Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tiếp nhận áo dài Batik do Indonesia trao tặng

Thứ Sáu 10/06/2022 | 19:17 GMT+7

VHO - Chiều 10.6, Bảo tàng Áo dài (TP.HCM) đã tổ chức buổi tiếp nhận áo dài Batik do Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM trao tặng. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM trực tiếp trao tặng hiện vật cho Bảo tàng. Tham dự còn có đại diện Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị TP.HCM.

Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan trao tặng áo dài Batik cho Bảo tàng Áo dài 

Trước đó, vào ngày 3.4.2022, buổi trình diễn, giới thiệu về vải Batik và áo dài Việt Nam đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng. Bảo tàng Áo dài được vinh dự là nơi trưng bày các trang phục Batik và áo dài Batik từ tháng 4.2022 đến đầu tháng 5. Nhận thấy sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM quyết định trao tặng chiếc áo dài Batik cho Bảo tàng Áo dài để giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam và Indonesia. Đây là chiếc áo dài đầu tiên được tạo nên từ nghệ thuật Batik của các nghệ nhân ở Indonesia... 

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài bày tỏ cám ơn tấm lòng của Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM đã tặng áo dài Batik. “Có được áo dài Batik cũng chính là ước mơ của Bảo tàng Áo dài thời gian qua. Từ nay trở đi chúng tôi có thể giới thiệu với các em sinh viên, với nhân dân Việt Nam về nghệ thuật batik rất độc đáo của nhân dân Indonesia, và đặc biệt hơn khi mà đây cũng là lần đầu tiên Batik thể hiện trên một tà áo dài. Chúng tôi hi vọng đây là bước khởi đầu cho những buổi giao lưu sắp tới giữa Bảo tàng Áo dài và Tổng lãnh sự quán trong nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường sự hiểu biết về nhiều mặt, nhất là lĩnh vực văn hóa”, bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ. 

Một sinh viên năm 3 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đang trong quá trình kiến tập tại Bảo tàng Áo dài tìm hiểu về áo dài Batik

Batik được xem là một nét truyền thống lâu đời, đây là một sản phẩm thủ công và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, batik có nghĩa là “viết bằng sáp”, đây là một cách trang trí vải bằng cách phủ một lớp sáp, được gọi là “malam”, lên một phần nhất định của tấm vải, sau đó nhuộm vải. Phần vải được bao phủ bởi lớp sáp sẽ không bị đổi màu khi nhuộm. Do đó, sau khi loại bỏ lớp sáp, tấm vải sẽ xuất hiện sự tương phản về màu sắc giữa phần được nhuộm và phần có lớp sáp bao phủ. Các cộng đồng người ở Indonesia đã biết đến batik từ thế kỷ thứ IV hoặc V, và người ta cho rằng kỹ thuật thiết kế và nhuộm batik ở Indonesia cũng đa dạng và nhiều như số lượng hòn đảo ở quốc gia này vậy. Batik của mỗi dân tộc có kiểu dáng và màu sắc riêng. 

Tuy nhiên, không có khu vực nào phát triển batik thành một sản phẩm nghệ thuật với những hoa văn cầu kỳ giống như batik được tìm thấy ở đảo Java, Indonesia. Người dân ở đảo Java, hay còn gọi là người Java, đã bảo tồn nghề thủ công batik qua hàng thế kỷ. Đối với họ, batik không chỉ là một loại vải được trang trí phố biến, mà còn mang ý nghĩa triết lý quan trọng và sâu sắc gắn bó mật thiết trong đời sống mỗi con người nơi đây. Batik được sử dụng để quấn và bế những đứa trẻ khi chúng được sinh ra. Bên cạnh đó, batik cũng là một phần không thể thiếu trong các đám cưới. Cuối cùng, batik cũng được sử dụng như một tấm vải liệm trong tang lễ. 

Năm 2009, batik được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể. Điều này đã mang lại niềm tự hào cũng như một cột mốc chiến lược cho Indonesia, vì batik cũng thể hiện chức năng kinh tế quan trọng trong xã hội của quốc gia này. Người dân Indonesia thích giá trị nghệ thuật và kinh tế mà batik mang lại. Chính vì vậy, bất chấp những thử thách gặp phải, batik vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ và phát triển rực rỡ trong suốt hàng trăm năm. 

Áo dài Batik trưng bày trong không gian áo dài hội nhập quốc tế, tại cơ sở 2 của Bảo tàng Áo dài 

Ở Indonesia có những trang phục mang nhiều nét tương đồng với áo dài Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên các nghệ nhân đi sâu tìm hiểu, thể nghiệm làm áo dài bằng batik. Trang phục được may theo kiểu dáng áo dài truyền thống cổ cao, tay dài. Bộ áo dài được may trên nền vải Batik với cách phối màu và trang trí bằng hoa văn truyền thống của Indonesia, nhưng được thực hiện dựa trên cảm hứng sáng tạo riêng của nghệ nhân nên mỗi chi tiết đều mang một nét đẹp khác biệt, không trùng lắp. Các hoa văn trên áo được vẽ bằng tay trong bốn tuần, vì nổi bật với nhiều màu sắc nên quá trình làm Áo dài Batik tốn nhiều thời gian. 

Sau khi tiếp nhận, áo dài Batik được trưng bày trong không gian Áo dài hội nhập quốc tế, tại cơ sở 2 của Bảo tàng Áo dài để phục vụ khách tham quan.

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top