Văn Cao, tượng đài nghệ thuật thế kỷ XX

VHO- Nhắc đến Văn Cao, mọi công dân Việt Nam, dù có thể không thuộc hết các ca khúc, biết hết các bài thơ và chiêm ngưỡng đủ các tác phẩm hội họa của ông, nhưng chắc chắn đều có thể cất lên tiếng hát Tiến quân ca để thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình. Cho đến nay, bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật Văn Cao được ghi nhận là sự tổng hợp hài hòa của nhạc - họa - văn - thơ. Giai điệu âm nhạc của ông lúc nào cũng uyển chuyển, đẹp đẽ; ca từ bao giờ cũng trau chuốt, hình ảnh lúc nào cũng nên thơ...

Văn Cao, tượng đài nghệ thuật thế kỷ XX - Anh 1

 Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

 Tài năng lớn của dân tộc

Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ - chiến sĩ cách mạng mà còn được biết đến là một nhà thơ với những câu từ điêu luyện, chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc; một họa sĩ đa tài với những mảng màu độc đáo. Ở nhạc sĩ Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là một sợi tơ, mỗi màu sắc là một vầng hào quang diễm lệ...

Nói như nhà văn Tạ Duy Anh, “lịch sử Việt Nam đã dành cho nhạc sĩ, nghệ sĩ Văn Cao một vị trí vô cùng đặc biệt và độc đáo. Đặc biệt vì ông không chỉ là nhân vật có sức ảnh hưởng lâu dài về mặt văn hóa, mà còn là một nhân vật luôn có khả năng làm sống lại trong ký ức hàng triệu người một thời đại bi hùng, đầy biến động của đất nước. Độc đáo, vì cả khi không còn trên cõi đời, ông vẫn đồng hành cùng với chúng ta trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Nhưng trên hết, ông là một người yêu nước, yêu con người, yêu quê hương, yêu tiếng Việt, yêu tâm hồn Việt và yêu cái đẹp”.

Trong âm nhạc, Văn Cao đã làm nên một sự nghiệp to lớn với những tác phẩm bất hủ, đánh dấu bước chuyển biến chưa từng có của nền âm nhạc Việt Nam. Ông xuất hiện khi tân nhạc nước nhà vẫn còn trong giai đoạn hình thành. Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc âm nhạc phương Tây, đầu tiên là các bài Thánh ca trong giáo đường, và làm quen với nhạc nhà binh, với những đội kèn đồng, dần dần tiếp cận với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển châu Âu. Năm 16 tuổi, Văn Cao đã có ca khúc đầu tay Buồn tàn thu được đồng nghiệp đánh giá cao và được người nghe ưa chuộng. Tiếp đó, Văn Cao “cắm” những dấu mốc trong âm nhạc với Suối mơ, Thiên Thai, Cung đàn xưa, Bến xuân Thu cô liêu... Đó là những nhạc phẩm đỉnh cao của nền tân nhạc nước nhà, được công chúng yêu thích và có sức sống lâu bền.

Điều đặc biệt ở Văn Cao mà có lẽ không nhạc sĩ đương thời nào có được là ở chỗ từ thiên hướng lãng mạn, chỉ trong một thời gian ngắn, ông chuyển sang hùng ca. Ông viết về lịch sử, về dân tộc, về khí thế hào hùng của thời đại, qua những tác phẩm đầy ấn tượng như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca… Năm 1944, khi mới 21 tuổi, ông đã viết Tiến quân ca, được Hồ Chủ tịch và Quốc dân Đại hội Tân Trào chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam vào tháng 8.1945.

Những năm sau cách mạng, Văn Cao tiếp tục mạch hùng ca và đã sáng tác nên những nhạc phẩm được xếp vào hàng kiệt tác, như tác phẩm Trường ca sông Lô - bài hát tái hiện niềm vui chiến thắng của dân tộc Việt Nam và hình ảnh đời sống muôn mặt trong sản xuất, chiến đấu của nhân dân ta. Nhắc đến Trường ca sông Lô, nhà thơ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao) chia sẻ: “Đây là một tổng phổ phức hợp, vô cùng phong phú cả về nội dung và hình thức. Tất cả hòa quyện trong những cung bậc tinh tế, sinh động, vừa hùng tráng vừa trữ tình, sâu lắng. Khi sáng tác, cha tôi luôn lấy cái đẹp, tôn thờ cái đẹp và đi tìm cái đẹp trong giai điệu, trong ca từ và trong hội họa, đó là điều khiến tôi vô cùng xúc động khi thấy những gì cha mình để lại được mọi người đón nhận. Nhiều tác phẩm của ông mang tính dự báo, trong âm nhạc ông là người đầu tiên viết trường ca, trong thơ ông cũng viết bản trường ca đầu tiên...”.

Nếu như về âm nhạc, Văn Cao đã được khẳng định ở vị trí số 1 Việt Nam trong thế kỷ XX, thì trong các lĩnh vực sáng tác khác, đặc biệt là thơ, bước ngoặt lớn chính là khi ông viết trường ca Những người trên cửa biển. Văn Cao đã lấy Hải Phòng làm một hoán dụ như “Việt Nam thu nhỏ”. Hải Phòng hiện lên trong thác lũ của chiến tranh và trong mơ ước nhào nặn lại hình hài của mình để vươn đến cuộc sống mới tươi đẹp.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến cống hiến của Văn Cao trong lĩnh vực hội họa. Nhiều nghệ sĩ cùng thời với Văn Cao đều ghi nhận rằng, ông có những bức tranh “như có thần” được giới mỹ thuật đánh giá cao. Đôi khi chỉ bằng vài nét bút đã có thể gợi lên hồn cốt của cảnh vật hoặc tâm tư của con người. Văn Cao vẽ nhiều chất liệu, nhưng sơn dầu là chính. Nhà văn Đỗ Chu cho biết, thời đất nước còn nghèo, Văn Cao sống chủ yếu bằng việc vẽ tranh và minh họa bìa sách, “vẽ đến đâu người ta tới rước đến đấy, có bức còn bày trong Bảo tàng Mỹ thuật, có bức trong nhà ai đó quanh Hà Nội và có bức đã bay ra nước ngoài. Chỉ trừ có một bức ông vẽ bà Băng (vợ ông) mặc áo dài tím cánh sen rất nhã là ông không bán mặc dù rất nhiều người nài nỉ đòi mua”.

Sự cống hiến của nhạc sĩ Văn Cao đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã mang lại không chỉ những tác phẩm vô giá, mà nhân cách của ông cũng là tài sản quý của một thế hệ những người yêu nước, đầy lý tưởng, một lòng với độc lập của dân tộc. Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

Tôn vinh người nghệ sĩ tài hoa

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình Đàn chim Việt, diễn ra vào 20h ngày 20.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến với chương trình, khán giả sẽ được khám phá những màu sắc trong hội họa và âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa, để càng hiểu và trân trọng những giá trị mà ông đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Chương trình tập hợp những tác phẩm của Văn Cao ở cả ba thể loại: Tình ca, hành khúc và trường ca như: Thiên Thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Nam… Đặc biệt là màn tái hiện sân khấu hóa bằng âm nhạc qua bài hát Tiến quân ca tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội).

Theo Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam, với tất cả tâm huyết, ê kíp thực hiện sẽ cố gắng mang đến một đêm nghệ thuật chất lượng, giàu sáng tạo và đúng với tinh thần tận hiến cho nghệ thuật của Văn Cao. Bên cạnh đó, những bản phối mới, những thủ pháp nghệ thuật hiện đại, quy mô sự kiện diễn ra cả trong và ngoài Nhà hát Lớn với những màn trình diễn của hơn 300 diễn viên sẽ khiến Đàn chim Việt thực sự là một sự kiện nghệ thuật hoành tráng trong tháng 8 lịch sử và chào đón Tết Độc lập 2.9.

“Việc chọn chủ đề chương trình là Đàn chim Việt không chỉ tôn vinh một nhạc sĩ tài danh mà còn hướng đến thông điệp về niềm tự hào đất nước. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, ê kíp sáng tạo sẽ biến Nhà hát Lớn thành một sân khấu từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, không còn giới hạn giữa nghệ sĩ và khán giả. Các nghệ sĩ tham gia trình diễn trong chương trình sẽ xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí là ngay bên cạnh khán giả. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là Quảng trường Nhà hát Lớn, tôi mong làm sao số người đến đây càng nhiều càng tốt để tái hiện thời khắc lá cờ Việt minh được thả xuống một lần nữa. Cảnh đó chỉ có thể thực hiện thành công với sự tương tác của rất nhiều khán giả, nhất là thanh niên”, Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết. 

 THANH NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc