Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Xóm cao bồi” ở làng Ring đổi vận

Thứ Hai 06/06/2022 | 10:10 GMT+7

VHO- Từ lâu, trên đỉnh đèo Chư Sê thuộc địa phận làng Ring, xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) hình thành một khu dân cư có tên “xóm cao bồi” hay “xóm chăn bò”. Họ là những người dân bản Ja Rai bản địa, có cả những người di cư từ các tỉnh miền Trung lên.

Sau hơn 20 năm chăn bò, hiện gia đình bà Quy đang sở hữu đàn bò hơn 100 con, cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm

 Trải qua quãng thời gian gắn với cái nghiệp “chăn bò thuê”, đến nay trong số họ có người đã sở hữu đàn bò hàng chục, hàng trăm con, cuộc sống vì thế cũng đổi vận đi lên.

Không quá khó để tìm đến “xóm cao bồi” chuyên hành nghề chăn bò thuê ở làng Ring. Từ tuyến đường Hồ Chí Minh theo hướng Gia Lai - Đắk Lắk, đến đoạn đường tránh Chư Sê, rẽ trái vào tuyến Quốc lộ 25, xuôi theo khoảng 30 km, “xóm cao bồi” nằm tách biệt ngay trên đỉnh đèo. Ở đây chỉ có vài chục căn nhà tạm bợ được dựng lên bên cạnh những chuồng bò có sức chứa hàng chục đến hàng trăm con. Cư dân của “xóm cao bồi” này ban đầu chủ yếu là đồng bào người Ja Rai bản địa. Sau dần, nhiều người từ các tỉnh miền Trung có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp cũng “di cư” lên đỉnh đèo Chư Sê cất tạm nóc nhà rồi làm nghề chăn bò thuê. Khi tích cóp được vốn liếng, họ bắt đầu mua riêng bò của mình để chăn nuôi phát triển kinh tế.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quy (SN 1965) ở làng Ring tâm sự, bà mồ côi cha mẹ, bản thân lại bị tật một bên chân, di chuyển khó khăn. Vì cuộc sống ở quê vất vả, cách đây hơn 20 năm, bà rời quê hương ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lên làng Ring để lập nghiệp. Hành trang bà mang theo chỉ có hai bàn tay trắng, vài bộ đồ cùng với niềm tin sẽ tìm được mảnh đất để “đổi đời”. Ban đầu mới lên, bà Quy xin ở tạm trong nhà những người cùng quê lên đây trước. Để bám trụ cuộc sống nơi đất khách, bà làm đủ mọi nghề từ hái tiêu, cà phê thuê, làm cỏ mướn… Sau này, bà mới mày mò xuống gặp chủ để xin vài chục con bò về chăn thuê. “Hồi đó cuộc sống rất khó khăn. Nhiều người thấy tôi bị khuyết tật nên không dám thuê. Tình cờ, một hôm tôi đi cắt lúa thuê gần trang trại bò và xin được nhận bò chăn thuê. Thấy tôi dù bị tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng chịu khó nên ông chủ đã đồng ý và hỗ trợ tiền”, bà Quy nhớ lại.

Công việc chăn bò tưởng như dễ nhưng đối với bản thân bà Quy lại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bị tật, di chuyển khó khăn nhưng phải trông vài chục con bò dưới cái tiết trời nắng như đổ lửa ở địa hình dốc đứng của đỉnh đèo. Nhiều lúc trong lúc đi lùa bò, bị ngã rất đau nhưng bà tự an ủi bản thân phải nỗ lực, cố gắng. “Hồi đó, tiền công chăn bò thuê mỗi ngày chỉ có 10 - 20 nghìn đồng/ con/ngày. Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng tôi luôn chịu khó dành dụm từng đồng, rồi dần dần mua đàn bò cho riêng mình. Ngoài ra, mỗi năm còn được ông chủ trang trại cho một con bò về nuôi để làm vốn”, bà Quy kể. Năm 1999 bà Quy lập gia đình cùng ông Nguyễn Kim Hòa (SN 1944). Ông Hòa cũng chăn bò thuê cho một người khác ở xã H’Bông. Từ khi lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng bà Quy bước sang trang mới. Đến năm 2009, vợ chồng bà Quy nghỉ chăn bò thuê để tập trung vào đàn bò của mình. “Sau gần chục năm, vợ chồng tôi mới có đàn bò của riêng mình, không còn phải chăn thuê cho ai nữa. Lúc đó, gia đình có khoảng 20 con bò được mua từ số tiền dành dụm chăn bò thuê cộng với mấy con bò chủ trang trại cho mỗi năm”, ông Hòa bộc bạch thêm.

Tiếp lời chồng, bà Quy phấn khởi chia sẻ: “Hiện tại, vợ chồng tôi sở hữu đàn bò hơn 100 con. Mỗi tháng, 2 vợ chồng xuất bán từ 3 - 5 con, trung bình giá từ 10 triệu - 40 triệu đồng/con (tùy theo bò to hay nhỏ). Ngoài ra, gia đình còn có thêm thu nhập từ việc bán phân với số tiền thu được khoảng hơn 70 triệu đồng/năm. Nghề này không thể làm giàu, lại phải sống chung với mùi hôi hám nhưng nó giúp gia đình có thu nhập ổn định, không phải lo cảnh thiếu thốn như ngày trước”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo (SN 1965) cũng là một trong những người di cư lên làng Ring, xã H’Bông từ rất sớm để hành nghề chăn bò thuê. Ông Đạo cho biết, năm 2003 hai vợ chồng ông dắt theo 2 người con rời quê hương Bình Định lên đây để kiếm sống. Năm 2003, ông đã nhận đi chăn thuê 30 con. Sau 4 năm làm nghề chăn bò thuê, ông Đạo đã tích góp và mua cho mình 40 con bò. Từ đó, ông đã tập trung chăm đàn bò của gia đình và trồng thêm cây hồ tiêu để phát triển kinh tế.

“Đến thời điểm hiện tại, tôi đã có tổng cộng 80 con bò. Mỗi tháng sẽ xuất bán 2 - 4 con, trung bình giá một con là 8 triệu - 30 triệu. Như vậy, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng/năm. Còn phân bò bán mỗi khối khoảng 500 nghìn đồng, cũng thu được 50 - 60 triệu đồng/năm. Thu nhập từ việc bán bò và phân của nó giúp gia đình tôi khá giả hơn, có điều kiện lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống”, ông Đạo cho hay. Cũng theo ông Đạo, trước đây, công việc chăn thả bò khá dễ dàng, nhưng hiện tại rất cực và phức tạp do rừng bị phá nhiều. Những đám rẫy thi nhau mọc lên khiến bãi chăn bò bị thu hẹp dần, phải đưa bò đi ăn ở nơi xa hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết, tổng đàn bò trên địa bàn xã năm 2020 là 4.724 con, đến năm 2021 là 6.010 con, kế hoạch đề ra trong năm 2022 đạt 6.100 con. Trong đó tổng đàn bò của làng Ring gần 1.800 con. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi bò ở làng Ring nói riêng và cả xã nói chung đang cho thu nhập cao. “Người dân làng Ring chủ yếu sống bằng nghề chăn bò, có hộ chăn nuôi bò của gia đình, có hộ thì chăn nuôi thuê cho các trang trại. Cuộc sống của xóm dân cư này những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Dù không giàu có nhưng thu nhập từ chăn nuôi bò cũng làm cho nhiều hộ gia đình trở nên khá giả”.

Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi vẫn còn tình trạng thả rông gia súc. Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mang đậm tính tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, UBND xã phải thường xuyên chủ động tuyên truyền để đảm bảo tiêm phòng dịch bệnh, phát triển trồng cỏ để tự chủ về nguồn thức ăn. “UBND xã đang kiến nghị về xây dựng một số chuỗi liên kết chăn nuôi và triển khai các đề án, dự án, mô hình nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua mô hình chăn nuôi đang là thế mạnh của vùng”, Chủ tịch UBND xã H’Bông thông tin thêm. 

NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top