Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số

VHO – Ngày 7.12.2023 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 1

Lãnh đạo Hội Nhà báo VN, Bộ TT&TT, TTXVN chủ trì Toạ đàm

Đồng chủ trì tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang;  Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng.

Tham dự Hội thảo có 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, đại biểu tham dự Hội thảo là đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà báo và đông đảo hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 2

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu chào mừng Hội thảo

 “Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn báo chí ASEAN, phát huy vai trò quốc tế trong khối ASEAN của Hội Nhà báo Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 43 -CT/TW ngày 8.4.2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12 -CT/TW ngày 5.1.2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” và Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 3

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu đề dẫn

Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội các quốc gia. Đối với báo chí, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…; từ đó tối ưu hoá quản trị toà soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia. Một mô hình toà soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị toà soạn.

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 4

Phiên thứ nhất của Hội thảo

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị toà soạn số”; Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”. Tham luận tại Hội thảo sẽ đi sâu vào những vấn đề về quản trị toà soạn số hiện nay, như: Xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; Quản trị toà soạn số - cơ hội và thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; Nền tảng số và công cụ số trong quản trị toà soạn báo chí số; Ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; Nhân lực cho vận hành toà soạn số; Mô hình toà soạn số và vấn đề quản trị nguồn lực thực thi toà soạn số; Quản trị toà soạn số ở các tổ hợp báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa loại hình; Quản trị toà soạn số ở các đài phát thanh, truyền hình;  Vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm xây dựng và quản trị toà soạn số… Các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà báo tiếp cận và phân tích sâu về quản trị nội dung và quản trị toà soạn số; công nghệ số áp dụng để xây dựng toà soạn số và hệ sinh thái cơ quan báo chí; hướng tiếp cận vấn đề từ công nghiệp văn hoá, công nghiệp nội dung, công nghiệp số, kinh tế - kinh doanh - tài chính… Trong khuôn khổ Phiên 2 Hội thảo, sẽ diễn ra toạ đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”.

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 5

Trong khuôn khổ Hội thảo đã khai mạc Trưng bày chuyên đề "Hội nhà báo Việt Nam: Những chặng đường lịch sử, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế"

Chia sẻ tại Hội thảo, nhà báo Wu Rui Ming, Báo Shin Min Daily News của SPH Media (Singapore) thông tin quá trình chuyển mình của tờ báo từ thời đầu xuất bản đen trắng đến sự thay đổi hiện nay với nhiều hình ảnh, nhiều màu sắc. Nhà báo Wu Rui Ming cho rằng, với tư cách hoạt động là báo giấy phải liên tục thay đổi, đón đầu tin tức thì yếu tố thời gian là rất quan trọng. Là cơ quan báo in nên có deadline (thời hạn nộp bài) chặt chẽ. Hiện nay, việc tương tác với độc giả ngoài việc chuyển thông tin trên báo còn đường dây nóng 24h. Điều khó khăn là ngoài việc cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, thì thông tin lại phải đảm bảo tính trung thực, do đó cần phải kiểm chứng một cách kỹ càng.

Cũng theo nhà báo Wu Rui Ming, trong thời đại hiện nay, cần nhiều hình thức chuyển tải thông tin khác nhau như livestream, video... “Ngoài việc đưa tin dưới hình thức báo giấy, chúng tôi vó chương trình thường nhật, chọn 2-3 bản tin quan trọng, livestream nội dung bản tin này trên Facebook sau khi đã xuất bản báo giấy. Có 2 phóng viên ngồi trực tiếp tương tác với người xem”, nhà báo Wu Rui Ming chia sẻ.

Giới báo chí ASEAN trao đổi kinh nghiệm quản trị tòa soạn số - Anh 6

Các đại biểu tham quan Trưng bày chuyên đề "Hội Nhà báo Việt Nam: Những chặng đường lịch sử, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế"

Nói về thách thức đối với báo chí trong thời kỳ công nghệ số, nhà báo Wu Rui Ming cho rằng: “Độc giả không chỉ mong muốn có tin tức nhanh, hấp dẫn mà còn chuyển thì các đọc kỹ sang đọc nhanh, nên toà soạn không chỉ phải đưa tin đúng giờ, thời lượng làm việc nhiều hơnmà còn phải kiểm tra tính xác thực của thông tin. Việc áp dụng công nghệ, giúp các báo số có thể tham gia vào sân chơi rộng hơn, lớn hơn, tận dụng nhiều cơ hội hơn. Việc sử dụng công nghệ không chỉ đưa nhanh bản tin mà còn quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, phản hồi góp ý của độc giả để thu hút người đọc”, nhà báo Wu Rui Ming nhận định.

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”  là một diễn đàn mở để thảo luận các vấn đề lý thuyết, chia sẻ tình hình, tiến trình và các gợi mở phương pháp, giải pháp chuyển đổi số trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.

HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRUNG THÀNH

Ý kiến bạn đọc