng nhanh, ngay từ đầu mùa lễ hội, lãnh đạo Cục luôn giám sát diễn biến, tình hình, chủ động ứng phó với những biến tướng, tiêu cực nảy sinh. Vì vậy, trước các hiện tượng phản cảm như nhà sư ném lộc ở chùa Hương, hỗn loạn cướp lộc ở Đền Sóc (Hà Nội)…, lãnh đạo Cục đã trực tiếp nhắc nhở Sở VH&TT và BQL các di tích kịp thời chấn chỉnh”.
Tại lễ hội truyền thống Đông Cuông (Yên Bái), sau thông tin báo chí về hủ tục phản cảm treo cổ trâu, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái không được tái diễn hủ tục tại lễ hội truyền thống 2017. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, cùng với sự giám sát của lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, lễ hội Đông Cuông 2017 đã không diễn ra nghi thức phản cảm, khiến dư luận không đồng tình.
“Nếu không sát sao, quyết liệt thì bức tranh lễ hội, đặc biệt là những lễ hội thu hút đông người rất dễ nảy sinh những biến tướng. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước nhưng công tác quản lý lễ hội phải thừa nhận vẫn chưa thể khắc phục triệt để những tiêu cực, nổi cộm.
Tại hội nghị sơ kết nhanh những tuần đầu tiên của mùa lễ hội 2017 (dự kiến diễn ra vào tuần tới), Bộ sẽ chính thức nhắc nhở, yêu cầu các địa phương còn tồn tại những vấn đề phản cảm phải chấn chỉnh, xử lý sai phạm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Trong thời gian tiếp theo của mùa lễ hội 2017, Bộ VHTTDL vẫn luôn sẵn sàng, chủ động để kịp thời có các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề nổi cộm…”, bà Thủy cho biết.

 “Phải nói rõ tiếp thu gì, giải trình ý kiến nào? ” 
...Như tin đã đưa, ngày 14.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. 
Tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ được giao 282 nhiệm vụ, đã hoàn thành 158 nhiệm vụ, có bốn nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành – đều thuộc lĩnh vực xây dựng thể chế. Bộ cần làm rõ về bốn nhiệm vụ này, đồng thời giải trình, nêu hướng khắc phục về những tồn tại, hạn chế trong 5 lĩnh vực mà Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác truyền đạt. 
Mở đầu phần giải trình, Bộ VHTTDL cho biết nguyên nhân chung dẫn đến các nhiệm vụ quá hạn là do phải chờ ý kiến của các Bộ liên quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các đơn vị của Bộ giải trình cụ thể về từng nhiệm vụ quá hạn, văn bản hiện đang nằm ở đâu, vướng mắc ở chỗ nào. “Nếu nằm tại VPCP thì cũng nói rõ, chúng tôi sẽ nhận lỗi”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ. 
Vụ Kế hoạch-Tài chính thuộc Bộ VHTTDL cho biết, đối với nhiệm vụ xây dựng nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực VHTTDL - quá hạn 1 tháng 14 ngày, Bộ đã nhận được ý kiến của năm Bộ, 39 tỉnh thành, Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định dự thảo. Cuối năm 2016, VPCP có văn bản yêu cầu đôn đốc, bổ sung, hoàn thiện, nhưng không nêu rõ nội dung nào cần tiếp thu, hoàn chỉnh. 
Ngay lập tức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu vụ chủ trì của VPCP giải trình và nhận lỗi với Bộ VHTTDL. “Việc này VPCP cũng đang chấn chỉnh, khi gửi văn bản cho Bộ khác thì phải nói rõ cần tiếp thu nội dung gì, giải trình về ý kiến nào, không nói chung chung”. 
Khi được cấp dưới cho biết đã trao đổi cụ thể với Bộ VHTTDL qua điện thoại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình. “Nói miệng là nói miệng, văn bản là văn bản. Không thể đưa ra một câu “yêu cầu tiếp thu, giải trình” vô cảm như vậy. Nếu các bộ có ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ mời các Bộ trưởng ngồi lại, thống nhất, còn nếu cứ văn bản đẩy đi đẩy lại thì không xử lý được. Trong việc này có một phần trách nhiệm của VPCP”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ và thống nhất, nhiệm vụ này phải xong trong tháng 2.2017... (Nguồn: Chinhphu.vn)

Mai An

Ý kiến bạn đọc