Phim thương mại có dấu hiệu “hụt hơi”

VHO- Sau những “cú hích” phòng vé mạnh mẽ, thì đến giữa năm 2023, phim thương mại ra rạp không đạt được doanh thu như kỳ vọng, thậm chí có dự án còn trở thành “thảm họa”. Rõ ràng, điều này càng khiến khán giả “rụt rè” hơn với điện ảnh nội, nhất là khi nhiều dự án lớn sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Phim thương mại có dấu hiệu “hụt hơi” - Anh 1

 “Live - Phát trực tiếp” chắc sẽ phải rút sớm khỏi cuộc chơi vì không có khán giả

Doanh thu “lè tè”

Tưởng chừng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài trong 4 ngày sẽ là thời điểm “vàng” để rạp phim bùng nổ sau thời gian im ắng, với những tác phẩm đa dạng về thể loại, đề tài và nhiều gương mặt bảo chứng phòng vé như Kẻ ẩn danh, Bến phà xác sống, Chạm vào hạnh phúc... Tuy nhiên, doanh thu các phim thương mại đều không ấn tượng khi tác phẩm chưa thực sự thu hút khán giả. 

Trên thực tế, phim hành động Kẻ ẩn danh đã có những suất chiếu sớm trước đó. Tuy nhiên, tác phẩm không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và chỉ thu về hơn 12 tỉ đồng trong tuần đầu. Kết quả này xuất phát từ việc phim có ý tưởng không mới, khi câu chuyện cha mẹ đi tìm con từng được các phim hành động trước đó chuyển tải như: Hai phượng, 578: Phát đạn của kẻ điên… Dù được đánh giá tốt ở mảng hành động, nhưng nội dung lại thiếu hấp dẫn, tình tiết khiên cưỡng khiến phim khó tạo dấu ấn. Sau 3 tuần ra rạp, phim chỉ thu về tổng cộng hơn 42 tỉ, con số không mấy ấn tượng.

So với Kẻ ẩn danh, hai phim còn lại cũng không có nhiều yếu tố hút khách nên doanh thu kém hơn là điều dễ hiểu. Phim kinh dị Bến phà xác sống là hậu truyện của Cù lao xác sống từng gây xôn xao khi là một trong những phim đầu tiên khai thác đề tài này. Tuy nhiên, phim đã nhận nhiều lời chê về nội dung, kỹ xảo lẫn tạo hình xác sống và nhiều khán giả còn đánh giá đây là “thảm họa” của dòng phim thương mại trong năm 2022. Thế nên không nằm ngoài dự đoán, phần 2 vẫn đi vào “vết xe đổ” khi không khắc phục được điểm yếu, thậm chí còn tệ hơn phần trước và chỉ chạm mốc doanh thu gần 4 tỉ đồng. 

Trong khi đó, Chạm vào hạnh phúc khai thác chủ đề tình cảm gia đình, vốn là món ăn quen thuộc và dễ ghi điểm với khán giả Việt. Song, phim khó tạo cơn sốt tại phòng vé vì quy tụ dàn diễn viên không mấy hút khách. Cùng với đó, phim cũng không có nhiều đột phá khi nội dung và lối kể chuyện mang đậm màu sắc truyền hình. Sau 2 tuần công chiếu, phim thu về vỏn vẹn có hơn 2 tỉ, một phần cũng vì sự hạn chế về truyền thông.

Mới đây nhất, rạp chiếu lại tiếp tục chào đón một “thảm họa” mới mang tên Live: Phát trực tiếp. Dù chọn đề tài khá “hot” và trẻ trung, có nhiều yếu tố hấp dẫn để khai thác, thế nhưng cách xây dựng kịch bản non nớt khiến các câu chuyện chưa chạm được đến người xem. Từ bối cảnh đến diễn viên đều cho thấy đây không phải là dự án được đầu tư tốn kém, thế nên khả năng không ở mức lỗ nặng, nhưng với thành tích mờ nhạt tại phòng vé như hiện nay, thì dĩ nhiên tác phẩm sẽ phải rút sớm khỏi cuộc chơi vì không có khán giả.

Phim thương mại có dấu hiệu “hụt hơi” - Anh 2

 Bến phà xác sống” nhận nhiều lời chê về nội dung, kỹ xảo lẫn tạo hình

Làm chưa tới

Rõ ràng, thị trường phim chiếu rạp nội địa đang cho thấy nhiều tiềm năng và cả thách thức. Có những tác phẩm nhanh chóng thu về hàng trăm tỉ và cũng có những tác phẩm phải đối mặt với nguy cơ trắng tay. Qua đó để thấy, một dự án điện ảnh thương mại, về cơ bản phải hướng đến việc chạm được vào cảm xúc của khán giả. Phim hài thì phải khiến người xem cười, kinh dị phải làm người ta sợ, phim gia đình thì phải đời… Thế nhưng, dường như vẫn có nhiều đạo diễn mộng tưởng màu hồng về đứa con tinh thần của mình, bởi không phải cứ có ý tưởng tốt là phim sẽ hay, bởi điện ảnh cần phải dung hòa tất cả các yếu tố thì mới có thể cho ra đời một tác phẩm có chất lượng.

Tiêu biểu nhất gần đây là trường hợp của Cù lao xác sống hay Bến phà xác sống của đạo diễn Nguyễn Thành Nam. Dù chọn đề tài “zombie” rất thành công tại Hollywood và Hàn Quốc, thế nhưng phiên bản “made in Vietnam” lại gây thất vọng toàn tập, khi tất cả những gì được thể hiện đều ở mức nửa vời hoặc chỉ làm cho có. Hay Kẻ ẩn danh, vì quá tập trung vào phần hành động, đạo diễn kiêm biên kịch Dan Trần đã “quên” đi việc phát triển tâm lý nhân vật và xây dựng đường dây câu chuyện, khiến bộ phim trở nên nhạt nhòa. Trước khi công chiếu, phim đã có được một điểm cộng lớn khi có sự góp mặt của Kiều Minh Tuấn và Quốc Trường - hai diễn viên được đánh giá cao về khả năng diễn xuất. Việc họ xuất hiện trong một bộ phim hành động ít nhiều đã tạo được sự tò mò đối với công chúng. Theo ê kíp chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt phim, nam diễn viên Kiều Minh Tuấn đã mất gần nửa năm để nghiên cứu nhân vật và chuẩn bị cho vai diễn, từ việc tập luyện võ thuật cho đến thay đổi ngoại hình để mang lại cảm giác chân thật nhất với người xem. Thế nhưng, kết quả trên phim hoàn toàn khác, khi phần lớn cảnh hành động, đạo diễn chủ yếu dùng góc cận hoặc quay từ sau lưng. 

Còn với Chạm vào hạnh phúc, xuyên suốt 109 phút, phim truyền tải tư tưởng về khát vọng mưu cầu hạnh phúc nhưng lại có nhiều tình tiết vô lý, bi kịch hóa quá mức khiến thông điệp hoàn toàn mờ nhạt. Việc lạm dụng giọng kể chuyện còn khiến Chạm vào hạnh phúc mang nặng tính giáo điều, khiến người xem có cảm giác đây là tập đặc biệt của một bộ phim truyền hình nhiều tập. 

Và đối với bộ phim mới nhất Live - Phát trực tiếp, việc khai thác vấn đề mặt trái của mạng xã hội hiện nay rõ ràng sẽ thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Bởi, những câu chuyện này rất gần gũi và phù hợp với thực trạng tại Việt Nam, khi vẫn có nhiều người đang làm “mukbang” hoặc “review” trên mạng xã hội để kiếm sống, vấn nạn bạo lực mạng vẫn hiện hữu… Tuy nhiên, kịch bản quá non nớt, dễ đoán và nhàm chán đã không cứu nổi được một đề tài hay. Qua đó thấy được, một chuyện phim hấp dẫn không đủ để tạo nên một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh. Với đạo diễn Khương Ngọc, có lẽ cái anh cần là một kịch bản chắc tay, đậm chất điện ảnh cùng một dàn diễn viên chất lượng thì mới có thể tạo nên một bộ phim đúng nghĩa.

Suy cho cùng, yếu tố then chốt để làm nên tác phẩm điện ảnh chất lượng vẫn nằm ở sự chỉn chu của các nhà làm phim. Bởi lẽ, khán giả đương đại là những người xem khắt khe, họ sẵn sàng đến rạp để thưởng thức những bộ phim chất lượng. Vì thế, thay bằng mải mê chạy theo số lượng hay đổ lỗi cho nhiều lý do, có lẽ đã đến lúc các nhà làm phim nên nhìn nhận lại cách làm của chính mình, xem “vì đâu nên nỗi” để rút ra bài học “xương máu”. 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc