Quản trị thông tin trong kỷ nguyên số

VHO - Ngày 22.11, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Quản trị thông tin trong kỷ nguyên số” (IMCON2023) dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quản trị thông tin trong kỷ nguyên số - Anh 1

PGS.TS Đặng Hoài Thu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá phát biểu khai mạc Hội thảo

Tìm kiếm giải pháp cho những thách thức của quản trị thông tin

Hội thảo tập trung vào những vấn đề mới liên quan đến quản trị thông tin trong môi trường số, nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản trị thông tin thông tin trong bối cảnh xã hội, tổ chức và với mỗi cá nhân.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tiếp cận thông tin chính xác và sử dụng phù hợp trở nên thiết yếu với mọi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

Thông tin không chỉ là nguồn lực chiến lược mà còn là yếu tố quyết định cho nhiều lĩnh vực hoạt động như giáo dục, nghiên cứu, sản xuất, quản lý, chăm sóc sức khỏe, truyền thông, đổi mới và tiến bộ công nghệ.

Việc ứng dụng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, học máy, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật, blockchain, chatbots, đã làm thay đổi căn bản vai trò, quy trình và phương thức quản trị thông tin. Điều này mở ra những cơ hội và thách thức mới trong việc đào tạo nhân lực quản trị thông tin và quản lý nguồn lực thông tin một cách hiệu quả.

Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thông tin thư viện và quản trị thông tin hàng đầu tại Việt Nam, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo IMCON2023 nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm giữa cộng đồng nghiên cứu, nhà thực hành và học giả từ Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đặng Hoài Thu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá cho biết: “Kỷ nguyên số - Cách mạng công nghiệp 4.0 - là một giai đoạn trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nơi công nghệ số đóng vai trò chủ đạo, làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác. Chúng ta đang chứng kiến các hệ thống và thiết bị được kết nối với nhau qua mạng giúp tối ưu hóa quy trình, tăng năng suất, hiệu suất và cung cấp thông tin liên tục. Sự bùng nổ thông tin và dữ liệu được tạo ra mỗi ngày. Con người sử dụng các dịch vụ thông minh với những tương tác trực tuyến để nâng cao hiệu quả công việc cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của mình”.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà thông tin trở thành một nguồn lực quý báu, quyết định sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia - dân tộc. Kỷ nguyên số đang mở ra một thế giới mới, nơi mà mọi thứ được kết nối và thông tin trở thành động lực chính cho sự đổi mới và tiến bộ”, bà Đặng Hoài Thu nói.

Kỷ nguyên số mang tới những cơ hội tuyệt vời cho quản trị thông tin như sự gia tăng về lượng thông tin, dữ liệu, sự bùng nổ của các kênh truyền thông với những ứng dụng của các công nghệ tiên tiến. Kỷ nguyên số cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với quản trị thông tin. Phương thức, mục tiêu của quản trị thông tin thay đổi tạo ra nhiều yêu cầu mới về năng lực của nhân lực quản trị thông tin trong những bối cảnh đa dạng.

Bà Đặng Hoài Thu nhấn mạnh: “IMCON2023 sẽ là nơi để chúng ta chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đồng thời là diễn đàn để tìm kiếm giải pháp cho những thách thức ngày càng phức tạp của quản trị thông tin. Cùng với các vị diễn giả xuất sắc, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thực hành nhiều kinh nghiệm, chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào các khía cạnh của quản trị thông tin qua các góc nhìn. Các xu hướng về bùng nổ thông tin, quản trị thông tin hiệu quả, học thuật mở, phát triển dịch vụ thông tin, học máy và đào tạo nhân lực quản trị thông tin… với nhiều vấn đề đặt ra như dữ liệu lớn, an ninh thông tin, trí tuệ nhân tạo, IoT hay blockchain. Những thảo luận này sẽ không chỉ là những bước đi quan trọng mà còn là những bước nhảy vọt đối với sự phát triển của cộng đồng quản trị thông tin”.

Quản trị thông tin trong kỷ nguyên số - Anh 2

Đoàn chủ tịch chủ trì Hội thảo

Đào tạo nguồn nhân lực quản trị thông tin đáp ứng nhu cầu của xã hội

Hội thảo quy tụ gần 60 tham luận của các tác giả là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thực hành trong nước và các chuyên gia quốc tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức. Sự kiện này sẽ mang lại cơ hội cho việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất và đóng góp vào sự phát triển sáng tạo của quản trị thông tin trong môi trường số.

Hội thảo có các trình bày tham luận của các diễn giả: bà Elenita Tapawan, Giám đốc Phụ trách các Trung tâm Hoa Kỳ tại khu vực, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội;  Giáo sư Sam Oh, Giáo sư Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc; Giáo sư HoiKyun Byeon, Giám đốc Nghiên cứu IT, Công ty Futurenuri Hàn Quốc; TS. Nguyễn Văn Thiên, Trưởng Khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội; ThS. Trịnh Thu Hà, Phó Quản lý cấp cao Thư viện ĐH RMIT Việt Nam; bà Huỳnh Tôn Nữ Minh Nguyệt, Chuyên viên hỗ trợ nghiên cứu trường ĐH RMIT Việt Nam; ThS. Hoàng Văn Dưỡng, Phó Trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Thư viện và Tri thức số, ĐH Quốc gia Hà Nội; TS. Lê Diệu Thu, Nhà khoa học ứng dụng cấp III, Amazon Alexa AI, Berlin, Đức…

Lấy bối cảnh quản trị thông tin ở Hoa Kỳ, bà Elenita Tapawan, Giám đốc Phụ trách các Trung tâm Hoa Kỳ tại khu vực, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trình bày báo cáo về “Các hệ thống xây dựng cộng đồng công dân hiểu biết”. Bài trình bày tập trung làm rõ những hệ thống quan trọng nhằm phát triển một xã hội có thông tin đầy đủ. Đồng thời, đề cập đến việc đào tạo và phát triển các chuyên gia thông tin ở Hoa Kỳ và nhấn mạnh các trường thông tin thư viện cần điều chỉnh chương trình đào tạo, nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu thông tin thay đổi.

Bà Elenita Tapawan qua tham luận của mình cũng làm rõ vai trò của Chương trình American Spaces (Hoa Kỳ) trong quản trị thông tin, đặc biệt là tại Việt Nam, thông qua giới thiệu các chương trình hỗ trợ tự chủ và giáo dục. Qua đó, khẳng định ý nghĩa của quản trị thông tin và vai trò quyết định của các chuyên gia thông tin đối với việc giải quyết những thách thức xã hội trong kỷ nguyên thông tin.

GS. Sam Oh (Đại học Sungkyungkwan, Hàn Quốc) với tham luận “Phong trào iSchool và những thế mạnh” đã giới thiệu về phong trào iSchool và sự ra đời của iSchools - tổ chức kết nối các trường đào tạo chuyên gia thông tin toàn cầu.

Trong đó, GS. Sam Oh tập trung đề cập các trường đào tạo và chương trình cử nhân, thạc sĩ quản lý thông tin, đồng thời đi sâu làm rõ các yêu cầu đặt ra để đảm bảo hiệu quả của chương trình đào tạo. Bài trình bày cũng khái quát các năng lực thiết yếu của chuyên gia thông tin trong thời đại số với các yêu cầu về kiến thức, năng lực, công cụ và đạo đức. GS. Sam Oh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng mạng lưới và củng cố sự liên kết giữa các trường đào tạo iSchool.

GS. HoiKyun Byeon (Công ty Futurenuri, Hàn Quốc) với tham luận “Chuẩn bị cho chuyển đổi số dưới góc nhìn thư viện: Cơ hội và thách thức từ kinh nghiệm Hàn Quốc” đã nêu khái quát của thế giới số với các khía cạnh khác nhau của chuyển đổi số dưới góc nhìn thư viện.

Làm rõ khái niệm "chuyển đổi số" và ý nghĩa của chuyển đổi số khi áp dụng vào thư viện, GS. HoiKyun Byeon cũng đồng thời xem xét những xu hướng đang làm thay đổi cách thư viện hoạt động, bao gồm công nghệ thông tin, các lĩnh vực liên quan đến thư viện và việc xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia. Từ nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, HoiKyun Byeon đi sâu phân tích việc áp dụng các công nghệ mới nổi, làm rõ cách chúng thay đổi bản chất của thư viện cũng như việc sáng tạo, quản lý, và sử dụng thông tin.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thiên (Trưởng Khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) khẳng định: Kỷ nguyên số với những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi căn bản phương thức của hoạt động quản trị thông tin. Vai trò của chuyên gia quản trị thông tin thay đổi với nhiều nhiệm vụ mới. Những thay đổi này cũng đặt ra những yêu cầu mới về năng lực đối với nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản trị thông tin. Trong thời đại số, việc đào tạo nhân lực quản trị thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Trên cơ sở khái quát các quan điểm về quản trị thông tin, ông Nguyễn Văn Thiên phân tích những thay đổi về cấu trúc tri thức của quản trị thông tin và những yêu cầu đặt ra đối với nhân lực quản trị thông tin hiện nay. Bài trình bày của ông Nguyễn Văn Thiên cũng đi sâu làm rõ việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực quản trị thông tin tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm quý về phương pháp tiếp cận, huy động nguồn lực và gắn đào tạo lý thuyết với thực hành nhằm đảm bảo chất lượng nhân lực quản trị thông tin đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc