Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hải Phòng: Lễ hội Minh Thề đề cao tinh thần chí công vô tư

Thứ Hai 18/02/2019 | 21:03 GMT+7

VHO-  Sáng 18.2.2019, (ngày 14 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại khu Di tích quốc gia đền - chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng diễn ra Lễ hội Minh Thề. Đây là lễ hội độc đáo, tái dựng các nghi lễ: quan thề không tham nhũng của công, dân thề sống trung thực thẳng thắn.

Đài thề trong Lễ hội Minh Thề

Lễ hội giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, chấp hành pháp luật. Lễ hội Minh thề có lịch sử hơn 500 năm. Sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội được khôi phục từ năm 2002. Năm 2018, Lễ hội Minh thề được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tham dự lễ hội Minh Thề gồm các trưởng, phó các thôn lãnh đạo UBND xã Thuận Thiên, UBND huyện Kiến Thụy, lãnh đạo TP Hải Phòng và các du khách. Tại Lễ hội Minh Thề, ban thờ được sắp đặt đơn giản. Chiếc mũ quan được đặt trang trọng lên chính diện ban thờ. Những người có chức sắc trong làng tương ứng với các chức Lý trưởng, Phó lý… thời xưa cùng tham gia nghi thức thề nguyện. Theo đó, một con dao nhọn sắc, một con gà trống và một bình rượu được đặt dưới ban thờ để chuẩn bị cho nghi lễ. Gà trống hành lễ có các đặc điểm: lông vàng, chân vàng, mỏ đỏ, mào cờ. Các thủ tục, nghi lễ được diễn ra nhanh gọn nhưng rất trang nghiêm. Chủ lễ là bậc cao niên, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, chấp hành quy định của pháp luật.

 Chủ lễ vung dao thực hiện động tác “chỉ trời vạch đất”

Sau màn văn nghệ mở đầu lễ hội, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên phát biểu và đánh 3 hồi trống vang vọng trời đất khai mạc lễ hội chùa Hòa Liễu. Mở đầu là phần nghi lễ Minh Thề. Sau đó, các vị chức sắc, trưởng lễ trong những bộ lễ phục truyền thống tiến vào lễ đài trong tiếng trống vang, cờ mở. Đi sau đoàn tiến lễ là các phụ lễ, tùy tùng với gươm đao, giáo mác, cờ quạt, uy nghi. Đoàn phục lễ tiến hành nghi thức cúng đường. Các nghi lễ diễn ra trang trọng, uy nghiêm. Chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức Thánh vương. Lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm. 

 Chủ tế thực hiện nghi thức cắt tiết kim kê, hòa vào bình rượu

Sau khi Tế thần, các bậc cao niên, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn đường kính 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm. Đứng trước lễ đường, vị trưởng lễ nhận dao theo phong tục, rồi xoay người một vòng, cắm mạnh dao xuống đất, thể hiện ý chí cao ngất trời. Sau đó, vị chủ tế dõng dạc đọc Hịch văn tế, trong đó có đoạn: ... “phàm kẻ nào thực thi công vụ, dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ, dĩ công vi tư, nguyện chư thần đả tử. Y như văn thề”. Nội dung chính của lời thề: “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. 

 Chức văn đọc lời thề

Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề” Các vị chức sắc phục lễ giơ tay biểu lộ quyết tâm, thề minh bạch, không tham ô tham nhũng, không lấy của công dùng vào việc tư. Phần cuối lễ là nghi thức cắt tiết gà tế lễ, nhỏ vào bình rượu truyền thống. Sau khi tiết gà và rượu hòa chung, rượu được rót ra các chén nhỏ. Các vị chức sắc, từ trưởng lễ đến phục lễ uống cạn chén rượu theo nghi lễ truyền thống. Kết thúc phần nghi lễ là phần hội với các hoạt động: văn nghệ, cờ người, chọi gà… Lễ hội Minh Thề có ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc, lời thề minh bạch giữa đất trời, đề cao sự liêm khiết của các chức sắc. Lễ hội rất ý nghĩa, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, đề cao giá trị cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

 Các chức sắc trong làng, xã cùng thực hiện nghi lễ thề

Tương truyền, chùa Hoà Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc được 35 vị góp tiền để tu tạo lại ngôi chùa cổ. Thái Hoàng Thái Hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ… 
 Khi mùa màng bội thu, lương thực nhiều, tích trữ khoảng 3 tấn thóc giao cho chức sắc trong làng giữ. Để không bị thụt tài sản công, năm 1561, Thái Hoàng, Thái Hậu và dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh Thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn xâm phạm của công. Đối tượng là những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần) và dân làng gồm những người từ 18 tuổi trở lên tham gia. 

Các bậc cao niên uống rượu kim kê

Từ đó đến nay, Lễ hội Minh Thề được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ qua nhiều thế kỷ. Do những biến cố của lịch sử, Lễ hội Minh Thề từng bị gián đoạn nhiều năm. Từ năm 2003 đến nay, Lễ hội Minh Thề được phục dựng. Những người tham gia Hịch Văn Hội Minh Thề thề trước các vị thần linh: nếu lấy của công phục vụ việc công thì được thần linh ghi nhận, nếu lấy của công làm của tư thì nguyện cầu bị trư thần linh đả tử. Các cụ già dạy bảo con cháu không tham nhũng, nếu không nguyện cầu bị chư thần đả tử. Những ai trong làng bao che tội phạm, chứa chấp của gian tà sẽ bị thân linh đả tử.
Lễ hội Minh Thề mang những giá trị sâu sắc và độc đáo về lịch sử, văn hóa, giáo dục. Đồng thời, mang tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương trong khi thực hiện công vụ, đề cao tính thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí.  Lễ hội Minh Thề năm 2019 có nét mới đó là: sau khi làm lễ hịch thề, các đồng chí lãnh đạo xã đứng ra hứa trước cửa thánh hoàn thành nhiệm vụ để nâng tầm của lễ hội. Tư tưởng đặc sắc của Lễ hội Minh Thề nhằm định hướng, giáo dục mọi người, từ chức sắc đến nhân dân làm việc thiện, không làm điều ác, không tham nhũng, lấy của công làm của tư.

HẢI ĐĂNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top