Nhiều lễ hội lại "vỡ kịch bản"

VH- Bên cạnh những lễ hội đã thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ VHTTDL là không để tái diễn những hình ảnh phản cảm từ những năm trước như lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái), lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội đả cầu, tranh phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc)... thì vẫn còn nhiều lễ hội “vỡ trận”: Nghiêm cấm các trò chơi cờ bạc, điện tử, nghiêm cấm nhảy đồng, mở loa công suất lớn, và đặc biệt là nghiêm cấm tình trạng “ngả nón xin tiền”… là những khẳng định được BTC Hội Lim 2017 đưa ra trước ngày khai hội nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn; tình trạng hỗn loạn tại Lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) tái diễn trước sự bất lực của BTC; lễ đâm trâu vẫn diễn ra tại Nam Trà My (Quảng Nam)... Đó là những ghi nhận của P.V Báo Văn Hoá có mặt ở những "điểm nóng" về lễ hội những ngày vừa qua.

Lễ hội phết Hiền Quan: Ban tổ chức bất lực
 
Đó là thừa nhận của Ban tổ chức về tình trạng hỗn loạn tại Lễ hội phết Hiền Quan năm 2017 diễn ra từ ngày 7- 9.2.2017 (tức ngày 11, 12, 13 tháng Giêng năm Đinh Dậu) tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. 

Nhiều lễ hội lại

Người dân trật tự chờ xem trận tranh phết...


Như mọi năm, phần lễ và hội đánh phết được hàng vạn người dân địa phương và du khách rất thích thú chờ đợi và theo dõi. Theo ông Bùi Văn Thanh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, điểm mới của năm nay là thay vì tất cả mọi người được vào cướp phết tự do thì xã chọn ra từ đội ngũ thanh niên trong xã hai đội mỗi đội 50 người, được thắt đai phân biệt để vào bãi chơi tranh phết. Bãi đánh phết năm nay cũng được quy hoạch lại, bố trí ở khu ruộng rộng 1.500m2 ngay cạnh nơi hành lễ thay vì ở bãi cát như năm ngoái, bốn góc là bốn cây nêu, xung quanh được chăng dây giới hạn. Ban tổ chức đã bố trí một trọng tài chính, hai trọng tài biên có mặt trong sân để phân định thắng thua các tình huống. Ngoài lực lượng an ninh và y tế được phép vào sân trong một số tình huống nhất định, tất cả những người còn lại tuyệt đối không ai được tự ý vào trong. Những quy định mới này được kỳ vọng là sẽ giảm được tình trạng có quá đông người tranh cướp phết gây lộn xộn và có thể xảy ra ẩu đả. Vào chiều ngày 8.2, sau những nghi lễ truyền thống của lễ hội được thực hiện bởi các bậc cao niên trong xã, buổi chơi tranh phết đầu tiên đã được tổ chức vào lúc 15h. Quả phết đầu tiên được hai đội chơi tranh quyết liệt trong gần một giờ đồng hồ. Theo kế hoạch, lẽ ra quả phết thứ hai và thứ ba được đưa vào cuộc chơi chỉ sau mỗi 15 phút sau quả phết thứ nhất được tung ra nhưng Ban tổ chức đã không thể thực hiện được. Hàng trăm thanh niên hò hét, ùn ùn tìm mọi cách phá rào để vào sân tham dự trò chơi. Khi quả phết thứ hai được tung vào sân, lực lượng an ninh đã bất lực nhìn hàng ngàn người lao vào sân, quyết tranh được quả phết mới mong muốn được may mắn cả năm. Buổi chơi tranh phết đầu tiên của lễ hội phết năm nay được coi là thất bại khi Ban tổ chức không thể thực hiện theo kịch bản đã dự kiến.

Nhiều lễ hội lại


... Và ùa vào giẫm đạp lên nhau khi trò tranh phết bắt đầu

Nhiều lễ hội lại

Vỡ trận hoàn toàn!


Trước đó, vào sáng 9.2, tại cuộc làm việc với đoàn công tác kiểm tra lễ hội của Bộ VHTTDL do ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở dẫn đầu, ông Phan Văn Ngọc Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, sau buổi chơi tranh phết đầu tiên, Ban tổ chức đã rút kinh nghiệm và quyết định vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch và tổ chức buổi chơi tranh phết thứ hai vào chiều 9.2 và tăng cường lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn tại lễ hội. Phát biểu tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Công Trung lưu ý Ban tổ chức, nếu nhận thấy không thể kiểm soát được trật tự tại buổi chơi phết thì cần có phương án dừng ngay cuộc chơi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và những người chơi tranh phết… Tuy nhiên, vào 15h chiều qua, buổi chơi tranh phết thứ hai vẫn diễn ra với lượng người xem đông gấp nhiều lần hôm trước. Và tình trạng “vỡ kịch bản” lại tái diễn khi hàng ngàn người lao vào sân tranh cướp phết trước sự bất lực của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại lễ hội. Sân tranh phết ngay lập tức trở lên hỗn loạn, rất nhiều người bị xô ngã và mắc kẹt trong đám đông. Để tranh cướp và bảo vệ quả phết vừa lấy được, hàng chục thanh niên thậm chí đã không ngần ngại lao xuống ao sâu trong thời tiết giá lạnh. Đại diện Ban tổ chức đã thừa nhận không thể thực hiện theo kịch bản đã định trước, đồng nghĩa với việc cả hai buổi chơi tranh phết, phần hấp dẫn nhất của lễ hội đã thất bại.


Quốc Hùng

 

Yên Bái: Không treo trâu tại lễ hội Đền Đông Cuông

Trâu được đóng gông và quây kín trong khu vực tế thần

 Có mặt tại chính hội Lễ hội Đền Đông Cuông 2017 vào đêm mùng 8 rạng sáng 9.2, PV Văn Hóa chứng kiến Ban tổ chức đã thay nghi lễ treo trâu bằng cách mổ trâu thông thường để tế lễ và khu mổ trâu cũng được che kín. Trước đó, trao đổi với PV Văn Hóa, ông Lê Xuân Định - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL và cam kết của lãnh đạo tỉnh, năm nay lễ hội Đền Đông Cuông vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, một con trâu trắng vẫn được mổ để tế lễ thần linh nhưng sẽ không còn cảnh treo trâu đến chết trước sự chứng kiến của người dân và du khách như mọi năm. Thay vào đó, trâu sẽ được mổ ở nơi kín đáo không để du khách chứng kiến, theo dõi, sau đó, thịt đưa vào để tế thần. Ông Định cũng cho biết, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái cùng một số phòng, ban chức năng liên quan của Sở đã ứng trực 24/24h tại lễ hội để cùng địa phương và Ban tổ chức thực hiện đúng cam kết bỏ hủ tục treo trâu đến chết…

Đúng 0h ngày 9.2, toàn bộ khu mổ trâu đã được quây kín bằng bạt. Chỉ có những người trong nhóm mổ trâu làm việc khẩn trương để kịp tế thần. Trong vòng 15 phút, công việc của nhóm thợ mổ đã tiến hành xong, khu mổ trâu được dỡ bỏ ngay để người dân và du khách cùng tham gia nghi lễ tế thần. Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương phối hợp với Sở VHTTDL tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân địa phương và nhận được sự đồng thuận cao về sự thay đổi trong cách tế thần của lễ hội năm nay. Dự kiến, trong những lễ hội tiếp theo, hủ tục treo trâu sẽ được địa phương loại bỏ hoàn toàn. 

Hội Lim: Nhận tiền cả trên bến, dưới thuyền 
 
Nghiêm cấm các trò chơi cờ bạc, điện tử, nghiêm cấm nhảy đồng, mở loa công suất lớn, và đặc biệt là nghiêm cấm tình trạng “ngả nón xin tiền”… là những khẳng định được BTC Hội Lim 2017 đưa ra trước ngày khai hội. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định đến thực hiện ở Hội Lim 2017 khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. 

Nhiều lễ hội lại

Mời trầu nhận tiền trên bến, dưới thuyền

Nhiều lễ hội lại

Cờ bạc trá hình. Ảnh: Đ.Huyền; phapluatplus.vn 


Được biết, để chuẩn bị cho những quy định kể trên được thực hiện nghiêm ngặt, Công an huyện Tiên Du đã được huy động tối đa, phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh cùng Ban chỉ huy Quân sự huyện Tiên Du để đảm bảo trật tự cho Hội Lim 2017. Ngoài sân khấu chính của lễ hội, BTC cũng bố trí 6 lán quan họ trên khu vực đồi Lim cùng nhiểu điểm hát canh tại nhà các gia đình nghệ nhân trong các làng quan họ. Riêng với quy định nghiêm cấm các hình thức ngả nón xin tiền và nhận tiền từ du khách, BTC thậm chí còn yêu cầu các xã ký cam kết không để các CLB Quan họ của địa phương mình nhận tiền của du khách trong khi hát phục vụ lễ hội. Tuy nhiên, giữa không gian vừa được nâng cấp, chỉnh trang khá khang trang, những gì diễn ra tại Hội Lim 2017 có thể coi là một "bước lùi" đáng kể của lễ hội này. Tại khu vực lán quan họ, một điểm nhấn quan trọng của hội Lim, loa thùng được mở với công suất lớn ngay từ lúc du khách còn chưa quá đông, khiến người yêu quan họ khó mà tĩnh tâm ngồi thưởng thức câu hát của các liền anh liền chị. Hình thức mời trầu để nhận tiền tiếp tục được các liền anh liền chị "áp dụng". Tại một điểm hát dưới thuyền, những người biểu diễn thậm chí còn tiến xa hơn khi diện cả trang phục chầu văn và công khai ngả khay nhận tiền từ du khách.


Đ.Huyền

 

Quảng Nam:  Tiếp tục kiên trì vận động đồng bào bỏ tục đâm trâu

Như Văn Hóa đã có bài phản ánh (trên số báo ra ngày 14.9.2016) về việc chính quyền tỉnh Quảng Nam đang vận động đồng bào vùng cao xóa dần những yếu tố phản cảm, hủ tục trong lễ hội đâm trâu, nhiều địa phương như miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My… đã hưởng ứng cuộc vận động này và bỏ đi nghi thức đâm chết con trâu tại lễ đâm trâu, cúng tế và dần bỏ luôn lễ đâm trâu trong các lễ hội truyền thống của bản làng
  
Tuy nhiên, mới đây, tại thôn 3, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), hai hộ đồng bào Xê Đăng tại đây là ông Hồ Văn Chiến và Hồ Văn Núi đã tổ chức lễ đâm trâu khá lớn với sự tham gia khá đông của đồng bào trong xã. Những hình ảnh về buổi lễ đâm trâu với hai con trâu đực và cái được giằng vào cây nêu và các trai tráng dùng dao, mác đâm, phụ nữ đổ nước vào mũi trâu,… được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã gây không ít phản cảm cho người xem.

Tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục kiên trì vận động đồng bào bỏ nghi thức đâm trâu

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương của tỉnh Quảng Nam và ngành văn hóa là vẫn tiếp tục kiên trì, từ từ vận động đồng bào bỏ nghi thức đâm trâu. Nhiều địa phương đã hưởng ứng và có nơi đã bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi, chẳng hạn như tại Nam Trà My vừa qua, một số hộ đồng bào vùng cao có điều kiện, kinh tế khá giả đã tự đứng ra tổ chức lễ đâm trâu mừng mùa màng bội thu và cầu mong năm mới khỏe mạnh, con cái khá giả. Theo truyền thống của đồng bào Xê Đăng thì gia đình nào đứng ra tổ chức từ 5 lần đâm trâu thì sẽ được giới thiệu người vào vị trí già làng nên các gia đình có điều kiện đã tổ chức đâm trâu vừa là thực hiện nghi thức truyền thống, cũng có trường hợp là để vận động vào vị trí già làng và cũng là dịp để gia đình đãi tiệc cho đồng bào trong thôn bản như một tiệc đầu năm.

“Tôi vừa làm việc với huyện Nam Trà My và chính Chủ tịch huyện cũng thừa nhận là vẫn còn những trường hợp gia đình khá giả ở vùng cao tự tổ chức lễ đâm trâu. Tuy nhiên đây chỉ là tự phát của các hộ dân chứ không phải là chủ trương của làng xã”, ông Đinh Hài nói thêm.

Ông Hài cũng cho biết trước đây đồng bào các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam tổ chức đâm trâu rất nhiều và rầm rộ. Từ khi tỉnh Quảng Nam cùng ngành văn hóa bắt đầu cuộc vận động thì nhiều nơi đã xóa bỏ nhiều hủ tục, nghi thức phản cảm không phù hợp với hiện tại trong lễ đâm trâu nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc, giá trị truyền thống của lễ hội. So với trước đây số lần tổ chức lễ đâm trâu đã giảm gần 90%. Nhiều địa phương đã bỏ hẳn lễ đâm trâu như đồng bào Cơ tu ở xã Lăng (huyện Tây Giang).

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động đồng bào ở xã Lăng đồng thuận bỏ tục đâm trâu, ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VHTT huyện Tây Giang cho biết, địa phương đã đưa vấn đề này vào nghị quyết của Huyện ủy và tiếp tục vận động các xã, thôn còn lại thực hiện theo mô hình của xã Lăng, đúng tinh thần Thông tư 15 của Bộ VHTTDL đã ban hành.

Tuy nhiên, do đây là phong tục truyền thống lâu đời nên không thể ra lệnh cấm việc đâm trâu mà chỉ có thể vận động từ từ thay đổi nhận thức người dân. Không thể cấm các gia đình tổ chức đâm trâu mà chỉ có thể kiên trì vận động người dân, chẳng hạn như vẫn làm lễ đâm trâu nhưng không đâm đến chết con trâu. Nhiều địa phương đã cùng phối hợp với những người có uy tín, già làng tuyên truyền, vận động đồng bào dần dần đồng thuận, chấp nhận sẽ bỏ đi nghi thức đâm vào con vật tế cho đến chết trong lễ hội đâm trâu. Còn tất cả các nghi thức, công đoạn truyền thống khác trong lễ hội vẫn được giữ nguyên trạng như trước. Do vậy, văn hóa của đồng bào sẽ không bị mất đi, mà chỉ loại bỏ dần những nghi thức không còn phù hợp. Trước mắt, tất cả lễ hội do các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức đều loại bỏ hủ tục đâm trâu.

 Hình ảnh đâm trâu tại Nam Trà My (Quảng Nam) vừa qua đã gây nhiều phản cảm cho người xem vì hành động đâm chết con trâu (Ảnh CTV cung cấp)

Ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã đặt ra tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới “9 có, xóa dần 5 không”. Trong “Xóa dần 5 không” có tiêu chí “Không cưới gả con nhỏ, cho của hai bên gia đình, lấy nhau cận huyết thống; không tổ chức đâm trâu, giết bò khi cưới vợ, gả chồng. Trên địa bàn huyện có 70 thôn và 20 khu dân cư, dịp Tết vừa qua được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các thôn và khu dân cư đã tổ chức đâm trâu nhân lễ hội mừng lúa mới đầu năm như truyền thống. Tuy nhiên, tất cả các thôn và khu dân cư đều đồng thuận xóa bỏ, không thực hiện nghi thức đâm đến chết con trâu trước đông người trong lễ hội. Thay vào đó sẽ cử một đại diện uy tín đâm một nhát tượng trưng, lấy một ít máu tươi làm lễ. Sau đó mang trâu đến nơi khác để mổ thịt phục vụ trong phần hội của dân làng... Sắp đến, địa phương cũng sẽ tổ chức tổng kết, khen thưởng những điển hình thôn bản, khu dân cư thực hiện tốt chủ trương của huyện về việc tổ chức lễ hội văn minh, không có yếu tố bạo lực.

Khánh Chi

 

Ý kiến bạn đọc