Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người dân vô cảm hay pháp luật còn kẽ hở?

Thứ Tư 10/04/2019 | 10:04 GMT+7

VHO- Vụ việc một cô gái sau khi thoát ra khỏi xe ô tô đã bị một nam thanh niên đuổi theo và bị người này túm được, đè xuống đường, sau đó bị sát hại đã diễn ra cách đây hơn 1 tuần tại Ninh Bình. Điều đáng nói là, trước đó cô gái đã kêu cứu nhưng nhiều người dân xung quanh không ai cứu giúp.

Đặc biệt, một CSGT đứng cách hiện trường chỉ mấy mét nhưng đã không có hành động tích cực để ngăn cản nam thanh niên và cứu giúp cô gái đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, một người dân đứng gần hiện trường đã quay được clip và đăng tải trên mạng. Theo những gì clip quay lại được cho thấy, trước khi bị nam thanh niên đè xuống đường, sau đó ra tay sát hại, cô gái đã kêu cứu, xung quanh có rất nhiều người dân nhưng không ai xông vào cứu giúp, họ chỉ đứng bàn tán, chụp ảnh và quay video. Đặc biệt, cách nơi cô gái bị nam thanh niên khống chế, một CSGT cầm dùi cui, đi đi lại lại trong vòng vài phút, sau đó người cảnh sát này đã rút điện thoại ra gọi điện và cũng là lúc cô gái bị sát hại. Sau khi clip được đăng tải trên mạng, đã nổ ra nhiều ý kiến trái chiều.

 Hiện trường vụ án

Ý kiến trái chiều

Những người ủng hộ thì cho rằng, vì đối tượng gây án tỏ ra rất hung hãn và bị kích động, lại đang nắm trong tay con tin nên nếu người CSGT và người dân tiến đến gần, đối tượng có thể sát hại nạn nhân ngay lập tức. Hơn nữa, CSGT và người dân đều không có kỹ năng trấn áp tội phạm, do đó nếu xông vào, có thể sẽ gặp nguy hiểm. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người dân, thậm chí là hiệp sĩ, xông vào bắt cướp, đã bị sát hại. Cũng có trường hợp, người qua đường thấy nạn nhân bị TNGT, nằm bất tỉnh, đưa vào bệnh viện giúp, nhưng người nhà lại nhầm người giúp đỡ chính là người gây tai nạn nên đã lao vào hành hung hoặc bắt đền. Trong trường hợp khác, nếu người dân “mạnh tay” với kẻ sát nhân, gây ra án mạng thì có thể sẽ bị khởi tố về tội Giết người, Vô ý làm chết người hoặc Cố ý gây thương tích. Do đó, để tránh bị “thiệt thân” hoặc vướng vào những hệ luỵ, nhiều người đã không cứu giúp hoặc giúp đỡ những người bị nạn.

Ngược lại, những người phản đối phân tích, hành vi của CSGT và những người dân xung quanh là rất đáng lên án vì họ vô cảm và vô trách nhiệm. “Dù có đưa ra bất kỳ lời giải thích nào thì cũng khó chấp nhận đối với vị CSGT và những người dân chứng kiến sự việc. Giá như họ không vô cảm, không đứng quay clip mà cùng nhau vào cứu cô gái thì sự việc đau lòng nhất chưa chắc đã xảy ra”, bạn Võ Thanh Tâm bình luận. Còn một người có tên Nguyễn Minh Tiệp thì phẫn nộ: “Trời ơi, sao giữa ban ngày ban mặt, đường đông người như vậy, còn có cả cảnh sát, mà để cô gái bị nó sát hại dã man đến vậy. Nếu người cảnh sát và những người dân hô to lên, ào đến, thì chắc chắc thằng kia sẽ sợ hãi bỏ chạy, nếu có đâm nạn nhân thì cũng đâm vội, không thể rảnh rang đâm liên tiếp nhiều nhát khiến cô gái tử vong ngay như vậy”. Nhiều người chỉ ra, kẻ sát nhân chỉ sử dụng kéo nên chỉ có thể gây sát thương trong khoảng cách rất gần, còn nếu CSGT dùng dùi cui và những người dân dùng các phương tiện khác tấn công thì chắc chắn hắn sẽ không đủ thời gian đâm cô gái, mà sẽ bị khống chế và tóm gọn ngay.

Vi phạm luật?

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Công an tỉnh Ninh Bình xác nhận CSGT có mặt tại hiện trường vụ án mạng đang làm việc tại Phòng cảnh sát giao thông tỉnh và hiện cơ quan này đang xác minh làm rõ vụ việc. CSGT này cũng đang tạm thời không được đứng chốt và phải làm tường trình.

Theo một số chuyên gia pháp lý, việc CSGT đứng chỉ cách nơi nam thanh niên gây án mấy mét mà không có biện pháp cứu giúp kịp thời thì có thể phạm vào tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự. Đối với tội này, người có hành vi phạm tội phải đáp ứng đủ hai điều kiện: Người cần được cứu giúp đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và người được cầu cứu có đủ điều kiện (khả năng) để cứu. Trong trường hợp cụ thể này, nam thanh niên đã đè cô gái xuống đường và ngồi đè lên người cô gái, nam thanh niên này lại cầm kéo là vũ khí có thể gây sát thương nên cô gái đương nhiên là đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. CSGT có cầm dùi cui, và gần đó cũng có khá đông người dân, có thể yêu cầu hỗ trợ, nên nếu xác định CSGT này có đủ điều kiện để cứu giúp cô gái mà không cứu giúp thì sẽ phạm vào tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định, ngoài việc người dân đứng quay clip, chụp ảnh mà không tích cực cứu giúp nạn nhân, rõ ràng thể hiện sự thờ ơ, vô cảm đối với tính mạng của người khác, thì chính những quy định pháp luật về hậu quả do hành vi cứu giúp gây ra (nếu cứu giúp cô gái mà gây thương tích hoặc gây tử vong đối với nam thanh niên) thì có bị truy cứu không? Nếu pháp luật chưa rõ ràng hoặc việc áp dụng pháp luật không nhất quán thì có thể người dân sẽ còn vô cảm khi chứng kiến người khác gặp nguy hiểm. 

 Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top