Hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc”

VHO- Sáng ngày 23.2, trong khuôn khổ của Ngày thơ Việt Nam 2024 tại TP.HCM, Hội nhà văn đã phối hợp cùng Hội âm nhạc TP.HCM tổ chức Hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc”.

Hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc” - Anh 1

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ thành phố

Thơ và nhạc, hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng như riêng biệt, lại ẩn chứa mối liên kết kỳ diệu, tạo nên những bản giao hưởng đầy cảm xúc. Khi thơ được kết hợp với nhạc, nó có thể tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn và sâu sắc hơn. Thơ có thể tăng cường cảm xúc mà nhạc gửi đến, trong khi nhạc có thể làm nổi bật và làm sâu sắc ý nghĩa của thơ. Giao thoa giữa thơ và nhạc là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và giai điệu, khơi gợi những tầng sâu cảm xúc và mang đến cho người thưởng thức những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo. Để làm rõ thêm những giá trị cũng như những vướng mắc hiện hữu, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, đóng góp, chia sẻ của các nhạc sĩ và nhà văn, nhà thơ.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, quan hệ thơ – nhạc để hình thành ca khúc phổ thơ, có thể xem như một sự kết hợp thú vị. Bởi lẽ, thơ vẫn là dòng chảy chủ lưu của văn học Việt Nam, còn ca khúc vẫn là dòng chảy chủ lưu của âm nhạc Việt Nam. Và dù muốn dù không, vẫn phải khẳng định, chính những ca khúc phổ thơ suốt gần một thế kỷ vừa qua đã góp phần không nhỏ cho đời sống văn hóa của người Việt Nam.

“Sau lớp nhạc sĩ tiền chiến như Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Lê Thương, Văn Cao, Doãn Mẫn… thì phần lớn các nhạc sĩ tài danh được công chúng mến mộ đều có ca khúc phổ thơ. Thậm chí, có những nhạc sĩ mà ca khúc phổ thơ làm nên sự nghiệp của họ như: Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phú Quang… Rõ ràng, nhiều bài thơ đã thành bệ phóng cho những ca khúc thăng hoa vào lòng công chúng. Vì vậy, có thể nói, nhà thơ có vai trò đáng kể, nếu không muốn nói là quan trọng trong sự phong phú và lan tỏa của hoạt động sáng tác âm nhạc từ trước đến nay”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc” - Anh 2

Nhạc s, nhà thơ Trương Tuyết Mai chia sẻ tại hội thảo

Nói đến tác phẩm thành công trong sự kết hợp giữa thơ và nhạc, nhà thơ Bùi Phan Thảo đã đưa ra những ví dụ dẫn chứng. Như bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, chẳng hạn, làm theo thể thơ tự do, với câu chuyện mất mát, đau thương của anh bộ đội Vệ quốc đoàn, được 3 nhạc sĩ phổ nhạc. Phạm Duy phổ thành ca khúc Áo anh sứt chỉ đường tà bám theo nguyên tác nhiều nhất, gần như kể lại câu chuyện bằng nhạc, nhiều biến tấu. Dzũng Chinh phổ thành Những đồi hoa sim được nhiều người ưa thích bởi giai điệu bolero đẹp và ca từ thanh thoát, xúc động, chuyển tải trọn vẹn ý tứ bài thơ. Anh Bằng lại phổ thành Chuyện hoa sim cũng điệu thức bolero và chuyển tải câu chuyện từ nguyên tác với ca từ giản dị, dễ gần. Cả 3 tác phẩm đều là điển hình của thơ phổ nhạc thành công. “Khi bài thơ được phổ nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ. Thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ – nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt”, nhà thơ khẳng định.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, để đánh giá một cách khách quan, thì quan hệ giữa thơ và nhạc vẫn còn nhiều điều bất cập, cần được trao đổi và tiếp tục được trao đổi một cách thấu đáo. 

Theo nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai, hiện nay đang tồn tại những ý kiến trái chiều về việc ghi tên tác giả thơ khi công bố những ca khúc phổ thơ. Nữ nghệ sĩ đặt câu hỏi, bài thơ có trước thì ghi tên nhà thơ trước tên nhạc sĩ trước? Hoặc, giới hạn sử dụng bao nhiêu câu chữ từ một bài thơ thì ghi chú “phỏng thơ”, “trích thơ” hay “ý thơ” trong một ca khúc phổ thơ? Hay nhạc sĩ có được phép sửa văn bản gốc và không cần tham khảo ý kiến nhà thơ không?… “Những vấn đề nêu trên nghe có vẻ đơn giản, thế nhưng để thơ và nhạc được đồng điệu thì tác giả phải có sự rõ ràng từ hai phía”, nữ nghệ sĩ cho hay.

Còn với nhà văn Bích Ngân, một ca khúc phổ thơ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thì giá trị thụ hưởng chia đều cho nhà thơ lẫn nhạc sĩ. Nếu nói, nhạc chắp cánh cho thơ bay lên, lan tỏa thì cũng phải nói thơ giúp nhạc trụ lại trong tâm hồn người nghe, trong tâm thức văn hóa. “Một khi đã xác định không có ai ban ơn cho ai, thì cũng mở hướng chan hòa không có ai mắc nợ ai, cả về vật chất và về tinh thần. Và có lẽ, đã đến lúc chúng ta sòng phẳng đề cập sự thật, một giải thưởng trao cho ca khúc phổ thơ, không thể chỉ tôn vinh nhạc sĩ mà lãng quên nhà thơ. Ngôn ngữ của nhà thơ và giai điệu của nhạc sĩ khi có cùng tần số thẩm mỹ, sẽ nảy nở một ca khúc phổ thơ đặc sắc. Ngược lại, ca khúc phổ thơ vì những tác động ngoài nghệ thuật, thì sự nể nang hoặc sự miễn cưỡng chỉ mang lại những tác phẩm lạnh lẽo chìm khuất vào bộn bề danh lợi hôm nay”, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong bối cảnh sự thăng trầm của cuộc sống, thơ và nhạc nắm giữ khả năng làm phong phú và thăng hoa tinh thần của con người.  “Thơ – nhạc tương sinh hay tương khắc” với mục đích cổ vũ nhà thơ và nhạc sĩ phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người, để làng nhạc cùng có thêm nhiều ca khúc phổ thơ đa dạng hơn, quyến rũ hơn và giàu bản sắc văn hóa Việt Nam hơn, nhằm hồi đáp sự mong đợi của công chúng Việt Nam thời hội nhập. Bên cạnh những ý kiến, đóng góp và sẻ chia sâu sắc, các đại biểu cũng mong rằng sau hội thảo, sẽ có nhiều hơn  nữa những tác phẩm phổ thơ tinh tế, đa dạng và mang hơi thở thời đại, góp phần vào kho tàng âm nhạc đương đại Việt Nam.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc