“Đôi mắt của rừng” cuốn hút, giàu tính nhân văn

VHO- Trong dịp hè này, với mong muốn “đem tặng cả thiên nhiên đại ngàn Tây Nguyên” đến với tất cả các em thiếu nhi trên toàn quốc, NXB Kim Đồng đã phát hành cuốn truyện Đôi mắt của rừng của nhà văn Nguyễn Vân Anh. Nội dung truyện vừa lôi cuốn, hấp dẫn vừa giàu tính nhân văn, mang nhiều ý nghĩa giáo dục, đặc biệt là cho các em.

“Đôi mắt của rừng” cuốn hút, giàu tính nhân văn - Anh 1

Bìa của tác phẩm Đôi mắt của rừng

Với lối kể chuyện trong trẻo, cùng với các nhân vật Tùng sẹo, anh em Hậu - Sóc, Dũng kều, Tú sún, Hồng đen trong Đôi mắt của rừng sẽ đưa các độc giả nhí đi khám phá vẻ đẹp thơ mộng của sông nước hòa quyện cùng vẻ đẹp hùng vĩ của núi non của Tây Nguyên. Thật vậy, vẻ đẹp của thiên nhiên ngay những trang sách đầu đã lôi cuốn người đọc lật những trang tiếp theo để gặp gỡ các nhân vật trong truyện khiến ta bật cười, xúc động về những đứa trẻ vùng Tây Nguyên xa xôi. Những nhân vật trẻ con trong làng đặc biệt là gia đình Hậu, Sóc là hình ảnh những đứa trẻ nông thôn bình thường tuy không phải có cuộc sống sung túc, giàu sang gì như trẻ con ở thành phố nhưng chúng lớn lên vẫn đầy đủ sự yêu thương của bố mẹ, những buổi tối ấm áp bên mâm cơm gia đình, được ba mẹ yêu thương, được chờ mẹ về chợ với những món quà vặt thích thú. Những đứa trẻ sáng đi học, chiều về phụ bố mẹ đuổi chim không cho ăn lúa chín ngoài đồng, những đứa trẻ luôn mong chờ ngày “chủ nhật hạnh phúc” để được ra đồng trông chim và được cùng nhau chơi những trò chơi mà chúng yêu thích rồi đứa thi bắt cào cào, bắt cua, nhặt trứng vịt đồng về cải thiện thêm bữa ăn gia đình. 

Sự đối lập hoàn cảnh của những đứa trẻ con trong làng được sống trong tiếng cười vui vẻ có thể nói tuy nghèo mà vui và sự cô đơn của Tùng sống biệt lập trong ngôi nhà trên lưng đồi chỉ biết làm bạn với rừng, với thú sau những lần chạy trốn đòn roi của ba. Tùng sống trong ngôi nhà gỗ mái tranh có nhiều lỗ hổng nằm giữa ngọn đồi nằm tách biệt với xóm làng. Là một đứa bé lớn lên gần rừng, phải mưu sinh vất vả từ nhỏ nên Tùng tinh thông nhiều thứ vì chính bản thân cũng trải qua những lần trúng độc, ngã cây… Cũng vì nghịch cảnh mà không may trên khuôn mặt em có vết sẹo sâu và khuôn mặt em luôn lạnh như băng không bao giờ cười, nhưng trong nội tâm em luôn ấm áp và luôn khao khát có mẹ, khao khát được sự che chở, chia sẻ yêu thương từ ba và mọi người và khao khát được đến trường như những đứa trẻ khác trong làng. “Tùng sẹo rón rén đi về nhà. Ngôi nhà mái lá của ba con nó được làm với những tấm ván thưng thưa huếch, mối mọt làm hư hỏng nhiều. Ánh đèn dầu heo hắt từ trong nhà rọi tới, nó lén nhìn qua tấm ván hở, trên giường ba nó đã nằm vật, ngủ say. Tùng nhẹ nhàng đi vào nhà. Nó lấy một chiếc bọc ra, trong đó là mấy chiếc áo cũ mà nó lấy trộm trên ruộng lúa dưới chân đồi. Cầm một chiếc áo, nó khẽ khàng đi tới thay cho ba nó chiếc áo rách tả tơi, dính những vết ói của ba nó trong cơn say rượu. Vất vả lắm nó mới thay xong chiếc áo cho ông. Tùng sẹo đi tới lục nồi cơm nguội ngắt với nồi canh cùng ít muối vừng. Nó ngồi thu lu ăn cơm trong ánh sáng đèn dầu hiu hắt! Đã quen với cảnh này rồi, nó không còn thấy buồn nữa. Nhưng nó ao ước: Phải chi nó còn có mẹ ở trên đời! Hai giọt nước mắt khẽ lăn ra trên khóe mắt nó, làm sống mũi nó cay xè! Nó thấy tủi thân và cô độc quá! Đến những vì sao xa xôi kia còn có bạn bè bên cạnh để cùng cháy sáng. Mà nó thì cứ lủi thủi một mình, ngay cả khi có ba ở trong nhà nó cũng chỉ sống một mình, lẻ loi, lầm lũi, cô quạnh. Ngôi nhà trống hoác, lạnh lẽo, về đêm cảnh vật u tịch mênh mang càng khiến Tùng sẹo nhớ mẹ vô cùng. Bất giác nó thầm kêu lên trong bóng tối: “Mẹ ơi!”. Đoạn trích trong Đôi mắt của rừng đã cho bạn đọc cảm nhận rõ hơn nghịch cảnh trớ trêu của nhân vật Tùng sẹo.

Với 14 chương là những câu chuyện chí chóe gây lộn của hai anh em Hậu Sóc khi tập xe đạp, trêu ghẹo làm trò cười cho đám bạn khi Hậu bị con bé Hồng đen thò tay vào túi lấy ngô rang ai dè quần thủng túi, chuyện đi truy lùng kẻ trộm áo bù nhìn ngoài ruộng dẫn đến việc những đứa trẻ trong làng có cái nhìn xấu và ghét Tùng sẹo… Nhưng khi kẻ trộm đó lại hóa anh hùng, một đứa bé mười tuổi như Tùng lại cõng một người đàn ông (ba Hậu) bị rắn cắn xuống núi dốc trơn! Qua những câu chuyện tưởng chừng đơn giản ấy, nhưng tác giả đã khéo léo cho bạn đọc thấy được lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, kỹ năng sống của đám trẻ trong truyện mới thật đáng yêu, đáng khâm phục làm sao. Và không chỉ có tình bạn đẹp giữa con người với con người, một tình bạn giữa con chó Kito và anh em Hậu qua ngòi bút của tác giả Vân Anh cũng có hồn, như một người bạn tuy không biết nói nhưng luôn là cứu tinh cho chủ khi họ dường như rơi vào tuyệt vọng.

Với lối kể chuyện đơn giản, gần gũi với trẻ em, Đôi mắt của rừng là một cuốn sách mùa hè hay và ý nghĩa để cho các bậc phụ huynh tặng cho trẻ. Tác phẩm mô tả thú vị về thiên nhiên cho các độc giả nhí khám phá và những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn, tình yêu động vật... để rồi mang đến những bài học quý báu cho các em. Cũng từ đó giúp các em thấy trân quý cuộc sống đủ đầy hiện tại, biết trân trọng và chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn và biết yêu thương nhiều hơn.

NGUYỄN THỊNH - DIỆU NGUYÊN
 

Ý kiến bạn đọc