Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ

VHO – Sáng 12.12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển.

Dự Hội thảo có Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh; nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ…

Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ - Anh 1

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo

Hội thảo nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ một số vấn đề cơ bản như đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; thành tựu, hạn chế của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể trong xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ tới…

Hơn 100 tham luận gửi về Hội thảo đã cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo của các cơ quan văn hoá, văn nghệ, các nhà khoa học, nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước với chủ đề hội thảo; sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề tổng kết lý luận, phê bình VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất nói riêng; sự vận động của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống VHNT nói riêng và sự phát triển của văn hóa, xã hội nói chung. Với vai trò là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, lý luận, phê bình là người bạn đồng hành, đồng cảm, hỗ trợ, điều chỉnh, định hướng hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quá trình tiếp nhận thẩm mĩ của công chúng.

Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ - Anh 2

Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo

Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của lý luận, phê bình, từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; coi đây là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà; trong đó có công tác lý luận, phê bình VHNT. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ.

Đồng thời từ việc nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn, nền VHNT nước nhà đã đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là với những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật...

Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ - Anh 3

GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học trình bày tham luận

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; coi văn hóa, văn nghệ là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Tư tưởng đó được thể hiện rất sớm, nổi bật trong Đề cương về Văn hoá Việt Nam năm 1943 với những quan điểm lý luận, tầm nhìn xa về văn hoá, văn nghệ mang tầm cương lĩnh của một Đảng cách mạng khi mới chỉ hơn 13 năm tuổi. Kể từ đó, Đảng ta đã đổi mới tư duy, nhận thức, bổ sung lý luận, không ngừng hoàn thiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới. 

Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ - Anh 4

Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp phát biểu

Gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với VHNT từng bước được tháo gỡ. Môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT không ngừng được đổi mới; tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT Việt Nam tiếp biến, hội nhập với VHNT thế giới. Đời sống VHNT nước nhà ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài; phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện.

 

Lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ - Anh 5

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn. Lý luận, phê bình VHNT chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo, phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác. Từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trong thời gian tới, công tác lý luận, phê bình VHNT cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ đối với sự phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, văn nghệ, con người.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc