Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã cởi mở, thẳng thắn lắng nghe đa chiều dư luận

VHO- Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, ông tán thành với sự cởi mở, thẳng thắn và lắng nghe dư luận của Hội đồng thẩm định, phân loại phim và Cục Điện ảnh, đặc biệt với những bộ phim nhận được những ý kiến đa chiều.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã cởi mở, thẳng thắn lắng nghe đa chiều dư luận - Anh 1

         PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú

“Những năm gần đây, Hội đồng đã nỗ lực phát huy vai trò “gác cửa”, ngăn chặn nhiều hành vi xâm lăng văn hóa thông qua loại hình nghệ thuật có độ phủ sóng rộng là điện ảnh…”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định.

 Trong bối cảnh đời sống điện ảnh ngày càng sôi động thì trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, phân loại phim ngày càng nặng nề hơn. Ở cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: Tôi cho rằng sự xuất hiện của mỗi bộ phim điện ảnh Việt Nam hiện nay đều là những tín hiệu tích cực, góp sức để điện ảnh Việt trở nên khỏe khoắn hơn, khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Tất nhiên, chất lượng mỗi phim khác nhau; đánh giá của khán giả cũng khác nhau. Các nhà lý luận phê bình điện ảnh cũng vậy, họ thường có thẩm định riêng mà đôi khi chưa chắc đã đồng chiều với gu thưởng thức của khán giả. Tôi cho rằng, một bộ phim được khen, chê khác nhau là chuyện bình thường.

Cũng trong bối cảnh này, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Điện ảnh, vai trò thẩm định phim của Hội đồng càng đặc biệt quan trọng. Hội đồng thẩm định, phân loại phim liên tục được kiện toàn qua mỗi nhiệm kỳ, bao gồm các thành viên uy tín, đầy đủ năng lực chuyên môn để thẩm định, đưa ra quyết định chính xác, thuyết phục nhất. Nhiều phim có vấn đề nổi cộm thời gian gần đây, phim cài cắm “đường lưỡi bò”, xâm phạm chủ quyền văn hóa quốc gia, không phù hợp với thuần phong mỹ tục… đều đã bị Hội đồng “tuýt còi”, yêu cầu chỉnh sửa hoặc không cấp phép phổ biến.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã cởi mở, thẳng thắn lắng nghe đa chiều dư luận - Anh 2

 Cảnh trong phim Em và Trịnh, tác phẩm từng gây tranh cãi trái chiều

 Nhiều ý kiến nhận định về sự cởi mở, thông thoáng hơn từ Hội đồng trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho sáng tạo trong điện ảnh. Ông có chung nhận định này?

Như đã nói, trong bối cảnh hiện nay, mỗi bộ phim Việt Nam ra đời đều rất mong có được sự đón nhận cởi mở. Phim Nhà nước đầu tư kinh phí nhiều năm qua với số lượng khiêm tốn, chỉ khoảng 1,5- 2 phim/năm. Vì thế, hầu hết diện mạo của điện ảnh Việt Nam hiện nay được tạo nên từ nguồn vốn của điện ảnh tư nhân, tập trung ở khu vực phía Nam. Vì là của tư nhân đầu tư nên ở dòng phim này, nhà sản xuất thường nghĩ đến việc thu hồi vốn, cân nhắc yếu tố giải trí nhằm thu hút khán giả. Bên cạnh đó là dòng phim độc lập, chủ yếu hướng đến các LHP quốc tế và được sản xuất nhờ nguồn kinh phí tài trợ. Thường thấy, đa phần với các phim tác giả, phim độc lập đều hướng đến các tiêu chí thể nghiệm, bộc lộ mọi ý tưởng của đạo diễn, thường kén khán giả, đồng nghĩa với tỉ lệ chiếm ghế tại rạp không cao.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến nhiều bước chuyển mình. Hội đồng thẩm định phim cũng đã cho thấy sự đổi mới, cái nhìn thông thoáng, cởi mở hơn trước rất nhiều. Bạn hãy thử đi xem Thành phố ngủ gật của đạo diễn Lương Đình Dũng, sẽ thấy nhận định đó hoàn toàn đúng. Phim mô tả tâm trạng uẩn ức của nhân vật cùng diễn biến tâm lý tội phạm, nhiều cảnh có nội dung bạo lực, sex, mô tả hành vi phạm pháp… tạo không khí ngột ngạt. Theo tôi nghĩ, tác giả đã theo đuổi đến cùng thông điệp “dùng cái ác để diệt trừ cái ác”, và vì thế ẩn sâu trong nhiều lớp ngữ nghĩa sáng tạo mang dấu ấn riêng, phim vẫn mang giá trị giáo dục nhất định, và Hội đồng duyệt đã cấp phép ra rạp. Điều đó cho thấy Hội đồng hiện nay đã rất đổi mới, thức thời, không còn tư tưởng “cấm” như một thời kỳ trước đây. Những cập nhật đổi mới đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả, tác phẩm. Khi nghệ sĩ được khuyến khích, tôn trọng tự do sáng tác, thăng hoa sẽ hứa hẹn ra đời những tác phẩm chất lượng, có giá trị nhân văn, tính giáo dục, thẩm mỹ.

Với một số bộ phim tạo nhiều luồng ý kiến trong thời gian gần đây như Đất rừng phương Nam, ông đã từng lên tiếng: “hãy để cho điện ảnh thở”. Xin ông chia sẻ thêm về quan điểm này?

Việc khen- chê một bộ phim là cần thiết và thậm chí là may mắn. Phim ra đời mà lọt thỏm hay bị lãng quên thì đấy mới là điều đáng buồn. Tôi đã nói, “hãy để điện ảnh thở”, để khán giả có nhiều phim cho những chọn lựa của mình. Những cách nhìn cực đoan nhiều khi làm thui chột sự phát triển.  Đôi khi thấy buồn cho anh em nghệ sĩ, đội ngũ làm điện ảnh khi nhiệt huyết, cố gắng để cho ra đời những bộ phim mới. Theo tôi, rất nên và đáng trân trọng.

Mặt khác, một tác phẩm điện ảnh nếu phải “mang vác” quá nhiều nhiệm vụ  thì cũng khó quá. Làm sao chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, phim vừa lột tả tâm trạng, số phận nhân vật, vừa gắn với nhiều đòi hỏi khác. Điều đó đôi khi quá sức và ngay cả người làm phim cũng không mường tượng hết những tác động vượt xa tầm tư tưởng của tác phẩm. Từ đó tạo dư luận trái chiều và ảnh hưởng trực tiếp đến bộ phim. Với Đất rừng phương Nam, tôi được biết nhiều khán giả đã định ra rạp nhưng nghe những ý kiến chê bai thì dừng lại không đi xem nữa. Có một số bạn của tôi hỏi nhận định về phim, nhưng chính họ lại chưa hề xem phim.

Phê bình phim rất quan trọng. Việc phê bình để xây dựng, giúp người làm phim khắc phục để làm phim sau tốt hơn là nên có. Nhưng để vùi dập thì lại khác. Vài năm gần đây, tôi thấy xuất hiện ở một số phim như Cậu Vàng, Em và Trịnh, Đất rừng Phương Nam… có nhiều bàn luận, đánh giá trái chiều trên báo chí và mạng xã hội. Tôi nghĩ văn hóa đối thoại là rất cần thiết. Nhớ lại phim Em và Trịnh, những phát biểu của các nhân vật liên quan đã càng thôi thúc sự tò mò, lôi cuốn nhiều khán giả đến rạp. Sự hiếu kỳ đó cũng khiến doanh thu phòng vé tăng lên. Cho đến Đất rừng phương Nam, có nhiều khen chê vừa khiến nhiều người bài xích không tới rạp, vừa khiến nhiều người mua vé bởi tò mò. Mỗi quan điểm đều có lý riêng, theo cách nhìn riêng.

Tôi từng chia sẻ “hãy để điện ảnh thở” cũng có phần xuất phát từ thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Nhìn sang điện ảnh Bollywood của Ấn Độ, mỗi năm có từ 800-1200 phim để phục vụ thị trường Ấn Độ trước khi bán sang các nước. Trong một “bữa tiệc” có nhiều món ăn, bạn có quyền ăn món này mà không ăn món kia. Với điện ảnh Việt Nam, một phim ra đời nếu được đón nhận bằng tất cả sự cởi mở thì một năm cũng chỉ ra đời mấy chục phim. Chưa kể rằng phim Việt có ra được chợ phim nước ngoài hay không, có đến được các LHP quốc tế hay không mới thật sự cần. Dòng phim độc lập hay phim Nhà nước đặt hàng dù được nhìn nhận, đánh giá cao về nghệ thuật nhưng lại rất kén khán giả, ra thị trường rất khó khăn. Giá kể, một năm ta sản xuất được khoảng 200-300 phim thì khán giả có nhiều lựa chọn, chúng ta có được nền điện ảnh “khỏe mạnh”, trong đó có cả những phim nghệ thuật cao siêu, phim giải trí, phim độc lập… thì hay biết mấy!

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã cởi mở, thẳng thắn lắng nghe đa chiều dư luận - Anh 3

 Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam

Một số ý kiến cho rằng Đất rừng phương Nam có một số nội dung không đúng về lịch sử, trách nhiệm lớn thuộc về Hội đồng thẩm định, phân loại phim? Ông có suy nghĩ gì?

Tôi cũng đã lắng nghe tất cả những ý kiến về bộ phim và trao đổi trực tiếp với Cục Điện ảnh. Quan điểm của Cục Điện ảnh và Hội đồng khi thẩm định, phân loại xem xét bộ phim dựa trên nền tảng hư cấu nghệ thuật, không phải là những tư liệu lịch sử. Trong thực tế lịch sử, khoảng những năm 1920- 1930 có nhiều hội, nhóm ở lục tỉnh Nam Bộ cùng tồn tại, duy trì các hoạt động yêu nước, kháng Pháp. Cục Điện ảnh, Hội đồng đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng về những nội dung này và khẳng định, không có sơ suất hay bỏ lọt những chi tiết, yếu tố chính trị như dư luận lên án. Tôi đồng ý quan điểm này.

Tôi cũng tán thành sự cởi mở, thẳng thắn và lắng nghe những ý kiến trái chiều của dư luận từ Cục Điện ảnh. Cục đã mời một số cơ quan chức năng, nhà sản xuất, cùng với Hội đồng thảo luận kỹ lưỡng, chấp nhận thiện chí và đề xuất chỉnh sửa của nhà sản xuất nhằm tránh hiểu lầm, liên tưởng. Cấp phép phổ biến phim là quyết định đầy đủ cơ sở pháp lý để bộ phim được đến với đông đảo người xem.

Thời gian qua, Bộ VHTTDL có nhiều nỗ lực và thường xuyên sâu sát, lắng nghe dư luận và có những động thái kịp thời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Với tư cách Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông nhận định như thế nào về những nỗ lực này?

Tôi cho rằng trả lời tốt nhất câu hỏi này chính là Hội đồng thẩm định, phân loại phim- những người trong cuộc. Bản thân tôi cũng nhận thấy những nỗ lực đó từ Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Hội đồng. Có thể, qua câu chuyện này, mỗi thành viên Hội đồng sẽ càng thấy cần nâng cao trách nhiệm nhiều hơn, càng cần kỹ càng và cẩn trọng nhiều hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Những năm gần đây, Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã nỗ lực phát huy vai trò “gác cửa”, ngăn chặn nhiều hành vi xâm lăng văn hóa thông qua loại hình nghệ thuật có độ phủ sóng rộng là điện ảnh…

(Chủ tịch Hi Điện ảnh Việt Nam ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ)

 

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc