Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sẽ bảo tồn và phát huy giá trị của 2 cửa ở Đông Thành Thủy Quan

Thứ Hai 29/06/2020 | 13:43 GMT+7

VHO- Sau khi các hộ dân bàn giao mặt bằng để đến nơi tái định cư theo đề án “Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế”, nhiều người đã khá ngạc nhiên khi nhìn thấy hai chiếc cổng độc đáo tại khu vực trái và phải Đông Thành Thủy Quan (Cống Lương Y), thuộc khu di sản Kinh thành Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế), Đông Thành Thủy Quan là khu vực phòng thủ trọng yếu của hệ thống kinh thành Huế xưa. Trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Hoa cho biết trong những ngày qua khi có thông tin về chiếc cổng này, ông đã đến tham quan và khảo sát khu vực nói trên. Đồng thời, ông cũng rất ngạc nhiên khi chiếc cổng này còn tồn tại khá nguyên vẹn, và có lối kiến trúc độc đáo và tính thẩm mỹ cao.

Chiếc cổng ở phía Nam (tức bên phải) của Đông Thành Thủy Quan được xây dựng 2 cổng vòm có liên kết, với chiều dài 7 lớp gạch, phía dưới còn có tảng đá xanh. Lối qua cổng rất nhỏ, với chiều cao lẫn chiều ngang đến chưa đến 1 mét, nên phải khom lưng mới qua được. Qua khỏi cổng là tuyến phòng lộ, tiếp giáp với sông Ngự Hà. Hiện tại vẫn còn dấu vết của các chốt cửa, hai chốt trên vẫn còn khá nguyên vẹn, còn hai chốt dưới đã bị hư hỏng.

Cửa bên phải Đông Thành Thủy Quan nhìn từ trên cao

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: chắc chắn chiếc cổng này được xây dựng cùng thời điểm với kinh thành Huế, bởi nó mang lối kiến trúc và cách thức xây dựng đồng dạng với kinh thành xưa. Tuy nhiên có thể vì một số lý do “bí mật” về phòng thủ nên ít ai nhắc đến.

“Chiếc cổng khá nhỏ, nên không phải để cho dân hay vua quan đi mà khả năng là giành cho đội vệ binh đi lại kiểm tra khu vực phòng thủ Đông Thành Thủy Quan” - ông Nguyễn Xuân Hoa nhận định. 

Sau khi nhà dân dời đi, TTBTDTCĐ Huế phải cắm biển lưu ý cẩn trọng khi thu dọn mặt bằng ở trước lối vào cửa

Tương tự, phía Bắc cống Lương Y (tức bên trái) cũng có một chiếc cổng với lối kiến trúc tương đồng. Chiếc cổng này tồn tại phía sau nhà bà Lê Thị Đào, 70 tuổi (trú tại địa chỉ số 126 Xuân 68). Bà Đào cho biết, gia đình mình với nhiều thế hệ đã sinh sống ở mảnh đất này cả trăm năm rồi, và chiếc cổng đó cũng tồn tại từ rất lâu trước đó. Cách đây hơn 5 năm, vì lo sợ trộm cắp vặt đột nhập từ cổng vào phía sau nhà nên gia đình bà Đào đã dùng bờ-lô và xi măng để bít lại cổng này.

“Gia đình tôi đã được cấp đất theo chính sách của đề án Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế, và hiện đang xây nhà ở khu tái định cư. Dự kiến khoảng chục ngày nữa, cả nhà sẽ đến nơi ở mới và trả lại mặt bằng cho di tích, khi đó cái cổng đó sẽ được thấy rõ hơn”- bà Lê Thị Đào nói.

Cửa bên trái có lối kiến trúc tương tự như cửa bên phải của Đông Thành Thủy Quan nhưng đã bị người dân bít kín lối đi

Những ngày qua, thông tin vừa mới phát hiện, phát lộ, xuất lộ chiếc cổng độc đáo này khiến cho cộng đồng dư luận ở Huế xôn xao. Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) khẳng định, theo sử liệu thì 2 cổng nói trên gọi chính xác là 2 cửa trái và phải của Đông Thành Thủy Quan. Và phía TTBTDTCĐ Huế đã biết sự tồn tại của 2 cửa này từ lâu, bộ phận nghiên cứu khoa học đã từng có nhiều lần khảo sát hiện trạng và lưu giữa lại các hình ảnh về 2 cửa này.

Cũng theo đại diện của TTBTDTCĐ Huế, trong các tài liệu xưa đã từng nhắc đến 2 cửa trái và phải của Đông Thành Thủy Quan. Cụ thể, trong Đại Nam nhất thống chí  đã có đoạn thông tin rằng (đã được dịch nghĩa):  Đầu đời vua Gia Long bắc cầu gỗ gọi là cầu Thanh Long, năm Minh Mạng thứ 11 xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện mở đóng, trên cầu xây lan can và cửa xưởng đại bác và đổi tên như hiện nay...”. Tư liệu này cũng thông tin là ở cửa trái và phải Đông Thành Thủy Quan có đặt xưởng đại bác, và vị trí này hàng ngày có vệ binh với 20 người canh giữ.

Ngoài ra, trong cuốn Kinh thành Huế địa danh (năm 1933) của tác giả Leopold Cadière đã đánh vị trí cửa trái và cửa phải của Đông Thành Thủy Quan ở vị trí số 121 trên bản đồ Kinh thành Huế, nhưng tư liệu này cũng thể hiện thời điểm đó các cửa này đã bị bít lại.

Hai cửa trái- phải của Đông Thành Thủy Quan đều được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, gồm 2 lớp vòm với chiều dài 7 viên gạch

Cách đây nhiều năm, TTBTDTCĐ Huế đã từng khảo sát hệ thống pháo đài và lô cốt trên Thượng Thành (Kinh thành Huế), qua đó đã lưu giữ hình ảnh về 2 cửa này. Và đầu năm 2020, Trung tâm tiếp tục tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước sau khi người dân đã di chuyển đến khu tái định cư (theo đề án Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế). Song song với việc khảo sát, TTBTDTCĐ Huế đã làm biển cắm để lưu ý các vị trí cần thận trọng khi thu dọn hạ giải và có văn bản báo cáo UBND TP.Huế để lưu ý trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, tiến độ dự án di dời dân cư trên Thượng Thành đang được đẩy mạnh, nhằm trả lại không gian cảnh quan và kiến trúc của Kinh thành Huế xưa. TTBTDTCĐ Huế đang tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi di tích Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên di tích này. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế.

Tại cửa phải của Đông Thành Thủy Quan, vẫn còn dấu vết của các chốt cửa, trong đó 2 chốt trên bằng đá còn khá nguyên vẹn

Thông tin với báo chí ngày 29.6, ông Võ Lê Nhật- Giám đốc TTBTDTCĐ Huế khẳng định: “2 cửa bên phải và bên trái của Đông Thành Thủy Quan, TTBTDTCĐ Huế đã phát hiện từ trước và đã thu thập hồ sơ, tư liệu, tiến hành nghiên cứu. Trong quá trình người dân sinh sống ở khu vực này, họ đã có ý thức bảo vệ si sản nên nhờ đó đến nay vẫn cơ bản giữ được giá trị cốt lõi của di tích. Sắp đến chúng tôi sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị 2 cửa này cùng với các điểm di tích trong quần thể Di tích Cố đô Huế”.

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top