Những kỷ niệm không quên về danh họa Nguyễn Sáng

VHO- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lặng người hồi lâu khi nhớ về những kỷ niệm với danh họa Nguyễn Sáng trong chương trình art talk nhân 100 năm ngày sinh của ông (1.8.1923 - 1.8.2023). Art talk do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Những kỷ niệm không quên về danh họa Nguyễn Sáng - Anh 1

 Art talk về danh họa Nguyễn Sáng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

 Hà Nội có Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng có Hà Nội

Công chúng yêu nghệ thuật được xem lại những thước phim tài liệu quý giá về sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Sáng, chiêm ngưỡng những tác phẩm để đời của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nghe các họa sĩ, đồng nghiệp, người thân chia sẻ kỷ niệm xúc động về một nhân vật quan trọng trong bộ tứ lẫy lừng: “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”.

Danh họa Nguyễn Sáng sinh ra tại Tiền Giang, nhưng như là cơ duyên, đời sống nghệ thuật Hà Nội lại được đón nhận ông, và gần trọn cuộc đời ông đã sống để yêu Hà Nội, âm thầm, lặng lẽ sáng tạo cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Những câu chuyện ít được biết đến về danh họa Nguyễn Sáng đã được kể lại trong buổi trò chuyện nhân 100 năm ngày sinh của ông. Phút lặng người của Lương Xuân Đoàn, theo nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê, một người em thân thiết của Nguyễn Sáng, là bởi có những lý do không nói nên lời. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc trò chuyện này, bà Khuê đã tìm kiếm những bài viết về danh họa và thật tình cờ, bà có được bài tùy bút của họa sĩ Lương Xuân Đoàn viết năm 1988, với tiêu đề Hà Nội nhớ Nguyễn Sáng và Nguyễn Sáng nhớ Hà Nội, từ quê Nam. Năm 1988 cũng là năm danh họa qua đời, thọ 65 tuổi.

“Cảnh và người Hà Nội đã quen có Sáng từ lâu. Ông nín lặng triền miên với chén rượu nhỏ trong những quán nghèo. Đôi mắt buồn thản, vô vọng mà vẫn ấm nóng sự hiền hậu, mến cậy con người. Ông thích uống rượu. Ông bảo, chỉ có nó bây giờ là biết an ủi ông thôi, nhưng chỗ trú ẩn của ông không phải trong chai rượu. Nguồn cảm hứng của sự sáng tạo, ông vẫn cất giấu nó như một báu vật trong trái tim…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn viết.

Với Hà Nội, danh họa Nguyễn Sáng có một tình yêu đặc biệt. Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Sáng cũng rất yêu Hà Nội. Vào quê Nam, cứ mỗi chiều Sài Gòn ông lại ngồi bệt trước cửa mà nhớ ra Bắc, nhớ Hà Nội… Sinh ra ở miền Nam nhưng danh họa học tập, tham gia cách mạng và gắn bó với miền Bắc, với Hà Nội. Nguyễn Sáng từng nói rằng: Không có Hà Nội thì cũng không có Nguyễn Sáng”. Ông coi triển lãm duy nhất trong cuộc đời ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội như là sinh nhật lần thứ hai của mình.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê rưng rưng nhắc lại câu nói của danh họa Nguyễn Sáng trong buổi khai mạc triển lãm năm 1984: “Tôi có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng”. Họa sĩ nói với bà Khuê: “Em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé”.

“Ngay sau triển lãm, Nguyễn Sáng chuyển vào Nam sinh sống. Mãi sau này tôi mới vỡ ra, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội và với cả người vợ đã khuất của mình. Họ chỉ sống cùng nhau được 11 tháng, không có con cái. Sau triển lãm vài năm thì ông cũng ra đi…”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nghẹn ngào.

Những kỷ niệm không quên về danh họa Nguyễn Sáng - Anh 2

 Bảo vật quốc gia, tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng

Âm thầm sáng tạo những tác phẩm để đời

Tên tuổi và sự nghiệp của danh họa được Đảng, Nhà nước ghi nhận bởi những phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1966); Tác phẩm sơn mài Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ, Thanh niên thành đồng được công nhận là bảo vật quốc gia…

Cuộc đời của danh họa, theo cách nói của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, là một cuộc đời lành sạch, đẹp đẽ cả khi ông sống hay khi sáng tạo nghệ thuật. Hình tượng người Chiến sĩ Điện Biên Phủ trong tác phẩm Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ là câu trả lời đẹp đẽ nhất của danh họa sau nhiều năm tháng lặng lẽ nuôi dưỡng và sáng tạo hình tượng người Chiến sĩ Điện Biên, anh Bộ đội Cụ Hồ. Đến nay, hầu như chưa có tác phẩm nào vượt được tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa.

“Minh chứng rõ nét nhất cho tính hiện thực trong hội họa của Nguyễn Sáng là hai bức tranh Bảo vật quốc gia Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (công nhận năm 2013) và Thanh niên thành đồng (công nhận năm 2017)…”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê nhấn mạnh, những tác phẩm được Nguyễn Sáng sáng tác trên nhiều chất liệu chính là minh chứng cho những thành tựu đỉnh cao của ông trong lĩnh vực hội họa chuyên nghiệp, thể hiện sự dấn thân cho nghệ thuật cách mạng và xã hội, đặc biệt là sự độc đáo của cá tính sáng tạo trong cách tân ngôn ngữ. Là lớp nghệ sĩ cách mạng đầu tiên, cũng như hầu hết các họa sĩ thời đó, Nguyễn Sáng tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu và có mặt trên mọi lĩnh vực của đời sống kháng chiến với tư cách là nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông từng tham gia vẽ mẫu giấy bạc (tiền giấy), mẫu tem thư; những pano khổ lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tranh cổ động tuyên truyền địch vận; tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô và chiến dịch Điện Biên Phủ… Tiêu biểu cho các tác phẩm về đề tài chiến tranh của ông có thể kể đến Giặc đốt làng tôi, Nghỉ trưa, Trú mưa, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thành đồng Tổ quốc…

Nhớ về cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên, cũng là triển lãm duy nhất của họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê xúc động: “Triển lãm mở đầu cho một thời kỳ mới và cũng là thời kỳ phát triển nghệ thuật đương đại trong xu thế hoà nhập, thời kỳ hoạt động chuyên nghiệp, cá nhân nghệ sĩ đóng vai trò quyết định… Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật hiện thực. Dấu ấn của ông in đậm trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Giờ đây, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới, nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi,” họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Nữ họa sĩ mong mỏi, một ngày nào đó không xa, Việt Nam sẽ có Bảo tàng nghệ thuật đương đại, trong đó không thể thiếu phòng tranh của riêng danh họa Nguyễn Sáng, một trong bốn cây trụ cột của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”. 

 BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc