Tranh lụa Việt sáng giá trên sàn đấu giá

VHO- Trong phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông diễn ra tối 24.5, 3 tác phẩm của các danh họa hàng đầu Việt Nam được bán với giá cao.

Tranh lụa Việt sáng giá trên sàn đấu giá - Anh 1

“Thiếu nữ choàng khăn” của danh họa Lê Phổ. Ảnh Lý Đợi cung cấp

Bức “Thợ nhuộm” (Les Teinturières) của Nguyễn Phan Chánh được bán với giá hơn 563.000 USD (khoảng 12,9 tỉ đồng), 2 bức của danh họa Lê Phổ là “Thiếu nữ choàng khăn” (Jeune femme attachant son foulard) hơn 1,1 triệu USD (hơn 25,3 tỉ đồng) và “Cái bát xanh” (Le Bol Bleu ) hơn 354.000 USD (hơn 8,16 tỉ đồng), còn bức “Mona Lisa” danh họa Mai Trung Thứ với mức giá hơn 724.000 USD (hơn 16,7 tỉ đồng).

Sừng sững Lê Phổ

Cũng mới đây, sự kiện tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ được mua với giá kỷ lục 3,1 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s Hồng Kông đã tạo nên nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ cho các họa sĩ cũng như giới mỹ thuật Việt. Vì thế, trước phiên đấu giá này đã có một số dự báo cho rằng tranh của họa sĩ Lê Phổ sẽ có thể vượt mức 2 triệu USD và thậm chí biết đâu phá kỷ lục của họa sĩ Mai Trung Thứ. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm và tùy theo gu khách hàng mà các mức giá tranh sẽ khác nhau.

Việc 2 bức “Thiếu nữ choàng khăn” được bán giá tương đương hơn 1,1 triệu USD (hơn 25,3 tỉ đồng) và “Cái bát xanh” hơn 354.000 USD (hơn 8,16 tỉ đồng) của Lê Phổ tiếp tục khẳng định ông là danh họa hàng đầu của Việt Nam, với nhiều tác phẩm công khai được bán với giá cao nhất trên thị trường mỹ thuật.

Danh họa Lê Phổ (1907-2001) thuộc thế hệ đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, định cư tại Pháp từ năm 1937 và luôn dồn hết những tình cảm sâu đậm của mình với quê hương, đất nước vào trong những tác phẩm lụa và sơn dầu. Tranh của ông đậm chất Á Đông với hình ảnh những người phụ nữ hoà mình với thế giới thiên nhiên và trẻ thơ.

Trước phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông diễn ra tối 24.5 thì trong số 11 bức tranh đắt giá nhất của Việt Nam, danh họa Lê Phổ có đến 4 tác phẩm và điều này cho thấy sức hút ghê gớm của ông với các nhà sưu tập. Tác phẩm “Khỏa thân” của Lê Phổ được bán vào ngày 26.5.2019 tại sàn đấu giá Christie’s Hồng Kông với giá 10.925.000 HKD, tương đương với khoảng 1,4 triệu USD (hơn 32 tỉ đồng). Tác phẩm “Đời sống gia đình” của Lê Phổ được đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông ngày 2.4.2017 với giá gõ búa 1.172.080 USD.

Bức tranh “Nhìn từ đỉnh đồi” của họa sĩ Lê Phổ cũng được bán 6.520.000 HKD, tương đương 840.000 USD tại phiên đấu giá của Christie’s Hồng Kông ngày 22.11.2014, trong khi bức “Gia đình” được bán đấu giá thành công với giá gần 750.000 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông vào ngày 30.9.2018.

Mai Trung Thứ và Nguyễn Phan Chánh, hai tên tuổi lớn của Mỹ thuật Đông Dương

Điều thú vị là cả 3 danh họa Việt Nam đều tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925 - 1930) của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đều nổi tiếng ở tranh lụa và sơn dầu, đặc biệt là tranh lụa.

Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) hay Mai Thứ, hầu hết cuộc đời ông sống ở Pháp và nổi tiếng với tranh lụa vẽ phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày. Ông được xếp vào nhóm “Việt Nam tứ kiệt” ở Châu Âu cùng 3 danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Sau kiện “Chân dung cô Phương” được mua với giá kỷ lục 3,1 triệu USD thì bức “Mona Lisa” của ông bán với mức giá hơn 724.000 USD (hơn 16,7 tỉ đồng) càng khẳng định tên tuổi của ông.

Trong khi danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) được coi là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác “Chơi ô ăn quan” cùng một số tác phẩm khác như “Cô gái rửa rau”, “Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng” và một số tranh lụa của ông đã được Giám đốc Victor Tardieu mang về giới thiệu ở triển lãm Paris (Pháp). Trước đó, trong Top 11 tranh Việt Nam được bán công khai với giá cao nhất, Nguyễn Phan Chánh góp 2 tác phẩm “Em bé cho chim ăn” được bán với giá khoảng 853.921 USD (gần 20 tỉ đồng) tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông diễn ra vào tối 27.5.2018. Và bức “Người bán ốc” được bán gần 600.000 USD tại phiên đấu giá nhà Christie’s Hồng Kông ngày 26.5.2018.

Khi người Việt mua tranh Việt

Tranh “Chân dung cô Phương” hồi tháng 4 đã được mua bởi một người Việt và lần này tác phẩm “Thợ nhuộm” của danh họa Nguyễn Phan Chánh lại được một người Việt đấu giá thành công qua điện thoại.

Như vậy, hy vọng trong tương lai, nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa Việt Nam sẽ dần quay trở về quê hương. Bùi Thanh Tâm - một họa sĩ trẻ thuộc nhóm đầu trên thị trường mỹ thuật đương đại Việt hiện nay, khi trả lời phỏng vấn Lao Động cũng cho rằng: Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều lĩnh vực từ văn hóa đến kinh tế. Ngày càng có nhiều người giàu và sự xuất hiện nhiều nhà sưu tập nghệ thuật là điều tất yếu. Họ mua, sưu tầm các tác phẩm của người Việt để nâng tầm giá trị cho bản thân, khẳng định thêm sự thành công của mình. Trong hoàn cảnh hiện tại, việc đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật là một trong những đầu tư vừa an toàn vừa đẳng cấp và còn rất nhiều những lợi ích sau đó.

Ngoài ra, như nhà nghiên cứu - nhà báo Lý Đợi khi trả lời báo Thanh Niên cho rằng: Việc nhà Christie’s Hồng Kông dành một vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt thời kỳ đầu cũng sẽ thêm sự khích lệ cho tranh lụa đương thời. Bởi đến cuối thế kỷ 20, tranh lụa Việt gần như thất thế, có rất ít họa sĩ tài năng kế tục và phát triển. Tất cả thay đổi khi hơn 10 năm trở lại đây, có một số họa sĩ thành công với tranh lụa, góp phần đem lại sức sống mới cho chất liệu đi từ truyền thống sang hiện đại này…

LAODONG.VN

Ý kiến bạn đọc