Triển lãm “Chút tình gửi phố": Cuốn từ điển về Hà Nội xưa

VHO- “Chút tình gửi phố”, triển lãm gồm 54 bức tranh màu nước của họa sĩ Hoàng Phong, được khai mạc vào đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10.10, sẽ là điều ẩn chứa của một người con Sài Gòn về một Hà Nội xưa đẹp thổn thức mà mỗi chúng ta vẫn giấu thật sâu trong tim.

Triển lãm “Chút tình gửi phố

Những góc Hà Nội quen thuộc hiện lên qua 54 bức tranh màu nước của họa sĩ Hoàng Phong 

Người Sài Gòn gửi chút tình Hà Nội vào trong tranh

 “Chút tình gửi phố” là tên gọi triển lãm tranh màu nước do họa sĩ Hoàng Phong cùng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức, từ 10.10 đến 29.10.2023 tại không gian 2 tầng Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2023). 
Triển lãm mở cửa tự do hàng ngày từ 8h đến 17h, riêng cuối tuần mở cửa đến 21h. Đây là cơ hội để những người yêu nghệ thuật được dịp ngắm một Hà Nội xưa đẹp thổn thức qua 54 bức tranh, nằm trong bộ 100 tác phẩm tranh màu nước về Hà Nội của họa sĩ trẻ Hoàng Phong. 

Triển lãm “Chút tình gửi phố

Cảm hứng sáng tác từ một chuyến công tác tới Hà Nội năm 2017

Đây là triển lãm tranh đầu tiên của Hoàng Phong tại Hà Nội. Phong bảo, anh không làm triển lãm để tôn vinh mình mà chỉ muốn gửi những góc nhỏ Hà Nội rất tình và rất thơ, tới tất cả những ai yêu mảnh đất Tràng An. Anh cũng không định đặt tên cho triển lãm này, chỉ muốn gọi nó đơn giản là “Chút tình gửi phố”, chân thành như cái tình của người phương Nam gửi phương Bắc, của người Sài Gòn gửi Hà Nội. 
Cảm hứng sáng tác “Chút tình gửi phố” bất ngờ đến với họa sĩ từ cuối năm 2017, trong một chuyến công tác tới Hà Nội, không chủ đích để sáng tác. Là một người lớn lên và sinh ra tại TP HCM, chuyến đi này đảo ngược mọi suy nghĩ trong anh về Hà Nội. Ngay khi vừa mới ra mắt, các tác phẩm của anh đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ cũng như lời khen ngợi từ cộng đồng yêu hội họa nói chung và những người yêu Hà Nội nói riêng. 
Hoài niệm Hà Nội phố giữa nhịp sống hiện đại  
Đến với không gian triển lãm, những người thưởng tranh sẽ được dịp trầm trồ trước những “góp nhặt” đồ sộ của họa sỹ về những hình ảnh tưởng chừng quá đỗi thân quen của Hà Nội, nhưng thật lâu rồi mỗi chúng ta không được lặng yên nhìn ngắm. 

Họa sĩ phân khu vực trưng bày triển lãm thành hai phần, với không gian tầng 1 là những bức tranh mang cảm xúc của một người mới yêu, khi anh vẽ những bức tranh đầu tiên về Hà Nội. Anh thổn thức với một ngày cuối thu đầu đông, mùa của hoa cúc họa mi và những ngày se lạnh, không khí mà TP. HCM không có.

Triển lãm “Chút tình gửi phố

Họa sĩ mang cảm xúc của người mới yêu khi vẽ những bức tranh đầu tiên về Hà Nội 

Anh cũng say mê với những công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội và cái cách nhịp sống vẫn tương quan với bối cảnh ấy, từ những chiếc xe hoa, bà cụ bán hàng rong… Mỗi năm, Hoàng Phong đều trở lại Hà Nội nhiều lần, mỗi chuyến đi đều kéo dài 10-15 ngày, để “khám phá” 4 mùa của tự nhiên và 12 mùa hoa…, để yêu Hà Nội hơn.
Không gian tầng 2 bao trùm sẽ là những bức tranh về tình yêu Hà Nội khi song hành bên cạnh cuộc đời của một người con Sài Gòn, thứ tình yêu được nuôi dưỡng để trưởng thành, trở nên bình dị, dịu êm nhưng ngày một khắc sâu và bền chặt. Hoàng Phong muốn gìn giữ tình yêu này không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho cả mai sau. Các bức tranh là sự hòa quyện giữa những đường nét kiến trúc Pháp cổ và nhịp sống hiện đại hàng ngày, tạo nên những góc Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ. Đây ngã tư Hàng Đường, nhà cổ 90 Kim Mã, biệt thự cổ Chân Cầm, kia Nhà Thờ Lớn, Ô Quan Chưởng, Bảo tàng lịch sử… Hình ảnh góc phố Châu Long trong nắng vàng Hà Nội mà họa sĩ tái hiện trên tranh còn được sử dụng để làm bìa cho cuốn sách của nhà văn Tô Hoài. 

Triển lãm “Chút tình gửi phố

Những góc phố Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ

Ngoài tình yêu nồng nàn thấm đẫm trong từng nét cọ vẽ, tranh của Hoàng Phong còn gây ấn tượng bởi sự sáng tạo trong chất liệu. Anh vẽ toàn bộ tranh bằng màu nước trên nền giấy Arches của Pháp, cho phép màu nước nhanh khô và giữ độ bền nhất hiện nay. Tuy nhiên đây cũng là chất liệu vẽ “bút sa gà chết”, vì vậy mỗi tác phẩm thường được anh thực hiện trong thời gian từ một tuần đến vài tháng, lâu nhất là thời gian tính toán cách đi màu tranh. 
Đặc biệt hơn nữa, đến với triển lãm, người yêu nghệ thuật sẽ nhận ra một điều khác biệt, đó là các bức tranh đều không tên, không mô tả. Phong nói anh vẽ tranh theo trường phái hiện thực, vì vậy anh không mong một cái tên, một dòng mô tả sẽ áp đặt cảm nhận của người xem tranh.

Triển lãm “Chút tình gửi phố

Những bức tranh tại triển lãm là những bức tranh không có tên, không mô tả

Đối với anh, giá trị nghệ thuật nằm ở yếu tố con người, khi mà cả người vẽ và người thưởng tranh đều có câu chuyện riêng, chính sự kết nối giữa họ sẽ tạo thành giá trị cho tác phẩm.
Hoàng Phong cũng không mong thế hệ sau này sẽ phải hỏi “phố đây nhưng cổ đâu rồi”. Vì vậy qua những bức tranh tại triển lãm của mình, anh gửi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở thời điểm này, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những kiến trúc Pháp, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen. Và mỗi người xem khi đến với triển lãm “Chút tình gửi phố”, dù là người Hà Nội hay đơn giản chỉ là kẻ bước ngang qua phố, cũng sẽ thấy mình yêu Hà Nội hơn những gì mình vẫn biết về mảnh đất Tràng An này.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc