Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Làm gì khi bị lừa kiếm tiền online? (Bài cuối): Nhận diện các chiêu trò

Thứ Tư 21/04/2021 | 10:33 GMT+7

VHO- Sập trang này lại có trang khác thay thế, các website ẩn danh, cung cấp cách thức chơi app kiếm tiền online đang ngày càng nở rộ và lộng hành. Số lượng nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các app kiếm tiền online ngày càng tăng, điều này dẫn tới câu hỏi làm thế nào để giúp người dân tránh khỏi những rủi ro khi lạc lối vào “thế giới” đầu tư kiếm tiền online?

 Hàng loạt các nhóm thành viên được các “đại lý” lập để kéo người tham gia vào app

 Sao dễ bị lừa đến vậy…

Dạo qua kênh YouTube sẽ bắt gặp hàng loạt những video mời chào của một số “cò”, “đại lý” đầy hấp dẫn kèm theo mã giới thiệu vào các app với nội dung đại loại như: Chỉ cần có chiếc smartphone trong tay và thực hiện vài thao tác là bạn sẽ kiếm được vài trăm cho tới hàng triệu đồng/1 ngày. Và đã có không ít người nhẹ dạ bị sập bẫy… Thủ đoạn của các app này là dựa vào các website bán hàng có uy tín như Shopee, Tiki, Lazada, Amazon, Ebay... để tạo ra những tên app tương tự “mập mờ đánh lận con đen” nhái thương hiệu như: Shopping Mall, Tiki… Khi vào app, người nạp tiền thực hiện “giật đơn” đều là những biểu tượng của các thương hiệu website uy tín nên họ càng dễ tin là nhờ có họ “đầu tư” nên các nhà bán hàng trên đó có doanh thu cao hơn. Mới đầu thì họ chỉ nạp vài trăm nghìn đồng chơi thử, sau rồi thấy hoa hồng và khuyến mãi, họ cứ nâng dần số tiền lên gấp nhiều lần.

App kiếm tiền PChome Online vừa bị sập ngày 17.4 kéo theo hàng nghìn người nạp tiền ở ứng dụng này khóc dở mếu dở, có người đã mất tới cả tỷ đồng khi tham gia. PChome Online là app tồn tại lâu nhất so với các app kiếm tiền online khác. Kéo dài 6 tháng với lợi nhuận hoa hồng chi trả cho người tham gia với lãi suất khoảng 3% - 5% tổng số tiền nạp vào ứng dụng mỗi ngày. Nạp 20.000.000 đồng vào app này, mỗi ngày người nạp sẽ thu về 1.000.000 đồng lãi. Lãi cao, app lại hoạt động kéo dài khiến lượng người tin tưởng gửi tiền ngày càng lớn. Để chốt hạ thu về một mẻ, PChome Online cũng như các app khác sử dụng chiêu trò tạo sự kiện khuyến mãi lớn, rồi viện lý do bận và ngăn chặn nguồn vốn bị rút ra và nạp lại nhận khuyến mãi không cho rút tiền. Và vài ngày sau app ngừng hoạt động.

Có mặt trong nhóm nạn nhân làm đơn tố cáo tới cơ quan công an về hành vi lừa đảo này, chị D cho biết chị được một người bạn thân mời chơi app Shopping Mall. Lợi nhuận nhiều nên chị D giới thiệu cho những người quen của mình cùng tham gia. Vô hình trung, chị D thành “đại lý” của cả một nhóm hàng chục người được coi là “cấp dưới”. Số tiền hoa hồng thu từ cấp dưới rất cao. Đơn cử như ở app Tiki, trước khi sập, app này ra điều kiện chỉ cần mời 10 người bạn đăng ký cùng ngày và nạp tiền vài trăm nghìn đồng vào tài khoản chơi thử thì người mời sẽ được nhận 1.100.000 đồng. Ngoài ra, số tiền hoa hồng hưởng từ nguồn vốn tham gia app của cấp dưới cũng rất lớn. Bị lợi nhuận làm mờ mắt nên nhiều người ra sức mời người thân, bạn bè tham gia nạp tiền vào app, khi app sập thì kéo theo cả trăm người bị mất tiền.

Hãy tránh xa

H.V, một quản trị mạng chia sẻ: “Dấu hiệu báo một ứng dụng kiếm tiền ảo sắp sập chính là bỗng dưng tài khoản không được rút, app tổ chức ra các sự kiện lớn khuyến mãi hay mở rộng mạng lưới người tham gia. Đơn cử như app Richn.vn trước khi “sập” đưa hình thức khuyến mãi “sốc”: Nạp 20 triệu đồng vào tài khoản app, sẽ được tặng ngay 3 triệu đồng. Hãy khách quan nhìn nhận làm gì có hình thức kiếm tiền dễ đến thế? Vậy mà vẫn có nhiều người vẫn lao vào nộp tiền để hưởng khuyến mãi và kết quả là mất hết”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh) cho biết, đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc được coi là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Thời gian gần đây, nhiều người tham gia đầu tư tiền thật trên mạng nhưng sau đó mất trắng nên có thể coi đây là hình thức lừa đảo ngày càng biến tướng. “Các nạn nhân nên trình báo cơ quan công an”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu quan điểm.

Trao đổi với Văn Hoá, Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho biết: “Cách thức lừa đảo giật đơn hàng, mua hàng hộ cho khách hàng của các app kiếm tiền online không còn mới mẻ gì, vậy mà người dân vẫn có thể tin tưởng vào một cái nick zalo không có số điện thoại trong ứng dụng chăm sóc khách hàng của một app? Thậm chí ngay cả khi chuyển khoản có số tài khoản, có tên chủ tài khoản cũng vẫn có thể đó chỉ là những tài khoản mà bọn tội phạm lừa đảo sử dụng thông tin của người khác, làm giả chứng minh thư và thông tin. Chúng sử dụng dịch vụ internet banking hoặc rút tiền ở ATM thì rất khó để ngân hàng kiểm chứng”.

Tránh xa những trò kiếm tiền ảo online chính là chiếc barie đối với mỗi người dân, giúp thoát khỏi những cạm bẫy lừa đảo tinh vi và xảo quyệt của những tên tội phạm công nghệ cao. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top