Viện Văn học kỷ niệm 70 năm thành lập với nhiều thành tựu đáng tự hào

VHO - Hôm nay 21.12, tại Hà Nội, Viện Văn học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (2.12.1953 - 2.12.2023). Nhân dịp này, Viện đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự Lễ kỷ niệm có TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Viện Văn học qua các thời kỳ, các thế hệ viên chức và người lao động của Viện Văn học...

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện Văn học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 038-TTg ngày 6.2.1960 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của Viện Văn học được gắn với Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Sử, Địa, Văn) được thành lập theo Quyết định số 34-QN/TW ngày 2.12.1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Một năm sau, Ban Nghiên cứu Sử, Địa, Văn được đổi tên thành Ban Nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Văn, Sử, Địa). Ban Nghiên cứu Văn, Sử, Địa có nhiều Tổ chuyên môn, trong đó có Tổ Văn.

Viện Văn học kỷ niệm 70 năm thành lập với nhiều thành tựu đáng tự hào - Anh 1

TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Viện Văn học có nhiệm vụ: "Căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ, tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới".

Từ 4 tổ chuyên môn với số lượng nhân sự ít ỏi ban đầu, đến nay, Viện đã có 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ với 46 cán bộ, 1 Hội đồng khoa học có chức năng tư vấn cho Viện trưởng, 1 cơ quan ngôn luận là Tạp chí Nghiên cứu văn học.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu: lý luận văn học; văn học dân gian và dân tộc thiểu số; văn học cổ trung đại; văn học cận, hiện đại, đương đại và văn học nước ngoài. Đặc biệt, Viện Văn học đã cung cấp hiệu quả, chất lượng nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển nghiên cứu và giảng dạy văn học. Nhiều đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu những vấn đề trọng tâm của lý luận và bắt nhịp kịp thời với thực tiễn văn học. Nhiều hội thảo khoa học ở các quy mô khác nhau cũng góp thêm những đánh giá, đề xuất có tính chất tư vấn chính sách quan trọng. Mặt khác, hệ đề tài khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở hàng năm được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng khoa học tốt cũng góp phần khẳng định uy tín khoa học của Viện và đóng góp của các nhà khoa học Viện Văn học đối với công tác định hướng phát triển văn học của Đảng và Nhà nước ta.

Với những thành tựu đã đạt được, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu trong nước. Với những đóng góp to lớn của toàn thể cán bộ Viện trong 70 năm qua, Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba (1979); Huân chương Lao động hạng Nhất (1985); Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999). Tạp chí Nghiên cứu Văn học được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (1979), Huân chương Lao động hạng Nhất (1990).

Viện Văn học kỷ niệm 70 năm thành lập với nhiều thành tựu đáng tự hào - Anh 2

Quang cảnh Lễ kỷ niệm

Nhiều cá nhân của Viện cũng được trao tặng giải thường cao quý. Viện Văn học đã có 8 nhà nghiên cứu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, về khoa học và công nghệ như: Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Cao Xuân Huy, Hồ Tôn Trinh, Cao Huy Đỉnh, Hoài Thanh, Hà Minh Đức, Hoàng Trung Thông; 13 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Nhà nước là: Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Văn Truy (Thành Duy), Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Ngô Thảo, Lê Thành Nghị, Phan Hồng Giang, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp.

Một số nhà khoa học của Viện được quốc tế tôn vinh như GS. Hồ Tôn Trinh được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Hungary; PGS.TS. Trương Đăng Dung được trao tặng Huân chương Chữ thập vàng của Nhà nước Hungary. PGS. Nguyễn Văn Hoàn được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ của Nhà nước Italia.

Nhiều nhà quản lý, lãnh đạo của Viện được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, Viện còn có 7 nhà nghiên cứu được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, chiều cùng ngày, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại”.

Hội thảo là diễn đàn để nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, công bố và chia sẻ những thành quả nghiên cứu khoa học mới.

Gần 80 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học thảo luận tại 2 tiểu ban với các vấn đề: Những thành tựu, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới; Những vấn đề mới (về phương pháp tiếp cận, về việc đánh giá những hiện tượng văn học mới, về các di sản văn học...) trong nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện Hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường Đại học; Vấn đề đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới.

Phát biểu đề dẫn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, TS. Trần Thiện Khanh cho biết, vấn đề tầm nhìn hiện đại được đặt ra trong hội thảo trước hết được hiểu là khung tri thức mới, hệ hình tri thức hiện đại. “Đó là thành quả của khoa học xã hội, nhân văn hiện đại và là kết quả của quá trình đổi mới ở Việt Nam. Đổi mới văn học trước hết là đổi mới cái nhìn, quan điểm, cách tiếp cận, đổi mới cách chúng ta nghĩ và thực hành các hoạt động văn học. Đổi mới vừa là nhu cầu nội tại vừa là đòi hỏi của đời sống văn học, là yêu cầu của thời đại, của bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế”.

Từ năm 1986 đến nay, nhiều lý thuyết văn học được giới thiệu, du nhập vào Việt Nam, gần như không thiếu lý thuyết hiện đại nào. Theo TS. Trần Thiện Khanh, đây vừa là kết quả của sự đổi mới cơ chế tiếp nhận, đổi mới tư duy, vừa là tiền đề góp phần hình thành bộ khung tri thức mới, tầm nhìn mới về văn học, thúc đẩy việc tư duy lại nhiều vấn đề văn học, đánh giá, lý giải lại nhiều hiện tượng mà vì lý do nào đó của lịch sử chưa được nhìn nhận thỏa đáng, hợp lý; định hình cách chúng ta hình dung về văn học, kiến tạo các giá trị văn học trước những cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai.

Viện Văn học kỷ niệm 70 năm thành lập với nhiều thành tựu đáng tự hào - Anh 3

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Về những vấn đề mới trong giảng dạy văn học, các tham luận đã tập trung vào nhiều vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề cập đến vấn đề Vận dụng quy trình Tư duy thiết kế (Design Thinking) trong đổi mới giảng dạy văn học - Những khả năng và triển vọng. Tiến sỹ cho rằng, tư duy thiết kế trong giáo dục – đào tạo nói chung, trong giảng dạy văn học ở bậc đại học nói riêng là một hướng tiếp cận mới mẻ, có triển vọng tích cực nhằm đánh thức năng lực sáng tạo của cả người dạy và người học, giúp kiến tạo những phương pháp, cách thức hiện đại, nhân văn để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong khi đó, với tham luận Nên ứng xử như thế nào với tác phẩm văn học trong giảng dạy văn học của nhà trường phổ thông?, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) lại nêu quan điểm, Tác phẩm văn học là một cấu trúc ngôn từ hoàn chỉnh, dù kết hợp các kỹ thuật dạy học hiện đại như thế nào, thì vẫn cần tôn trọng tính chỉnh thể toàn vẹn ấy thay vì làm nát vụn tiết học và thế giới nghệ thuật của văn bản bằng các trò chơi hay việc kê bàn ghế cho một kỹ thuật nào đó".

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng thảo luận xoay quanh việc đổi mới giảng dạy và đào tạo văn học trong nhà trường trong bối cảnh mới và từ các hệ hình tri thức mới, cơ hội và thách thức đối với việc giảng dạy văn học; kinh nghiệm đọc, dạy văn học của các quốc gia và việc vận dụng nó vào thực tiễn Việt Nam…

Về Những vấn đề mới trong nghiên cứu văn học, các nhà nghiên đã thảo luận nhiều vấn đề như: Về một số khuynh hướng lý luận – phê bình văn học theo hướng hiện đại trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; Thần thoại dưới mắt các nhà khoa học Việt Nam; Nghiên cứu liên ngành trong khoa nghiên cứu văn học dân gian,…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, có hàng loạt vấn đề đặt ra, gồm: sự chuyển động của hoạt động sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, tiếp nhận văn học từ tầm nhìn hiện đại; vị trí, giá trị của văn học trong đời sống; định hướng phát triển văn học từ tầm nhìn của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm...

Các ý kiến cũng đã phân tích, đánh giá, lý giải mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường đại học, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; chỉ ra tính tích cực và sự tương thích của các lý thuyết, phương pháp tiếp cận đối với thực tiễn văn học dân tộc và ảnh hưởng của các thành tựu nghiên cứu lý luận, phê bình, văn học sử hiện đại đối với việc hình thành các tri thức văn học mới, việc xây dựng các chương trình ngữ văn, đào tạo văn học trong nhà trường.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc