LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất: Người trẻ “làm nên chuyện” với phim hoạt hình

VHO- Tại đêm Bế mạc LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất, tác phẩm Phù du của hai bạn trẻ Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát (sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) đã xuất sắc vượt qua 12 bộ phim để giành giải thưởng cao nhất Ong Vàng ở hạng mục phim Hoạt hình. Đặc biệt hơn khi họ là hai anh em song sinh đang theo học tại Khoa Mỹ thuật ứng dụng và cũng là lần đầu “chạm ngõ” một cuộc thi về phim ảnh.

LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất: Người trẻ “làm nên chuyện” với phim hoạt hình - Anh 1

Tác phẩm “Phù du” giành giải thưởng Ong Vàng hạng mục phim Hoạt hình tại LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất

Gặt hái “quả ngọt”

Được xướng tên ở giải thưởng cao nhất tại LHP ngắn TP.HCM, hai chàng trai trẻ Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát đã khiến khán giả ngạc nhiên và thán phục khi biết đây là cặp song sinh lần đầu mang tác phẩm lên “đấu trường”. Trên sân khấu nhận giải, cả hai đã dành lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và chia sẻ: “Phù du là dự án khởi đầu của chúng em, được thực hiện trong gần một năm. Dù gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nhưng chúng em sẽ cố gắng học hỏi thêm để tạo ra được những bộ phim chất lượng, ý nghĩa hơn trong tương lai, làm rạng danh phim hoạt hình Việt Nam”.

Theo đó, bộ phim kể về hành trình “chỉ sống 24 giờ” của loài phù du với sứ mệnh “giao phối, đẻ trứng, ra đi”. Trong lúc một cậu phù du đang hoảng loạn đi tìm bạn đời để hoàn thành “sứ mệnh” của mình, thì cậu bất ngờ bị chim bồ câu bắt, cậu lạc đến một ngọn núi cao rất xa con sông nơi cậu sống. Thế nhưng, cậu vẫn quyết tâm phải trở về để tiếp tục “sứ mệnh”. Để rồi khi băng qua cánh rừng, băng qua những ngọn núi, những con sông, cậu nhận ra thế giới xung quanh thật tươi đẹp biết bao. Ngay khoảnh khắc ấy, phù du đã thay đổi, không ám ảnh về “sứ mệnh” nữa mà tận hưởng khung cảnh, trải nghiệm cuộc sống. Khi trở về, cậu đã kể lại hành trình kỳ thú cho cả bầy và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. “Phù du chỉ sống 24 giờ, nên hãy sống theo cách bạn muốn” là sứ mệnh mới mà cậu muốn gửi gắm đến đồng loại của mình.

Bộ phim dù chỉ dài hơn 6 phút, nhưng đã để lại ấn tượng cho người xem bởi hình ảnh sinh động, tạo hình các nhân vật phong phú, đậm chất Việt với nón lá, ruộng bậc thang, con trâu, hoa sen… Nhận xét về Phù du, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, Trưởng BTC cho biết, xét về mặt kỹ thuật, phim vẫn chưa ở mức hoàn hảo, nhưng xét ở khía cạnh cốt truyện, tính sáng tạo thì Phù du thực sự nổi bật hơn những tác phẩm còn lại, với cách kể chuyện hấp dẫn, mới mẻ, cuốn hút khán giả ở mọi lứa tuổi.

Nói về quá trình thực hiện dự án, Tất Thắng cho biết, là người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nên hai anh em gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật và phần mềm. “Nhiều bài học đã vỡ ra trong lúc làm, như việc có những chi tiết trông đẹp khi vẽ nhưng lại không khả thi khi dựng 3D và làm chuyển động nhân vật. Chính vì thế, nhóm phải kết hợp các mô hình 3D ở tiền cảnh và các hình vẽ 2D ở hậu cảnh, canh chỉnh màu sắc, hiệu ứng kỹ xảo để phim đạt hiệu quả cao nhất”, Tất Thắng chia sẻ. Một thử thách khác là trong phim có số lượng lớn các nhân vật, dẫn đến yêu cầu phải làm sao cho người xem phân biệt được chúng và hiểu đây đều là loài phù du. Chính vì thế, các thiết kế luôn phải giữ nét đặc trưng của các bộ phận như râu, cánh, đuôi, màu sắc… nhưng đồng thời cũng khai thác các tỷ lệ, khoảng cách ngũ quan khác nhau để tạo sự đa dạng cho nhân vật.

Dám theo đuổi ước mơ

Lần đầu dự thi đã giành được giải thưởng lớn, đó không hẳn là may mắn của Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát, mà chính là sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi suốt cả năm qua. Hai anh em cho biết, kinh phí để làm phim không quá lớn, bởi tất cả các khâu đều do họ tự thực hiện.

Nói về cơ duyên gắn bó với ngành Mỹ thuật ứng dụng, cả hai cho biết, 4 năm trước hai anh em đã đột ngột quyết định rẽ ngang từ khối A sang khối H. Bởi lẽ, ngày nhỏ, như mọi đứa trẻ khác, Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát rất thích xem phim hoạt hình rồi dần dà niềm đam mê đã ngấm vào trong họ lúc nào không hay. Chính vì vậy, dù không phải gia đình có truyền thống về nghệ thuật, nhưng cả hai đã chọn theo ngành này với mong muốn một ngày nào đó sẽ tự mình tạo ra những bộ phim hoạt hình hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Chu Tấn Phát bày tỏ: “Mục tiêu của chúng em là tạo ra những bức tranh, những bộ phim để truyền tải câu chuyện tích cực đến với mọi người và mong muốn dùng nghệ thuật để làm những việc có ích”.

Bên cạnh học tập, Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát còn tích cực tham gia các hoạt động trong trường. Thắng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên; Phát làm Bí thư Đoàn trường và cả hai đã nhiều lần nhận bằng khen, kỷ niệm chương của Thành đoàn TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam và Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM… Vừa qua, Chu Tất Thắng đã xuất sắc giành danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp của Khoa Mỹ thuật ứng dụng và Chu Tấn Phát cũng nhận bằng loại giỏi. Với bộ phim tốt nghiệp đoạt giải Ong Vàng tại LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất, hai anh em đã có thêm một thành tích đáng tự hào trong hành trang của tuổi trẻ. Đặc biệt, đây còn là “bước đệm” để cặp song sinh vững tin hơn trên con đường làm phim hoạt hình chuyên nghiệp.

Có thể thấy, phim hoạt hình trên thế giới luôn được xem là “mỏ vàng” khi không chỉ chiếu trên truyền hình mà còn “khuấy đảo” các cụm rạp. Nắm bắt được xu thế ấy, các nhà làm phim Việt đã mạnh dạn hơn và dần bước ra khỏi “cái nôi an toàn” trong việc đầu tư làm phim hoạt hình về nội dung lẫn hình thức. Để hoạt hình Việt có chỗ đứng thì chắc chắn khâu cốt lõi vẫn là nguồn nhân lực. Chính những “sân chơi” như LHP ngắn TP.HCM đã mở ra cơ hội cho những người trẻ ở các hạng mục nói chung và phim Hoạt hình nói riêng. Cũng qua đây, họ được học hỏi, cọ xát, định hình phong cách cá nhân, từ đó bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho nền điện ảnh nước nhà trong tương lai. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc